Xã hội

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son sẽ đối diện mức kỷ luật rất nặng?

Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khi một cán bộ bị đề nghị đưa ra Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật như trường hợp ông Nguyễn Bắc Son, Bộ Chính trị sẽ có tờ trình, trong đó có đề xuất cả hình thức xử lý để Ban chấp hành Trung ương xem xét, đưa ra quyết định.

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son sẽ đối diện mức kỷ luật rất nặng?
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son (đồ họa Việt Anh).

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sai phạm trong thương vụ Mobifone mua AVG có 6 cá nhân bị nêu tên. Đến nay có 5 cán bộ đã bị thi hành kỷ luật Đảng, 2 trong số 5 người này bị khởi tố, bắt tạm giam (ông Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng).

Trường hợp ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bị Bộ Chính trị đề nghị Ban chấp hành Trung ương xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền.

Theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương, trường hợp cán bộ sai phạm phải đưa ra Ban chấp hành Trung ương để thi hành kỷ luật thường rất nặng.

Cũng nhìn nhận như ông Hương, PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM) bổ sung thêm: Nếu mức độ sai phạm của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản trong thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý thì các cơ quan này sẽ quyết định, sau đó báo cáo ra Ban chấp hành Trung ương. Còn mức độ phải đề nghị Ban chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật thì sai phạm của cán bộ đó là rất nghiêm trọng và và hình thức kỷ luật sẽ rất cao.

Nói về thủ tục, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Khi một cán bộ bị đề nghị đưa ra Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật như trường hợp ông Nguyễn Bắc Son, Bộ Chính trị sẽ có tờ trình nêu những sai phạm đồng thời đề xuất cả hình thức xử lý để Ban chấp hành Trung ương xem xét, đưa ra quyết định.

Theo Quy định 30-QĐ/TW, ngày 26.7.2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng, về thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm nêu rõ: Ban Chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Trường hợp cách chức, khai trừ thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, quy định trên có những điểm mới, thể hiện sự linh hoạt hơn so với thời ông còn công tác (ông về hưu năm 2006). Trước đây, trường hợp Ủy viên Trung ương Đảng bị kết luận vi phạm tới mức phải kỷ luật như trường hợp ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thi hành được đưa ra Ban chấp hành Trung ương. Còn theo quy định hiện hành, Bộ Chính trị có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với Ủy viên Trung ương Đảng vi phạm từ mức cảnh cáo trở xuống. (Ngày 12.7, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông).

“Quy định về xử lý kỷ luật đảng hiện nay thể hiện sự linh hoạt, đáp ứng tình hình hiện nay”, ông Hùng nói.

Theo quy định, hình thức kỷ luật: Đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

Kết luận của Bộ Chính trị: Đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể Ban cán sự đảng, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến Dự án không đúng quy định; ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến Dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện Dự án, để xảy ra nhiều vi phạm rất nghiêm trọng.

Theo Lương Kết (Dân Việt)