Xã hội

Những 'khối vàng lộ thiên' chết khô bên hồ Hoàn Kiếm chưa thể chặt hạ, vì sao?

3 cây sưa chết bên hồ Hoàn Kiếm đã được cấp phép chặt hạ nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa thể tiến hành chặt hạ như dự kiến ban đầu.

Những 'khối vàng lộ thiên' chết khô bên hồ Hoàn Kiếm chưa thể chặt hạ, vì sao?
Một cây sưa có đường kính lớn chết khô bên hồ Hoàn Kiếm

Đầu tháng 4/2023, UBND quận Hoàn Kiếm giao Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các phòng có liên quan của quận Hoàn Kiếm, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khảo sát và lên phương án xử lý cây chết tại vườn hồ Hoàn Kiếm.

Đồng thời, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc tổ chức bảo quản gỗ, củi của 3 cây sưa bị chết ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Dự kiến ban đầu, ngày 18/4, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội sẽ cùng các đơn vị liên quan phối hợp chặt hạ những cây bị chết. Tuy nhiên, đến ngày 20/4, số cây chết này vẫn chưa được chặt hạ.

Những 'khối vàng lộ thiên' chết khô bên hồ Hoàn Kiếm chưa thể chặt hạ, vì sao? - 1
Những cành cây khô đã lâu ngày tiềm ẩn nguy hiểm cho du khách tham quan

Lý giải nguyên nhân chưa thể chặt hạ những cây bị chết ở hồ Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Kim Quỳnh, Phó phòng Quản lý dự án và hạ tầng kỹ thuật (Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội) cho biết, hiện nay, việc chặt hạ 3 cây sưa bị chết khô ở khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được cấp phép.

Tuy nhiên, các cơ quan liên quan vẫn phải họp để thống nhất về phương án cắt khúc, thu hồi và bảo quản gỗ sau khi chặt hạ các cây sưa. Do đó, chưa tiến hành chặt hạ như dự kiến. Khi có lịch cụ thể sẽ thông báo sau.

Những 'khối vàng lộ thiên' chết khô bên hồ Hoàn Kiếm chưa thể chặt hạ, vì sao? - 2
Cây chết ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị ở hồ Hoàn Kiếm - di tích Quốc gia đặc biệt

Trước đó, ven hồ Hoàn Kiếm xuất hiện nhiều cây xanh bị chết, trong đó có vài cây sưa có giá trị. Việc cây chết ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ vào du khách tham quan khi trời có mưa, bão.

Theo kết quả khảo sát Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, trong vườn hồ Hoàn Kiếm có 5 cây xanh bị chết, gồm 3 cây sưa, 1 cây bằng lăng và 1 cây muồng.

3 cây sưa chết gồm: 1 cây ở đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng, đường kính 59cm, chiều cao 10-12m. Hai cây còn lại ở gần đồng hồ hoa Thuỵ Sỹ và sát mép hồ, trong đó 1 cây có đường kính 40cm, chiều cao 5-6m và 1 cây có đường kính 35cm, chiều cao 8-10m.

Đối diện số 31 Đinh Tiên Hoàng có 1 cây bằng lăng bị chết, đường kính 26cm, chiều cao 8-10m.

Đối diện ngã 3 Hàng Trống - Lê Thái Tổ có 1 cây muồng bị chết, đường kính 19cm, chiều cao 5-6m.

Sưa đỏ là cây gỗ quý thuộc nhóm 1A (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).

Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên đều có giá vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng nên nhiều người săn tìm nó với mong ước đổi đời. Thậm chí, có thời điểm người ta còn thu mua cả lá, rễ cây với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/kg.

Có rất nhiều lời đồn đoán về công dụng thực sự của gỗ sưa. Tuy nhiên đến nay, chưa có ai tìm ra được giá trị thực của nó.

Năm 2016, cây sưa hơn 200 tuổi tại đình làng Đông Cốc (thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) được bán cho ông Nguyễn Văn Hùy (Bắc Ninh) với giá 26 tỷ đồng.

Theo Hà Giang (Tri thức & Cuộc sống)




https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/nhung-khoi-vang-lo-thien-chet-kho-ben-ho-hoan-kiem-chua-the-chat-ha-vi-sao-171102.html