Xã hội

Nhiều bộ, ngành "cố thủ" trong nội đô Hà Nội

Được cấp đất xây trụ sở mới, nhưng tất cả bộ ngành đã và đang di dời không bàn giao lại cơ sở cũ nằm trong quận trung tâm thủ đô.

Được cấp đất xây trụ sở mới, nhưng tất cả bộ ngành đã và đang di dời không bàn giao lại cơ sở cũ nằm trong quận trung tâm thủ đô.

Theo đó từ tháng 1/2015, Thủ tướng quyết định biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua Hà Nội ngừng giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

nhieu-bo-nganh-co-thu-trong-noi-do-ha-noi
Trụ sở mới Bộ Nội vụ trên đường Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Võ Hải.

Thành phố cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở bệnh viện, giáo dục, cơ quan đơn vị để phục vụ công tác di dời. Hiện có 9 cơ quan được giới thiệu, bố trí đất phục vụ di dời (các bộ: Công an, Ngoại Giao, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc).

Trong đó 7 đơn vị tiếp tục giữ lại trụ sở cũ làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan trung ương quản lý; 2 cơ quan đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đầu tư xây dựng dự án nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng). Cụ thể, Bộ Ngoại giao sẽ di dời đến trụ sở mới trên Đại lộ Thăng Long, khu đất hiện tại của Bộ được dự kiến bố trí Nhà làm việc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ (theo quy hoạch Khu trung tâm chính trị hành chính Ba Đình). 

Bộ Nội vụ đã chuyển về trụ sở mới ở phố Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy. Khu đất cũ tại số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trung, Bộ này giữ lại làm trụ sở các đơn vị và trường đào tạo cán bộ thuộc Bộ Nội vụ. Cùng chuyển về phố Tôn Thất Thuyết là Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu đất ở 83 Nguyễn Chí Thanh vẫn được Bộ này làm trụ sở...

2 cơ sở được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại 42 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm và khu đất của Thanh tra Chính phủ tại số 220 Đội Cấn, quận Ba Đình.

Cũng trong tình trạng “cố thủ”, hiện 8 bệnh viện đã và đang di dời (Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã đi vào hoạt động tại cơ sở mới nhưng tiếp tục sử dụng cơ sở cũ). “Tất cả bệnh viện sau khi được giới thiệu, thỏa thuận địa điểm mới đều được tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành, không bàn giao quỹ đất cho thành phố”, UBND Hà Nội cho biết.

Với các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, thành phố đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc với quy mô trên 279 ha. Nhưng đến nay, duy nhất Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội di dời đến địa điểm này.

Về cơ sở công nghiệp, thành phố xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.

Để đẩy nhanh tiến độ, Hà Nội kiến nghị với các bộ, ngành trung ương tiếp tục phối hợp, sớm di dời các cơ sở đào tạo, bệnh viện và nhà máy theo đúng quy hoạch.

Theo Võ Hải (VnExpress.net)