Xã hội

Người dân Quảng Ngãi dùng quan tài chặn xe chở rác vào nhà máy

Dù nhà chức trách giải thích nhà máy hoạt động đúng quy định, người dân vẫn thay phiên nhau canh giữ ngày đêm không cho người và xe ra vào.

Chiều 13/8, Ban Tuyên giáo phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo về sự việc người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ chặn đường, không cho xe chở rác vào Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Sa Huỳnh, suốt nửa tháng qua.

Người dân Quảng Ngãi dùng quan tài chặn xe chở rác vào nhà máy
Người dân dùng cây, quan tài để cản xe vào nhà máy xử lý rác. Ảnh: Phạm Linh.

Sự việc bắt đầu hôm 29/7, khoảng 300 người dân xã Phổ Thạnh tập trung ở dưới chân núi, trước đường nhà máy để phản đối, vì cho rằng xe chở rác từ thành phố vào Sa Huỳnh (do nhà máy xử lý rác cho thành phố chưa thi công xong).

Lãnh đạo huyện Đức Phổ và Công an tỉnh Quảng Ngãi đã đến hiện trường và giải thích thông tin này không chính xác. Sau đó người dân giải tán, chỉ còn khoảng 20 người ở lại. Hôm sau, khoảng 100 người tiếp tục tập trung ở khu vực nói trên, căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối, và đặt đá cản đường vào nhà máy.

Đến ngày 7/8, UBND huyện Đức Phổ tổ chức đối thoại. Song những câu trả lời của nhà chức trách không làm người dân thỏa mãn. Họ tiếp tục đặt đá, quan tài rỗng, giăng lều bạt để canh giữ không cho người và phương tiện ra vào nhà máy.

Theo ghi nhận của VnExpress, sáng nay, khoảng hơn 20 người, phần lớn là phụ nữ vẫn tập trung ở khu vực này. Họ mang theo nước đóng chai, thùng và xoong, nồi để nấu ăn, túc trực tại chỗ.

"Sa Huỳnh đất chật người đông, nhà máy rác đặt gần khu dân cư, lại đầu nguồn nước nên chúng tôi lo ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng sức khỏe", bà Nguyễn Thị Kế (40 tuổi) bức xúc nói. 

Ông Đặng Vương cho biết, trước đây bãi chỉ chứa rác xã Phổ Thạnh, sau đó huyện cho phép các xã đổ khác khiến lượng rác mỗi ngày một nhiều thêm. "Đến khi xây dựng nhà máy, huyện, xã không lấy ý kiến chúng tôi", ông nói và yêu cầu nhà máy phải di dời.

Người dân Quảng Ngãi dùng quan tài chặn xe chở rác vào nhà máy - 1
Khoảng 20 phụ nữ tụ tập canh giữ ở khu vực gần nhà máy ngày 13/8. Ảnh: Phạm Linh.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thịnh - Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, bãi rác Sa Huỳnh hình thành vào năm 2007, tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, diện tích hơn 15.000 m2. Lâu nay, rác được xử lý bằng cách chôn lấp. Đến năm 2016, Công ty MD được UBND Quảng Ngãi cho đầu tư nhà máy để xử lý bằng công nghệ đốt.

Lãnh đạo huyện cho rằng, hoạt động của nhà máy đã đáp ứng việc xử lý rác cho huyện Đức Phổ, là tốt cho người dân. Việc xây dựng nhà máy theo đúng quy định của luật pháp, do vậy huyện không đồng ý di dời.

Nhắc lại nội dung đã trả lời người dân trong hai cuộc đối thoại trước, đại diện UBND huyện Đức Phổ khẳng định, vị trí ngắn nhất từ nhà máy đến khu dân cư là 513 m, đúng theo quy định hiện hành (tối thiểu 500 m). Trước khi xây dựng, địa phương đã họp dân lấy ý kiến.

"Vừa qua, bãi rác nặng mùi do nhà máy đào bới rác tồn đọng những năm trước để đốt và xây dựng bể xử lý nước thải", ông Thịnh nói và cho biết sẽ chỉ đạo công ty phủ bạt để ngăn rỉ nước và mùi hôi.

Lãnh đạo huyện cũng dẫn các chỉ số môi trường không khí và môi trường nước đo đạt được và khẳng định các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép.

Ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung, việc người dân viện dẫn quy định nhà máy rác phải cách khu dân cư tối thiểu 3.000 m là không chính xác. "Đây là quy định dành cho bãi chôn lấp chứ không phải nhà máy xử lý bằng công nghệ đốt", ông Hải giải thích.

Bí nơi xử lý, người dân đốt rác ven quốc lộ

Việc người dân chặn người và xe vào nhà máy khiến các hoạt động của nhà máy xử lý rác bị đình trệ. Bà Lê Thị Mỹ Diệp - Giám đốc công ty MD - chủ đầu tư dự án cho biết, người dân bắt tất cả công nhân là người địa phương phải viết đơn xin nghỉ việc. 

Hiện chỉ còn ba nhân viên quản lý là người ở nơi khác ở lại nhà máy. Nhưng một tuần qua, người dân không cho công ty vận chuyển nước, thương thực lên. "Nhân viên của tôi phải đi đường vòng để xuống mua đồ ăn thức uống", bà Diệp nói.

Trong khi đó, rác thải ùn ứ khắp nơi ở huyện Đức Phổ. UBND huyện đã khuyến cáo người dân tự phân loại, xử lý, không đổ rác xuống biển, đầm nước mặn gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Hiện một số nhà có đất trống đã gom rác đốt, nhưng một số người dân sống ven quốc lộ phải đốt rác ngay trước nhà. "Đổ ở nơi khác cũng không được nên chúng tôi đành đốt rác ở đây", một phụ nữ phân bua.

Ông Nguyễn Thịnh - Phó chủ tịch huyện Đức Phổ cho biết, đã yêu cầu ngành y tế tăng cường giám sát, phun khử, không để bệnh dịch xảy ra. 

Người dân Quảng Ngãi dùng quan tài chặn xe chở rác vào nhà máy - 2
Một đống rác đang cháy ngún bên Quốc lộ 1 qua huyện Đức Phổ. Ảnh: Phạm Linh.

Trước đó, do bãi rác gây ô nhiễm, người dân xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa đã chặn xe vào nhà máy, khiến rác ở TP Quảng Ngãi phải chuyển về bãi xử lý cũ, đang sắp hết sức chứa, để xử lý tạm thời. Các huyện lân cận thành phố cũng bí nơi đổ rác khiến môi trường ô nhiễm.

Ông Võ Văn Hào - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng hiện tình hình rất phức tạp, nhưng tỉnh sẽ kiên trì tuyên truyền, vận động. "Nhà máy xử lý bằng công nghệ đốt hiện đại là một dự án rất tốt nên không thể di dời. Sắp tới lãnh đạo tỉnh sẽ đối thoại với người dân", ông Hào nói.

Theo Phạm Linh (VnExpress.net)