Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

'Ở tâm dịch còn khó khăn nhưng chúng tôi tin sẽ có kết quả tốt đẹp!'

Đó là lời chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, cũng là bác sĩ đã điều trị thành công ca bệnh nhân 91 là phi công người Anh nhiễm Covid 19 vừa qua. Các bác sĩ tin rằng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi nếu được mọi người cùng chung sức, chung lòng vượt qua.

Ngày 9/8, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của bộ Y tế, lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy đã cử 6 đội phản ứng nhanh của bệnh viện đã lên đường ra Đà Nẵng, hỗ trợ các đồng nghiệp ở tiền tuyến.

Theo đó, đến thời điểm hiện nay, tại bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 4 đội phản ứng nhanh của bệnh viện Chợ Rẫy đã được phân công túc trực tại đây sau khi hoàn thành Đơn nguyên Hồi sức cấp cứu.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, phụ trách nhóm bác sĩ trực cho biết: “Mỗi sáng, nhóm có mặt tại bệnh viện lúc 7h30. Sau buổi giao ban nhanh về chuyên môn với bác sĩ trực thì ekip bắt tay ngay vào việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Buổi cơm trưa thường được “ăn nhanh” sau 13h rồi nhanh chóng cùng các đồng nghiệp tại Đà Nẵng theo dõi, chăm sóc bệnh nhân và cũng chỉ thường rời khỏi bệnh viện sau 20h mỗi ngày.

'Ở tâm dịch còn khó khăn nhưng chúng tôi tin sẽ có kết quả tốt đẹp!'
Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nặng tại bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Để hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, mỗi đêm đều có bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm của bệnh viện Chợ Rẫy ở lại trực. Và, chuyện lên đường trong đêm cấp cứu cho bệnh Covid -19 nặng từ các bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, bệnh viện Ung Bứơu Đà Nẵng, bệnh viện Hòa Vang... cũng là hoạt động thường xuyên của 11 thành viên đội phản ứng nhanh bệnh viện Chợ Rẫy tại bệnh viện Phổi Đà Nẵng”.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Kinh Luân, khoa Thận nhân tạo bệnh viện Chợ Rẫy, trưởng ê kíp phản ứng nhanh của bệnh viện Chợ Rẫy tại bệnh viện Hòa Vang cho biết, ekip đang phối hợp cùng các đồng nghiệp phụ trách chăm sóc cho 9 bệnh nhân và dự kiến đầu tuần số lượng bệnh nhân sẽ tăng lên 16. Mỗi ngày từ 2-3 lần, ê kíp phản ứng nhanh cùng các đồng nghiệp mặc trang phục cách ly vào chăm sóc cho các bệnh bệnh nhân. Do bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng yếu, nay kết hợp nhiễm Covid-19 nên không ít bệnh nhân ở tình trạng nặng. Tuy nhiên, mọi người đều đang nỗ lực hết sức để có thể cải thiện được tình trạng sức khỏe cho các bệnh nhân này.

'Ở tâm dịch còn khó khăn nhưng chúng tôi tin sẽ có kết quả tốt đẹp!' - 1
Đội phản ưng luôn làm việc hết mình vì bệnh nhân bệnh nặng

Chịu trách nhiệm điều phối đội phản ứng nhanh của bệnh viện Chợ Rẫy tại bệnh viện đa khoa Quảng Nam và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa 2Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Ở đầu chiến tuyến cùng các đồng nghiệp dù có nhiều vất vả bởi không chỉ làm công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân mà áp lực trước nguy cơ lây nhiễm là không nhỏ, nhưng mọi người luôn động viên nhau cùng lạc quan, vui vẻ và quyết tâm đồng sức, đồng lòng để vượt qua đại dịch này”.

Được biết, hiện nay, Đơn nguyên Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị cho 16 bệnh nhân, trong đó có 8 bệnh nhân nặng thở máy, 2 bệnh nhân đang chạy ECMO và 4 bệnh nhân phải lọc máu liên tục.

Đang trong tâm dịch, đối mặt bao khó khăn nguy hiểm để cấp cứu cho bệnh nhân bệnh nặng, nhưng bác sĩ vẫn luôn vui vẻ, lạc quan tràn đầy niềm tin sẽ đẩy lùi dịch bệnh.

Bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ: “Ở trong tâm dịch dù có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn tin rằng, với sự đồng sức đồng lòng của mọi người, chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp. Như trường BN 416 (ca đầu tiên được ekip phản ứng nhanh số 1 của BV Chợ Rẫy hỗ trợ thực hiện ECMO) dù tình trạng còn rất nặng giống BN 91 nhưng hiện nay kết quả xét nghiệm 3 lần liên tục là âm tính".

Theo Lành Nguyễn (Nguoiduatin.vn)