Xã hội

Những "ông thần" gốc Phi: Tìm đủ cách trụ lại Việt Nam

Phần lớn những người gốc Phi sang VN mở công ty “ma”, mở shop... cho có, nhằm lưu trú tại VN.

Phần lớn những người gốc Phi sang VN mở công ty “ma”, mở shop... cho có, nhằm lưu trú tại VN.

 

Người gốc Phi bị xử phạt vì cư trú quá thời hạn - Ảnh: Hải Nam

Cùng phụ nữ VN mở công ty, shop…

Kéo nhau qua VN

Ông G. người Nigeria, nói: “Những ngày qua, tôi rất buồn vì hình ảnh những người đồng hương của mình bị lên báo vì cư trú bất hợp pháp và làm chuyện xấu”. Theo ông G., có nhiều người gốc Phi sang VN làm ăn đàng hoàng chứ không phải xấu hết. “Trước khi qua VN, tôi buôn bán xe hơi cũ, ti vi... cũng có tiền nhưng cuộc sống rất khổ. Qua VN, tôi buôn bán quần áo, lấy vợ và có cuộc sống khá thoải mái. Người châu Phi khác nghe nói ở VN có nhiều việc làm, kiếm được nhiều tiền và cuộc sống tốt hơn nên họ kéo nhau qua”, ông G. nói.
Chiều 11.1, chúng tôi gặp ông G., 48 tuổi, người Nigeria, đã sinh sống tại VN 9 năm và được ông cho biết, người châu Phi vào VN rồi kết hợp với một số người Việt, đa phần là nữ, thành lập công ty mục đích để đưa người châu Phi vào VN cho hợp pháp; số công ty làm ăn kinh doanh thật sự rất ít. Theo ông G. biết, ở Q.12 có 3 công ty, Q.Gò Vấp có 3 công ty, và Q.Tân Phú có 2 công ty và một số khác ở Q.Tân Bình, một số nữa mở shop quần áo, giày dép… Sau đó họ sẽ đưa những người bên châu Phi có nhu cầu sang VN và thu phí từ 200 - 500 USD, có khi cả ngàn USD, lấy danh nghĩa sang VN “hợp tác làm ăn”. Nhưng, thực tế thì không có làm ăn gì cả, khi đã vào được VN thì họ sẽ tìm cách ở lại VN. Cách lách để qua mặt cơ quan chức năng là khi visa gần hết hạn, họ sẽ đi qua một nước thứ 3 (thông thường là Campuchia, Lào, Thái Lan…) và sau đó trở lại VN để được gia hạn visa.
 
“Tuy nhiên, số người có đủ tiền để gia hạn visa không nhiều, đa phần họ sẽ cư trú bất hợp pháp”, ông G. nói và thông tin thêm: “Sau đợt công an ở TP.HCM kiểm tra vừa qua, có một số ít người châu Phi đã trở về nước. Nhưng tôi không biết họ có quay lại VN không. Mới đây, tôi có gặp một người quen từ Campuchia trở về VN sau khi anh ấy đã bị cảnh sát VN trục xuất, tôi hỏi thì anh ấy nói anh đi đường bộ vượt biên giới vào VN. Anh ấy nói sẽ đi một chỗ nào đó xa xa để không ai biết, khi nào yên thì mới về đây lại...”.
 
Theo một cán bộ của Công an TP.HCM, gần đây, số lượng người châu Phi đến TP.HCM gia tăng. Mỗi tháng có trên dưới 1.000 người châu Phi ra vào TP.HCM, trong đó có khoảng 400 - 600 người châu Phi sinh sống, làm ăn, kinh doanh ở TP.HCM - lưu trú ổn định. Tuy nhiên, có khoảng 30% nhập cảnh, lưu trú bất hợp pháp, những người này vào TP.HCM bằng đường du lịch, kinh doanh, lao động, sau đó giấy tờ hết hạn nhưng không gia hạn. “Hiện, có hơn 100 doanh nghiệp (DN), văn phòng đại diện, có liên quan đến người gốc Phi, trong đó không ít DN lập ra để núp bóng cho việc cư trú lại VN. Có người là cổ đông lớn của công ty nhưng lại thất nghiệp, lang thang làm công việc chân tay kiếm tiền sinh sống. Theo luật DN, cơ quan chức năng tiếp nhận đầy đủ hồ sơ thì cấp phép hoạt động, nhưng không hậu kiểm, đây là lỗ hổng để những người nước ngoài không nghề nghiệp cư trú. Công an đã từng xử lý người Nigeria núp bóng công ty “ma” để lưu trú lại VN”, một cán bộ của Công an TP.HCM nói.
 
 
Tốn hàng chục tỉ đồng để mua vé máy bay… trục xuất
 
Theo thượng tá Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72), trong đợt kiểm tra hành chính tối 28.12.2015 tại khu vực Q.Gò Vấp, lực lượng phối hợp kiểm tra hành chính 52 người (gồm: 50 người Nigeria, 2 người Cameroon) thì có đến 17 người Nigeria giấy tờ tùy thân quá hạn nên lập biên bản xử lý, buộc xuất cảnh. Có trường hợp giấy tờ tùy thân quá hạn 8 - 9 năm mà vẫn lưu trú bất hợp pháp tại VN.
 
Ngoài khu vực Q.Gò Vấp, Q.12, một số nơi như Q.Tân Phú, Q.Tân Bình cũng có hàng trăm người châu Phi sinh sống, hết sức phức tạp. Tuy nhiên công tác xử lý người nước ngoài cư trú bất hợp pháp gặp nhiều khó khăn. Hiện, với trường hợp trễ hạn thị thực, công an chỉ xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/trường hợp, không đủ sức răn đe. Thêm vào đó, nếu có tạm giữ cũng chỉ tạm giữ 24 giờ vì thành phố chưa có nhà tạm giữ, chủ yếu “câu lưu” nơi người nước ngoài lưu trú. Ở các nước khác, cảnh sát bắt giữ người vi phạm luật cư trú họ có nơi tạm giữ và có luật định điều chỉnh nên người nước ngoài sợ không dám vi phạm. Ngoài ra, đa số người Nigeria cư trú bất hợp pháp đều không có tiền, trong khi đó họ nhập cảnh vào VN không có công ty nào bảo lãnh nên khi trục xuất không có tiền mua vé máy bay. Khi làm việc với cơ quan ngoại giao của họ thì cũng không có chính sách hỗ trợ, nên trong thời gian qua, thành phố bỏ ra hàng chục tỉ đồng để thực hiện việc buộc xuất cảnh đối với người Nigeria lưu trú bất hợp pháp trên địa bàn.

Kiểm tra, xử lý nghiêm

Trao đổi với chúng tôi chiều 11.1, thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an, cho biết đã nắm thông tin về tình trạng mất an ninh trật tự của một số người nước ngoài gốc Phi mà Thanh Niên phản ánh. “Chúng tôi sẽ đề nghị Phòng Quản lý xuất nhập cảnh TP.HCM và các cơ quan chức năng TP.HCM tăng cường kiểm tra các cơ sở lưu trú để xử lý nghiêm tình trạng lộn xộn, gây mất an ninh trật tự vi phạm pháp luật”.

Theo thiếu tướng Lê Xuân Viên, trong đợt kiểm tra mới đây tại TP.HCM: “Người nước ngoài gốc Phi khi vào VN chủ yếu lấy vợ người Việt và gửi hộ chiếu cho vợ hoặc bạn bè giữ hộ sau đó họ đều được bảo lãnh. Theo quy định pháp luật, những người lấy vợ VN sẽ được cấp giấy tạm trú”.

Thiếu tướng Lê Xuân Viên cũng khẳng định đối với các trường hợp cư trú bất hợp pháp như cư trú quá hạn, không khai báo tạm trú hoặc cư trú trái mục đích nhập cảnh (khai báo đi du lịch nhưng làm việc tại VN)..., khi phát hiện đều phải áp dụng biện pháp buộc xuất cảnh theo quy định. Kể cả những trường hợp khai báo mất giấy tờ hoặc khai báo loanh quanh về hoàn cảnh để tìm cách ở lại VN.

“Không chỉ người gốc Phi, bất cứ các đối tượng người nước ngoài vi phạm đều phải xử lý nghiêm. Tùy theo mức độ, chúng tôi còn áp dụng biện pháp buộc xuất cảnh sớm đối với những trường hợp đang còn visa”, ông Viên khẳng định.
 
Tuy nhiên theo một cán bộ điều tra của Công an TP.HCM than phiền: “Chúng ta chưa có hiệp định hỗ trợ tư pháp đối với một số nước châu Phi, điều này làm ảnh hưởng nhất định đến công tác phục vụ điều tra. Nhiều tội phạm bị đề nghị trục xuất nhưng không có giấy tờ tùy thân, khi cơ quan chức năng nước ta làm việc với cơ quan ngoại giao của họ thì thường bị từ chối tiếp nhận, hỗ trợ nên không thể làm thủ tục trục xuất được”.
 
Liên quan lừa đảo, buôn bán ma túy

Trong cuộc gặp mặt định kỳ với báo chí mới đây, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM khuyến cáo người dân thành phố đề phòng cảnh giác đối với tội phạm người Nigeria lừa đảo qua mạng internet - tán tỉnh phụ nữ VN nhẹ dạ, cả tin; sau đó lên kịch bản tặng quà có giá trị cao, dụ nạn nhân chuyển tiền trả phí vận chuyển, hải quan để chiếm đoạt. Người điều hành thường ở nước ngoài, họ gây án ở nhiều nước và những người bị bắt đa số là chân rết.

Ngoài ra, thời gian qua, Bộ Công an, Công an TP.HCM phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM phát hiện, triệt phá hàng loạt vụ vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn do tập đoàn ma túy gốc Phi, trong đó chủ yếu là người Nigeria điều hành. “Đa số các vụ bắt giữ đều liên quan đến các đường dây tội phạm ma túy gốc Phi thuê người vận chuyển. Đến nay chỉ mới bắt giữ được những người vận chuyển thuê song chưa bắt được các tên gốc Phi chủ mưu, cầm đầu” - một lãnh đạo của Bộ Công an cho biết.

Đàm Huy
 
Loại ngay từ đầu

Đạo luật nhập cảnh (Immigration Act) hiện hành của Singapore quy định rõ 16 nhóm đối tượng người nước ngoài bị cấm nhập cảnh vào nước này. Trong đó, nhóm đầu tiên thuộc diện tương tự những người gốc châu Phi hiện đang gây đau đầu cho chính quyền TP.HCM mà Báo Thanh Niên đề cập. Họ là những người “không thể chứng minh có đủ tiền bạc hay phương tiện để trang trải cho các chi tiêu của chính mình và người phụ thuộc, không có một công việc xác định đang chờ đợi, hoặc nhiều khả năng trở thành kẻ bần hàn, tạo gánh nặng cho công chúng”. Theo đạo luật trên, kiểm soát viên cửa khẩu có quyền từ chối cho các đối tượng nói trên nhập cảnh mà không cần giải thích lý do, đồng thời buộc chủ phương tiện vận tải đã đưa đối tượng đến Singapore chở trả họ về nơi xuất phát.

Cơ quan xuất nhập cảnh Singapore (ICA) có hẳn quy định ràng buộc trách nhiệm của người cho thuê nhà. Quy định có tên gọi “chống dung dưỡng” buộc chủ nhà trọ hay khách sạn kiểm tra kỹ lưỡng hộ chiếu, thị thực, giấy phép làm việc... của người nước ngoài, thậm chí phải liên hệ đối chứng các giấy tờ với ICA hoặc Bộ Nhân lực, trước khi cho họ thuê chỗ ở. Chủ nhà nếu bị phát hiện cho người nước ngoài lưu trú quá hạn, nhập cư bất hợp pháp thuê nhà, hoặc lơ là trong việc kiểm tra giấy tờ của khách sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm và phạt tiền đến 6.000 SGD (gần 100 triệu đồng).
 
Thục Minh (Văn phòng Singapore)
 
>> Nhiều người gốc Phi ở Sài Gòn bị nghi nằm trong băng mại dâm
>> Hàng trăm cảnh sát bố ráp, tạm giữ gần 100 ông Tây đen ở Sài Gòn
 
Theo Đàm Huy - Hải Nam - Thái Sơn (Thanh Niên Online)