Xã hội

Nỗi lo Tết Nguyên đán: Bệnh vì ăn uống thực phẩm bẩn

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, việc nghỉ ngơi dài ngày, tham dự hội hè đình đám, các cuộc tiệc tùng và đi lại nhiều khiến người dân đứng trước nguy cơ tai nạn, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu. Bên cạnh đó, thời tiết đông – xuân cũng là dịp mà các dịch bệnh thường bùng phát.

Ám ảnh ngộ độc rượu

Mới đây, tại hội thảo tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, cứ mỗi khi gần Tết Dương lịch trở đi, số ca ngộ độc rượu, đặc biệt là rượu chứa methanol, lại tăng 30-40% so với bình thường. Điều đáng chú ý là bệnh nhân bị ngộ độc rượu chủ yếu ở trong độ tuổi lao động 20 - 50, với nhiều ca mà tình trạng ngộ độc ở mức cấp tính cao dẫn tới hôn mê, toan chuyển hóa, nhiễm độc máu. Gần đây nhất là trường hợp của nữ bệnh nhân V.T.H (24 tuổi, trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Trước khi nhập viện, chị H đã uống tới mức say xỉn trong một buổi liên hoan cuối năm. Sau đó một ngày, trạng thái say xỉn đã chuyển sang hôn mê, nói sảng và khi được đưa vào cấp cứu, nữ bệnh nhân này đã ở trong tình trạng nguy kịch.

Nỗi lo Tết Nguyên đán: Bệnh vì ăn uống thực phẩm bẩn
Bộ trưởng Bộ Y tế đi kiểm tra tình hình ATTP Tết Mậu Tuất.  Ảnh:  D.L

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu là nguyên nhân của 1% vụ đánh nhau, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia như gan, dạ dày, tim mạch. Còn theo số liệu của Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân tâm thần và đang có xu hướng gia tăng.

“Rất nhiều ca ngộ độc methanol đã không qua khỏi hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội” - bác sĩ Nguyên nói.

Ông Nguyễn Hùng Long  – Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Bộ Y tế cho biết, tình hình ngộ độc rượu có xu hướng giảm với khoảng 3-4 vụ mỗi năm. Tuy nhiên, đến năm 2017, con số này lại gia tăng đột biến với 10 vụ ngộ độc, 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người chết. “Qua các vụ ngộ độc rượu cấp tính, có thể thấy cái gọi là rượu ấy được bán tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, tại các hàng cơm bụi, do người bán rong bán. Xét nghiệm chỉ ra rằng, các dung dịch mà người dân gọi là rượu thực chất là cồn công nghiệp pha nước lã. Có mẫu xét nghiệm rượu gây ngộ độc cho kết quả 560.000mg methanol/lít, tức là 1 lít rượu có hơn 50% là methanol! Với hàm lượng như vậy, người dân chỉ uống 1-2 chén là có thể tử vong” – ông Hùng Long cảnh báo.

Theo ông, điều quan trọng nhất là tuyên truyền người dân không lạm dụng rượu bia để tránh mắc các bệnh mãn tính nguy hiểm như: Ung thư, viêm loét dạ dày, viêm tụy cấp…  Đây đều là những căn bệnh đưa người dân từ bàn nhậu tới thẳng… giường bệnh cứ mỗi dịp tết đến xuân về.

Tình hình an toàn thực phẩm phức tạp

Theo ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP, vào dịp Tết Nguyên đán, dự báo sẽ có nhiều loại thực phẩm sẽ có nhu cầu tiêu dùng tăng tới 10 lần so với ngày thường như bánh kẹo, bia rượu nước giải khát... Lượng tiêu thụ tăng khiến việc kiểm soát khó khăn hơn, các mặt hàng thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng trà trộn để tuồn ra thị trường cũng nhiều hơn, kéo theo nguy cơ mất ATTP rất lớn.

“Tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến. Cụ thể, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi, một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường và tình trạng thực phẩm nhập lậu vẫn tiếp diễn. Không chỉ có vậy, điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém và và công nghệ chế biến lạc hậu. Ngoài ra, công tác kiểm soát an toàn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ cũng còn nhiều hạn chế” – ông Phong nhận định.

Mới đây, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi “thị sát” tình tình thực hiện ATTP Tết Mậu Tuất tại một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt tại Hà Nội. Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra không phát hiện vi phạm về ATTP. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra giám sát liên tục, thường xuyên quy trình sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và lấy mẫu kiểm nghiệm các mặt hàng có nguy cơ bị làm giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, các bộ ban ngành cũng cần công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về những sản phẩm đạt chất lượng cũng như những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn để khuyến cáo người tiêu dùng. Riêng tại Hà Nội, trong đợt cao điểm này, thành phố kiểm tra trên 6.000 cơ sở, phát hiện trên 1.200 cơ sở có vi phạm và đã xử phạt trên 400 cơ sở với số tiền trên 3 tỷ đồng. Đồng thời, các đoàn kiểm tra cũng đã thu giữ toàn bộ sản phẩm không đảm bảo, tiêu hủy những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo ông Phong, việc thanh kiểm tra ATTP còn nhiều khó khăn vì không ít địa phương vẫn "khoán trắng" công tác thanh tra, kiểm tra ATTP cho cơ quan y tế. Thực tiễn cho thấy, nếu không có sự phối hợp liên ngành, nhất là các đoàn kiểm tra không có sự tham gia cùng của cơ quan công an thì hiệu quả kiểm tra không cao. “Có cơ sở khi đoàn thanh, kiểm tra đến thì đóng cửa, kiên quyết không tiếp. Có cơ sở đăng ký sản xuất một nơi nhưng thực tế lại chuyển địa điểm sản xuất đến một nơi khác, đoàn rất khó khăn khi tiếp cận. Có cơ sở công bố sản xuất ở địa điểm này nhưng khi đoàn kiểm tra đến trụ sở đó lại là cửa hàng cắt tóc gội đầu…” – ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.

Một số vụ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bị bắt giữ

* Ngày 22.1, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 16 (Chi cục QLTT Hà Nội) kiểm tra hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa). Qua kiểm tra, đơn vị chức năng đã tạm giữ 312 chai rượu các loại, 2.400 chai nước ngọt Coca Cola 300ml, 50kg đùi gà đông lạnh vì không có xuất xứ.

* Ngày 13.1, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng PC49 (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 đối tượng về hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc mùi vị, buộc tiêu hủy 535kg nội tạng lợn.

* Ngày 16.1, Công an quận Bình Tân (TP.HCM) lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Ong Thị Dung (quận 8, TP.HCM) để điều tra xử lý về hành vi sản xuất hàng giả với số tang vật vi phạm gồm 1.591 gói bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto (tương đương 914kg bột ngọt).

* Ngày 17.12.2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn cũng đã liên tiếp bắt giữ 2 vụ vận chuyển hơn 1 tấn nầm lợn được tẩm hóa chất bảo quản, đông đá nhưng đã lên mốc xanh và bốc mùi hôi thối.

Sẽ xử lý nghiêm địa phương để xảy ra vi phạm

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, “Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 09 về đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018, trong đó chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP  tại các tỉnh/thành phố trọng điểm về ATTP, nhất là các cửa khẩu. Điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tết năm nay là các đoàn thanh kiểm tra của Trung ương chủ yếu đôn đốc, thanh kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương chứ không làm thay địa phương. Do đó, nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ có hình thức xử lý, không để “trên nóng dưới lạnh”. “Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp tết như bia rượu, bánh kẹo…” – Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong khẳng định.

D.L

Theo Diệu Linh (Dân Việt)