Xã hội

Nước sạch 'nóng' trên nghị trường

Đề cập đến vụ việc Nhà máy nước sạch Sông Đà bị đầu độc, đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng đang có dấu hiệu “lợi ích nhóm” tạo ra một cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Điện, nước, thực phẩm… những thứ liên quan trực tiếp và thiết yếu của gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục được “mổ xẻ” trên diễn đàn Quốc hội. Thủ tướng đã khẳng định không được để thiếu, các Bộ trưởng cũng cam kết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu và những vướng mắc cũng được chỉ rõ…

Nước sạch 'nóng' trên nghị trường
Ảnh minh họa - Nguồn internet

Một trong những bức xúc của các đại biểu quốc hội tỏ rõ trên nghị trường là chuyện nước sạch. Đề cập đến vụ việc Nhà máy nước sạch Sông Đà bị đầu độc, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng đang có dấu hiệu “lợi ích nhóm” tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Vụ việc này cũng bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia. Từ đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị phải xử lý nghiêm lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời xem xét lại hoàn thiện quy hoạch sản xuất, cung ứng nước sạch và nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất và cung ứng nước sạch.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề cổ phần hóa, nước sạch. Vấn đề an ninh nguồn nước còn quan trọng còn hơn cả an ninh lương thực. Song gần đây, có tình trạng thoái vốn đến 100% ở các công ty cung cấp nước sạch, gây nhiều lo lắng, nguy cơ về an ninh nguồn nước. Theo ông Nghĩa, “Vừa qua, dư luận phản ánh việc tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Tôi rất khẩn thiết đề nghị xem xét lại không nên thoái vốn hoặc Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các đơn vị này”.

Đề nghị ấy chính đáng, lo ngại ấy có cơ sở vì cùng với điện thì nước không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày và luôn được ví như “máu trong huyết quản” của người dân. Không chỉ dân chúng mà các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị… dù ở đâu hay bất cứ ngành nghề nào cũng luôn bị hai mặt hàng tối quan trọng này chi phối hoạt động khá nhiều. Các đại biểu quốc hội e ngại, cử tri quan tâm và quan tâm đang luận bàn càng cho thấy nước sạch không thể để cho một nhóm người quyết định nguồn cung.

Những băn khoăn quanh việc lãnh đạo Hà Nội quyết định mua nước sạch sông Đuống cao gấp đôi nước sạch của công ty khác, rồi lấy ngân sách bù lỗ vào giá bán cho dân là điều cần sớm minh bạch. Những việc rất khó hiểu trong khi chưa một lãnh đạo nào của Hà Nội trả lời trước công luận về vấn đề này nên cần được giải đáp rõ ràng, nhanh chóng.

Nếu nói đầu tư quá cao nên cần bán đắt thì phải kiểm toán và trả lời cho công chúng. Còn vì lý do A,B,C,D… nào đó cũng phải công khai vì điều đó ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng và giải quyết không ổn sẽ tạo tiền lệ xấu cho hàng chục triệu khách hàng dùng nước ở nhiều tỉnh, thành khác.

Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm minh bạch và kiến tạo để đời sống người dân được tốt hơn. Nhà nước cũng nhiều lần khẳng định dù là lợi ích nhóm nào cũng sẽ bị triệt tiêu để tạo ra công bằng xã hội và bình yên cho đất nước. Những mặt hàng thiết yếu và đụng chạm đến lợi ích của hàng chục triệu người dân càng không phải ngoại lệ. Chắc chắn những gì mập mờ và chỉ phục vụ cho thiểu số sẽ dần bị lôi ra ánh sáng.

Theo Phan Nguyễn (Nguoitieudung.com.vn)




http://www.nguoitieudung.com.vn/nuoc-sach-nong-tren-nghi-truong-d78905.html