Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Nhiều người Đà Nẵng không chấp hành cách ly xã hội

Sau khi được lấy mẫu xét nghiệm nCoV, nhiều người dân Đà Nẵng vẫn đi làm, khiến quá trình điều tra dịch tễ, xác định F1 gặp khó khăn.

Theo điều tra dịch tễ của CDC Đà Nẵng, "bệnh nhân 1011", 38 tuổi, tiểu thương chợ Tân Lập (quận Thanh Khê) được lấy mẫu theo kế hoạch xét nghiệm diện rộng từ trưa 20/8. Chiều cùng ngày, chị vẫn đi bán mắm dưa ở chợ Cồn (quận Hải Châu), ghé mua rau và đậu khuôn của hai người khác. Sáng 21/8, chị ra chợ Tân Lập bán hàng, mua hàng của người khác, đến tối thì có kết quả dương tính.

"Bệnh nhân 1013", 51 tuổi, tiểu thương bán hải sản ở chợ Siêu Thị, từng được lấy mẫu xét nghiệm nCoV lần một ngày 16/8 và có kết quả âm tính. Ba ngày sau, bà bị rát họng, ho nhẹ. Ngày 20/8, bà vẫn đến cảng cá Thọ Quang thu gom hải sản đưa về chợ Siêu Thị bán, tiếp xúc với nhân viên bưu điện đến nhà giao túi xách, sau đó được đi lấy mẫu xét nghiệm lần hai.

Ngày hôm sau, bà được chị gái chở hải sản đến trước nhà để ngồi bàn. Thời gian này, bệnh nhân tiếp xúc với một cô giáo (không nhớ tên), cùng hai người hàng xóm, được lấy mẫu xét nghiệm lại và khẳng định mắc Covid-19.

"Bệnh nhân 1017", 68 tuổi, được Bộ Y tế công bố chiều 24/8 từng có biểu hiện ho, sốt nhẹ từ ngày 17/8 nhưng tự uống thuốc ở nhà. Ba ngày sau, triệu chứng không đỡ, bà tự đi mua thuốc uống. Bà từng đi chợ Hà Thân (quận Sơn Trà) và Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Trong ngày 23/8, bà được lấy mẫu xét nghiệm cho những người đến chợ và có kết quả nghi ngờ. Đến tối, kết quả xét nghiệm lại khẳng định bà mắc Covid-19.

CDC Đà Nẵng cho biết đã xác định được 39 người tiếp xúc gần với "bệnh nhân 1017". Riêng ở chợ Bắc Mỹ An, bà đã tiếp xúc ít nhất bảy tiểu thương.

Nhiều người Đà Nẵng không chấp hành cách ly xã hội
Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm nCoV tại khu dân cư ở Đà Nẵng, đầu tháng 8. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Phạm Trúc Lâm, Phó giám đốc CDC Đà Nẵng, cho biết việc người dân có triệu chứng, hoặc đã lấy mẫu nhưng vẫn đi lại gây khó khăn cho nhân viên y tế khi truy vết, xác định trường hợp F1, F2. "Nhiều người còn có tâm lý nếu khai ra người đã tiếp xúc gần với mình thì người đó sẽ phải đi cách ly, ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc sẽ bị ghét bỏ nên cố tình giấu. Nhiều trường hợp chúng tôi phải nhờ đến công an", ông Lâm nói

Ông Lâm nhận định, lần bùng phát dịch này thành phố phải kéo dài thời gian cách ly xã hội. Nhiều người chịu áp lực mưu sinh, nảy sinh ý nghĩ "may nhờ rủi chịu", dẫn đến khi xét nghiệm mà chưa khẳng định nhiễm nCoV thì vẫn ra đường làm ăn.

Từ thực tế trên, tối 24/8, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu người dân trong khi chờ kết quả xét nghiệm nCoV phải tuyệt đối cách ly ở nhà, không tiếp xúc hoặc đi nơi khác. Ngành y tế và chính quyền các quận, huyện sẽ giám sát việc này. Những người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, rát họng... phải thông báo cho y tế địa phương và lấy mẫu xét nghiệm.

Người dân cũng được khuyến cáo không tự ý mua thuốc. Các hiệu thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn phải thông báo cho cơ quan y tế địa phương khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đến mua thuốc điều trị.

Từ 24/7 đến 18h ngày 24/8, Đà Nẵng ghi nhận 379 người mắc Covid-19. Trong đó, 126 người khỏi bệnh, 23 người tử vong (ghi nhận tại Đà Nẵng). Thành phố đang điều trị cho 217 bệnh nhân, trong đó có 17 người chạy thận nhân tạo.

Theo Nguyễn Đông (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/nhieu-nguoi-da-nang-khong-chap-hanh-cach-ly-xa-hoi-4151595.html