Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Người gần nhà cô gái nhiễm COVID-19 ở Hà Nội: Đừng nhìn chúng tôi như vật bị cách ly!

Vì sống gần nhà Nguyễn Hồng Nhung, bệnh nhân COVID-19 ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, anh P.Q.L cùng nhiều người phải đến Bệnh Viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, huyện Đông Anh cách ly trong 14 ngày. Chủ nhà hàng đã viết nhật ký khen ngợi cơ sở vật chất, đồ ăn nơi đây nhưng mong mọi người đừng nhìn anh và những ai bị cách ly bằng ánh mắt kì thị.

Theo anh P.Q.L, hai từ “cách ly” thật sự nặng nề với những người trong này, kiểu như phải giấu mình đi, sợ xã hội đấu tố, khinh khi hay xa lánh.

Bản thân anh P.Q.L trước khi công khai nhật ký trên Facebook cũng rất sợ những thông tin mình bị cách ly ảnh hưởng tới công việc kinh doanh nhà hàng. Trước đó, anh liên tục được bạn bè hỏi thăm, khách hàng lo lắng inbox hỏi tình hình và lo ngại dù không dám nói thẳng. Anh P.Q.L cho rằng đó là điều đáng sợ và nguyên nhân lớn nhất cản trở thông tin giữa những người nơi đây với bên ngoài.

Lúc đầu còn lo lắng đủ điều nhưng khi đến Bệnh Viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, anh P.Q.L cho rằng giống như đi nghỉ dưỡng vì được nhân viên y tế lo bữa ăn và đồ dùng đầy đủ. Theo anh P.Q.L, thứ mà những người cách ly ở đây thiếu thốn chính là tinh thần. Anh mong mọi người xem họ đang thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thay vì... những vật thể bị cách ly.

Anh P.Q.L không thể tặng hoa cho những người phụ nữ yêu quý dịp 8.3. Những phụ nữ đang cách ly nơi đây cũng không nhận được hoa. Thế nên, anh mong cộng đồng mạng gửi lời chúc tốt đẹp gửi đến họ nhân ngày Quốc tế phụ nữ.

Nội dung nhật ký ngày thứ hai nơi cách lý của anh P.Q.L:

Một đêm gần như thức trắng đến sáng, chủ yếu do thói quen thức khuya, rồi chat chit với bạn bè và trả lời bình luận. Tới 4 giờ sáng, cũng chả còn mấy người tương tác nói chuyện, làm 2 ly rượu cũng không ăn thua. Tôi ngồi thiền. Rất lâu rồi mới ngồi thiền lại, cảm nhận các mạch máu chảy rần rần trong người, đầu đỡ lan man hơn một chút.

Tôi nghĩ, chỉ là một bài viết bình thường, sao quá nhiều người xin chia sẻ, quá nhiều bình luận theo kiểu thông cảm hay thương xót, thậm chí còn chúc mau hết bệnh. Vậy nguyên nhân ở đâu? Khi mà xung quanh các phòng nơi đây hơn 100 con người, từ bác bán nước chè dưới xóm nhà mình đến những người là y tá, bác sĩ ở Bệnh viện Hồng Ngọc hay cả người nước ngoài.

Sao mọi người không ai viết nhật ký giống anh em mình. Thật ra ngay từ đầu mình cũng rất ngần ngại chia sẻ thông tin ở đây do sợ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh. Mình nhận ra tất cả nằm ở hai 2 từ: Cách ly.

Hai từ “cách ly” thật sự nặng nề với những người trong này. Nó như kiểu là một thứ gì đó xấu xa, phải cách ly với xã hội. Như là những người bệnh, phải giấu mình đi, sợ xã hội đấu tố, khinh khi hay xa lánh.

Bản thân tôi trước khi công khai bài viết cũng rất sợ những thông tin mình bị cách ly ảnh hưởng tới công việc kinh doanh, mà ngành nhà hàng dịch vụ của mình thì quá nhạy cảm. Liên tục các bạn hỏi thăm, khách hàng lo lắng inbox hỏi tình hình và lo ngại mặc dù không dám nói thẳng. Đó là điều đáng sợ nhất và nguyên nhân lớn nhất cản trở thông tin giữa những người nơi đây với bên ngoài.

Có nên chăng, chúng ta thay vì dùng từ “cách ly” đổi thành cụm từ "thực hiện trách nhiệm xã hội" thì mang đúng ý nghĩa hơn nhiều. Bản thân chúng tôi ở đây khỏe mạnh, đã được xét nghiệm ban đầu là âm tính và nếu xét về tình huống, khả năng thì chúng tôi an toàn hơn ngoài kia nhiều.

Hằng ngày được cơm nước bê tận nơi, sát khuẩn thường xuyên, chả phải bận tâm đến chuyện xếp hàng mua thực phẩm hay lo sợ về nhiễm bệnh khi ra ngoài. Nếu lỡ có nhiễm thì mình cũng được phát hiện và cứu chữa đầu tiên. Chúng tôi ở nơi đây, gò bó, tù túng quanh những bức tường dù ăn uống đầy đủ nhưng đó là vì đang làm nhiệm vụ cho cộng đồng.

Người gần nhà cô gái nhiễm COVID-19 ở Hà Nội: Đừng nhìn chúng tôi như vật bị cách ly!

Nếu muốn, chúng tôi có thể trốn ra ngoài, một vài nhân viên y tá, bảo vệ làm sao có thể ngăn chặn được. Hoàn toàn không thấy bóng dáng công an hay cảnh vệ gì trông chừng. Các y tá, bác sĩ rất nhẹ nhàng, không coi chúng tôi là bệnh nhân.

Rất mong sự ủng hộ của người ở ngoài nhìn nhận tích cực với chúng tôi, để mọi người cởi mở thông tin hơn vì có ai bị cấm cản gì đâu. Đừng nhìn chúng tôi như những vật thể bị cách ly, đừng cười khi thấy tôi uống rượu hay hút thuốc ở nơi đây. Hãy lan tỏa những thái độ tích cực tới những người còn hoang mang, niềm tin và thái độ tích cực là vũ khí quan trọng nhất để chúng ta vượt qua dịch bệnh vào lúc này.

Hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ. Tôi không thể gửi được những bó hoa tận tay cho những người phụ nữ tôi yêu quý. Những người phụ nữ ở đây cũng vậy, họ không có được một cành hoa chúc mừng. Các y tá, bác sĩ vẫn phải trùm kín mít từ đầu đến chân.

Hy vọng sau bài viết này, sẽ có những bó hoa đến nơi đây cũng như các nơi đang cách ly khác trên toàn Việt Nam.

Chính phủ không để chúng tôi đói, không để chúng tôi thiếu thốn, thứ mà chúng tôi thiếu thốn đó chính là tinh thần.

Rất mong các bạn gửi những bó hoa, quà và lời chúc cho toàn thể phụ nữ đang thực hiện trách nhiệm xã hội những lời thân thương nhất.

Trước đó, anh P.Q.L cũng viết nhật ký kể về ngày đầu tiên đến nơi cách ly. Nội dung như sau:

Đêm qua, chính thức em đã được mời đi cách ly bên Bệnh Viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. Lý do nhà em ở phường Trúc Bạch ạ. Hiện tôi nằm phòng 839 cùng em trai và hai hàng xóm dưới nhà mình đang ở.

Tới Bệnh Viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung lúc 3 giờ sáng, tôi lấy thông tin cá nhân và được lên tầng 8 và nằm một mình một phòng. Ổ điện một đống, Wi-Fi miễn phí và căng đét, phòng sạch sẽ, toilet trắng phau. Ổn rồi. Mình gọi điện, nhắn tin cho gia đình là ổn rồi ngủ.

Người gần nhà cô gái nhiễm COVID-19 ở Hà Nội: Đừng nhìn chúng tôi như vật bị cách ly! - 1

Người gần nhà cô gái nhiễm COVID-19 ở Hà Nội: Đừng nhìn chúng tôi như vật bị cách ly! - 2

5 giờ 30 sáng, một y tá hay bác sĩ không biết mặt vì ai cũng khẩu trang kín mặt, đeo kính và mặc áo y tế xanh lét vào lấy xét nghiệm, thọc que vào họng và mũi.

6 giờ có đồ ăn sáng, tôi kệ, không để ý và ngủ tiếp.

10 giờ sáng thì bị gọi dậy. Những người không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân thứ 17 thì sang một khu chung để phòng riêng cho ai nguy cơ lây nhiễm cao. Tôi dậy thấy đồ ăn sáng là một tô bún mọc. Bún và mọc được để cẩn thân trong túi nilon, nước đã nguội là đương nhiên. Đổ ra, ăn bát bún nguội, không đến nỗi tệ.

Người gần nhà cô gái nhiễm COVID-19 ở Hà Nội: Đừng nhìn chúng tôi như vật bị cách ly! - 3

11 giờ xét nghiệm âm tính ban đầu nên được đưa sang phòng 4 người là em trai và hai ông hàng xóm ngay dưới nhà mình. Vui rồi. Phòng chừng 40m2, điều hòa có nhưng được yêu cầu không dùng mà mở quạt và cửa sổ cho thoáng. Có cả một khu nhỏ để hút thuốc với phơi đồ trong phòng. Nói chung là điều kiện y như đi nghỉ dưỡng.

11 giờ 15 ăn cơm trưa. Nói thật là tôi bất ngờ vì độ ngon của cơm. Tôi cam đoan ngon hơn tất cả cơm bụi vỉa hè. Cơm nóng được bọc trong giấy bạc để giữ nhiệt, 1 món xào, 2 món mặn với canh. Quá ổn.

Người gần nhà cô gái nhiễm COVID-19 ở Hà Nội: Đừng nhìn chúng tôi như vật bị cách ly! - 4

Loanh quanh ra ngoài chơi thì các y tá nói hạn chế đi nhưng cũng không cấm cản. Xung quanh đó là khoảng trên 30 phòng từ nhỏ đến lớn. Hỏi thăm thì là nhóm bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc, nhóm bên phường Trúc Bạch, nhóm nhân viên tòa nhà 125 nơi con bé kia ở.

15 giờ thì được phát đồ cá nhân, xà bông, bàn chải khăn mặt. Tôi không nhận vì có rồi nên để cho người khác. Mỗi người được 1 chai nước suối to. Sau đó, tôi liên hệ được với căng tin thì thượng vàng hạ cám, không thiếu gì. Nói chung là có buồn, có bực mình nhưng cố gắng để làm sao vui vẻ nhất và thật sự muốn chia sẻ rằng cách ly không có đáng sợ hay ghê ghớm gì hết. Chỉ là sinh hoạt trong một khu vực nhất định còn chả bị cấm cản về thông tin hay ăn uống này kia như mạng mẽo đưa tin.

Trước khi đi, mình tự nghĩ với 14 ngày nằm một chỗ thì điều cần nhất là tinh thần lạc quan, chuẩn bị những thứ giải trí cho mình được thoải mái là ổn. Thế nên những thứ là giải trí với mình có thể là không phù hợp với những người khác thì vui lòng bỏ qua, bởi bản thân mình nghĩ cho nhu cầu cá nhân trước.

Mình chia sẻ tới các bạn bè, mọi người trong gia đình để có sự nhìn nhận hiểu thêm về cách ly. Cá nhân mình thì thấy Chính phủ đang làm quá tốt về chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phản ứng quá nhanh.

13 bệnh nhân vừa phát hiện dương tính với COVID-19 ở Việt Nam

8 trong số 9 ca nhiễm COVID-19 mới tại Việt Nam ngồi cùng khoang hạng thương gia chuyến bay VN0054 với Nguyễn Hồng Nhung - bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội và thứ 17 tại Việt Nam.

17. Nguyễn Hồng Nhung, 26 tuổi, ngụ tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, phát hiện bệnh sau chuyến du lịch châu Âu từ ngày 15.2 - 1.3. Bệnh nhân được xác định dương tính ngày 6.3.

18. N.V.T, 27 tuổi, quê Ninh Bình, đến Daegu (Hàn Quốc) ngày 17.2, trở về Việt Nam trên chuyến bay VJ981 từ Busan đến Vân Đồn ngày 4.3. Bệnh nhân được xác định dương tính ngày 7.3.

19. L.T.H, nữ, 64 tuổi, bác của bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung

20. D.Đ.P, nam, 27 tuổi, lái xe riêng của gia đình bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung

21. N.Q.T, nam, 61 tuổi, ngụ tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, xác định dương tính ngày 8.3. Đây là người ngồi gần hàng ghế với bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung trên chuyến bay VN0054.

22. Quốc tịch Anh, 60 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

23. Quốc tịch Anh, 66 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

24. Quốc tịch Mexico, 58 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lào Cai.

25. Quốc tịch Anh, 70 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lào Cai.

26. Quốc tịch Ailen, 50 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

27. Quốc tịch Anh, 67 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

28. Quốc tịch Anh, 74 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

29. Quốc tịch Anh, 58 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

30. Quốc tịch Anh, 66 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Theo Nhân Hoàng (Một Thế Giới)




https://motthegioi.vn/the-gioi-mang-c-85/nguoi-gan-nha-co-gai-nhiem-covid-19-o-ha-noi-dung-nhin-chung-toi-nhu-vat-bi-cach-ly-133598.html?fbclid=IwAR3zYUmWBcSKcJfkvyNT05iF4NYine4CCSDDZnU2BBlNnJy1TwB0aL5GvJo