Xã hội

Nhân lúc người dân gặp khó khăn, Công ty nước sạch sông Đuống kiếm lợi?

Trong khi người dân đang chi trả chi phí nước sinh hoạt theo khung giá đã “mặc định” của thành phố thì việc tăng giá nước của Công ty CP nước sạch sông Đuống đang khiến người kinh doanh bức xúc, tò mò về lý do đơn vị này phải “bất chấp” quy định để tăng giá.

Người dân không đồng tình tăng giá nước

Với mức giá nước sinh hoạt Hà Nội tạm tính cho sông Đuống lên đến hơn 10.000 đồng/m3 và thành phố giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất tăng giá bán buôn nước sạch gấp đôi với giá bán nước sạch bậc 1 hiện nay, đã khiến người dân bức xúc. Đặc biệt là người kinh doanh, người có nhu cầu sử dụng sản lượng nước lớn.

Trước khi sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải, phường Thanh Xuân Nam, thuộc quận Thanh Xuân là địa bàn tiêu thụ nước mặt sông sông Đà. Tuy nhiên, mới đây, đơn vị phân phối nước là Công ty Viwaco đã đấu nối thêm nước sạch sông Đuống để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân.

Nhân lúc người dân gặp khó khăn, Công ty nước sạch sông Đuống kiếm lợi?
Bà Lê Thị Nhân hoàn toàn không đồng tình với việc tăng giá nước.

Đã từng trải qua những ngày khổ sở để có nước rửa mặt, nên khi nghe tin đề xuất tăng giá nước, bà Lê Thị Nhân (56 tuổi, ở phường Hạ Đình) hoàn toàn không đồng tình.

Bà Nhân cho biết: "Người dân gặp khó về nước như vậy chưa đủ hay sao? Khi việc khắc phục sự cố nước chưa "ngã ngũ" thì lại rục rịch tăng giá nước?".

Bà Nhân thẳng thắn rằng, ở góc độ là người tiêu dùng, việc tăng giá nước này khiến người dân không có quyền được lựa chọn nhà cung cấp nước. Việc điều chỉnh giá nước hoàn toàn không dựa trên cơ sở cung cầu và nhu cầu của thị trường, mà hoàn toàn mang quyết định mệnh lệnh, quyết định hành chính, là buộc người dân phải sử dụng.

Nhân lúc người dân gặp khó khăn, Công ty nước sạch sông Đuống kiếm lợi? - 1
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hòa lo lắng về đề xuất tăng giá nước.

Mặc dù không nằm trong vùng sử dụng nước sạch sông Đuống nhưng nghe tin về đề xuất tăng giá nước, bà Nguyễn Thị Hòa (59 tuổi, ở phố Quan Nhân, Cầu Giấy) cũng không khỏi lo lắng. Bởi cửa hàng ăn uống của bà Hòa sử dụng hết khoảng 100m3 nước/tháng. Mức chi hàng tháng cho nước cũng cận kề 10 triệu đồng.

Sông Đuống kiếm lợi khi người dân gặp khó?

Trao đổi nhanh với PV, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Viwaco (đơn vị phân phối nước sông Đà) cho biết, đơn vị vừa đấu nối thêm nước sạch từ sông Đuống cho một số địa bàn thuộc quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai.

Mặc dù sản lượng mua nước từ Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà đủ đáp ứng cho địa bàn của Viwaco quản lý, tuy nhiên, lý giải về việc đấu nối thêm nguồn nước sông Đuống, vị đại diện Viwaco cho biết: "Viwaco đấu nối thêm nguồn nước sạch sông Đuống cung cấp cho những khu vực mà nước sông Đà không tới được".

Nhân lúc người dân gặp khó khăn, Công ty nước sạch sông Đuống kiếm lợi? - 2
GS.TS Vũ Trọng Hồng trao đổi với PV.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN cho biết, sau sự cố nước sinh hoạt sông Đà nhiễm dầu thải, sông Đuống đã kịp thời hỗ trợ, cung ứng nước đến cư dân, khu dân cư. Hành động rất kịp thời này không thể phủ nhận. Tuy nhiên, liên quan đến việc tăng giá nước tại sông Đuống, cũng cần đưa ra một phép toán so sánh là đơn vị sông Đà ở Hòa Bình, cách Hà Nội hơn 60km, có giá nước chỉ nhỉnh hơn 5.000 đồng/m3 mà lợi nhuận vẫn tăng trưởng. Trong khi đó, đơn vị sông Đuống ở đồng bằng, rất gần, rất cận kề cụm dân cư mà giá thành lại đắt gấp đôi.

Lý giải về phép so sánh trên, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho hay: "Doanh nghiệp thực hiện đấu thầu thì phải chấp hành các quy định, điều khoản trong đấu thầu, trong đó có khoản không tự ý nâng giá. Bởi nâng giá ở thời điểm này rất nhạy cảm với người dân, người ta cho rằng nhân lúc người dân gặp khó khăn thì nhà máy kiếm lợi.

Hơn nữa, việc tăng giá nước sẽ thành tiền lệ xấu bởi sau này sẽ có nhiều doanh nghiệp, thương nhân tham gia vào sản xuất, cung ứng nước".

Nhân lúc người dân gặp khó khăn, Công ty nước sạch sông Đuống kiếm lợi? - 3
Toàn cảnh nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc Công ty CP nước sạch sông Đuống. Ảnh Nguyễn Chiêm.

GS.TS Vũ Trọng Hồng khẳng định: "Việc điều chỉnh giá nước ở thời điểm này là bất lợi vì người dân gặp khó khăn, không có nguồn cung cấp nước nhiều, nước lại vừa bị ô nhiễm nên việc điều chỉnh là chưa hợp lý, dễ gây hiểu nhầm trong cư dân. Việc tăng giá nước có thực sự dựa trên quan hệ cung cầu khi giá nước bán lẻ nước cho người dân đang đứng trước nguy cơ chênh lệch? 

Trước nguy cơ này thì chính quyền thành phố đã ở đâu và làm gì, mà doanh nghiệp có thể đề xuất một mức giá cao gấp đôi mức giá bậc 1 hiện nay như đã quy định, khiến người dân suy nghĩ, lo lắng?

Tuy nhiên, nếu vì giá thành, vì đầu tư ban đầu mà nhà máy không thể khắc phục, thì thiết nghĩ, thành phố nên cân đối phương án bù lỗ. Trong trường hợp đặc biệt, thành phố có thể dùng nguồn kinh phí đầu tư cho các hạng mục vui chơi, giải trí để bù lỗ phần nào giá nước cho người dân và doanh nghiệp".

Tháng 7/2017, Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT).

Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, theo quyết định phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của Công ty Nước sạch Vinaconex (nhà máy nước sạch sông Đà) được UBND TP Hà Nội đưa ra ở các mức: Năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng.

Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ - 400 đồng/m3 cho đến + gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014 - 2016 cụ thể ở các mức từ 3.600 - 4.658,90 - 5.069,76 đồng/m3.

Đơn vị sông Đà đang cung cấp nước sạch với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Với mức giá này, hai đơn vị mua nước của Sông Đà là Viwaco và Hà Đông để bán lại tại Hà Nội vẫn có lãi. Hiện tại ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này. Bản thân công ty Sông Đà cũng ghi nhận những khoản lãi lớn từ hoạt động sản xuất nước sạch.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhan-luc-nguoi-dan-gap-kho-khan-cong-ty-nuoc-sach-song-duong-kiem-loi-20191108002457629.htm