Xã hội

Ông chủ ra công văn hơn 1.600 chữ khi bị chê 'siêu máy bơm chẳng có gì là siêu cả'

Ông chủ tập đoàn Quang Trung đã chính thức lên tiếng phản biện về các ý kiến trái chiều của một số chuyên gia về "siêu máy bơm".

Ông chủ ra công văn hơn 1.600 chữ khi bị chê 'siêu máy bơm chẳng có gì là siêu cả'
Từ khi có "siêu bơm", đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn không thoát khỏi cảnh ngập úng. Ảnh: người lao động.

"Thủ phạm ở đây chỉ là sự ngu dốt về thủy động học"

Báo Thanh niên đưa tin, ngày 22/6, ông Nguyễn Tăng Cường - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn công nghiệp Quang Trung đã có một công văn với nội dung "Chủ siêu máy bơm phản biện các chuyên gia" gửi tới các cơ quan báo chí.

Trước đó. vào đầu tháng 6, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại chìm trong biển nước sau trận mưa lớn, "siêu bơm" không thể hoạt động.

Lý giải về điều này, ông Cường cho rằng có hành động phá hoại, vì sau khi sự cố trên xảy ra, Trung tâm chống ngập cùng phía Tập đoàn Quang Trung đã kiểm tra và phát hiện rất nhiều  loại rác thải với kích thước lớn như gạch, đá, tấm ván dài hơn 1 m cùng nhiều khúc cây nằm chắn ngang dưới cống. 

Ngoài ra, lực lượng kiểm tra còn phát hiện nhiều bao tải chứa cát, rác, sợi dây dù quấn thành bó gây nghẽn cống, nước không thoát được. Trước tình hình trên, ông Cường đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra.

Ông chủ ra công văn hơn 1.600 chữ khi bị chê 'siêu máy bơm chẳng có gì là siêu cả' - 1
Hệ thống máy bơm của tập đoàn Quang Trung.

Tuy nhiên, trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam cho rằng, việc rác thải đổ về ngập đường cống là kết quả đương nhiên của hiện tượng "quả đấm thủy lực".

Ông cho rằng, không cần phải điều tra. Thủ phạm ở đây chỉ là sự ngu dốt về thủy động học.

"Chẳng có ai phá hoại ở đây cả. Nếu để hiện tượng "quả đấm thủy lực" xảy ra thì mọi thứ, ngay cả đất đá, cát sỏi trong cống cũng có thể bị di chuyển cuốn theo.

Việc dùng máy bơm 500m3/h là phù hợp với điều kiện thực tế. Hay nói cách khác, cái gọi là "siêu máy bơm" 96.000m3/h trong trường hợp này cũng chỉ hoạt động được với công suất như máy bơm thường mà thôi. Chẳng có gì là "siêu" ở đây cả", vị tiến sĩ nói.

Công thức của chuyên gia là trình độ công nghệ 1.0,  "siêu máy bơm" là 4.0

Lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp Quang Trung cho rằng: "Công thức của chuyên gia tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn và tiến sĩ Hồ Long Phi, tiến sĩ Phạm Sanh đưa ra ai cũng được học và được coi như trình độ công nghệ 1.0, còn loại bơm của chúng tôi đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đang sử dụng có hiệu quả là công nghệ 4.0".

Trong văn bản, phía Quang Trung cũng phản biện lại 2 chuyên gia là tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) và tiến sĩ Vũ Hải (có 50 năm kinh nghiệm thoát nước). 

Hai chuyên gia này cho rằng "siêu máy bơm" hút mạnh sẽ gây ra vỡ ống cống và tạo ra các "hố tử thần",… thiết kế công trình không đúng tiêu chuẩn. 

Ông chủ ra công văn hơn 1.600 chữ khi bị chê 'siêu máy bơm chẳng có gì là siêu cả' - 2
Ông chủ "siêu bơm" Nguyễn Tăng Cường. Ảnh: Minh Đức/Tiền phong

Phía Quang Trung cho rằng họ thiết kế công trình chỉ tận dụng hệ thống cống có sẵn của thành phố để đặt hệ thống bơm và đã hoạt động được 21 lần thành công, có hiệu quả tốt, chưa bị chỗ nào vỡ cống và chưa có chỗ nào phát sinh ra "hố tử thần".

Nguyên văn văn bản viết: "Chúng ta phải nhìn vào thực tế, hố tử thần thì chưa thấy.. chỉ thấy người dân bị tai nạn do ngập không nhìn thấy đường, một số trường hợp đã bị tử vong do chui xuống ống cống", báo Thanh niên trích văn bản của Tập đoàn Quang Trung.

"Có chuyên gia cho rằng dùng bơm chống ngập cho thành phố là phản khoa học, trên thế giới không có nơi nào dùng bơm để chống ngập. 

Tôi xin giải thích, các vị cứ vào mạng kiểm tra có rất nhiều các nước văn minh đã và đang dùng bơm khủng để chống ngập cho thành phố như Jakarta, Malaysia, Singapore, Hà Lan,…", văn bản nói thêm.

Ngoài ra, ông Cường đề xuất: "Các chuyên gia có cao kiến nào để có giải pháp tốt hơn giúp cho thành phố chống ngập tại gần 100 điểm ngập của thành phố? Còn nếu không có giải pháp nào tốt hơn thì mong các chuyên gia ủng hộ chúng tôi đặt bơm để chống ngập cho thành phố như đất nước Hà Lan đang thực hiện. 

Nếu vị chuyên gia nào chưa hiểu về công nghệ bơm của chúng tôi thì hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi".

Theo Bảo Bình (Soha/Thời Đại)