Xã hội

Người dân Hà Nội có được hoạt động thể dục, thể thao đông người ngoài trời không?

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, với những loại hình, hoạt động chưa được đề cập trong văn bản đồng ý cho phép mở cửa trở lại của TP Hà Nội sẽ chưa được phép hoạt động.

Như đã thông tin, ngày 21/6, Hà Nội ban hành văn bản về việc thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, căn cứ tình hình thực tế và đề xuất của các đơn vị về việc nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, từ 0h00 ngày 22/6/2021, UBND thành phố cho phép mở cửa trở lại dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà đảm bảo: khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21h00 hàng ngày.

Riêng nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi, thành phố yêu cầu chỉ được phép bán hàng mang về. Thành phố cũng yêu cầu chủ các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày.

Xung quanh việc thành phố nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch, nhiều người dân đã đặt vấn đề về việc các quán ăn uống, cắt tóc, gội đầu trong nhà đã được mở cửa vậy, với việc hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời đã được phép trở lại chưa.

Về vấn đề này, trao đổi với PV chiều 22/6, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, đến thời điểm hiện tại, thành phố mới thực hiện nới lỏng một số dịch vụ cụ thể như trong văn bản đã ban hành.

Những loại hình còn lại, chưa được đề cập trong văn bản nên chưa được phép hoạt động. Trong thời gian tới, nếu đủ điều kiện nới lỏng, thành phố sẽ có quyết định.

Cụ thể, theo ông Tuấn, với các hoạt động thể dục, thể thao tập trung đông người, có tổ chức, sân golf, các sân tập golf,... chưa được phép hoạt động. Cùng với đó, các công viên cũng chưa được phép mở cửa trở lại.

Riêng với các hoạt động đi bộ, thể thao ngoài trời của cá nhân, ông Tuấn cho rằng, người dân có thể đi bộ, thể dục ngoài trời nhưng phải đảm bảo đi cá nhân, đồng thời, không tập trung đông người, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang... để phòng, chống dịch.

Với các bể bơi, sân tập cầu lông, tennis... lãnh đạo CDC Hà Nội cho hay, với văn bản của UBND TP thì các hoạt động này vẫn chưa được mở trở lại. Trong trường hợp được mở cửa trở lại sẽ phải đảm bảo theo nguyên tắc không quá 20 người hoạt động ở bể bơi, giữ khoảng cách và các biện pháp phòng chống dịch.

Theo ghi nhận của PV, trong chiều 22/6, một số công viên trên địa bàn thành phố như công viên Thống Nhất, công viên hồ Đền Lừ, công viên Thanh Xuân, công viên Cầu Giấy... vẫn được quây rào, đóng cổng, căng dây thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân Hà Nội có được hoạt động thể dục, thể thao đông người ngoài trời không?
Sau khi công viên, vườn hoa bị cấm hoạt động tụ tập đông người để phòng chống dịch Covid-19, người dân đã chọn việc đạp xe đạp quanh hồ Gươm vào sáng sớm để tập thể dục.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin,Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo xem xét, quyết định thận trọng trên cơ sở thực tế, nới lỏng nhưng tuyệt đối không được lơi lỏng.

TP sẽ nới lỏng từng dịch vụ, dịch vụ nào thiết yếu, an toàn mở trước; vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác. 

Kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan, Hà Nội đã thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội. TP tiết kiệm chi ngân sách, chi thường xuyên để bảo đảm đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch. Hà Nội tháo gỡ khó khăn, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Càng trân trọng những đóng góp, hy sinh cho công tác phòng, chống dịch của các lực lượng và nhân dân bao nhiêu, chúng ta càng phải nỗ lực cao hơn nữa để giữ vững thành quả đã đạt được”.  

Chúng ta mới bước đầu kiểm soát được dịch. Tình hình diễn biến trên cả nước và các tỉnh xung quanh vẫn rất phức tạp. Hà Nội lại là trung tâm giao lưu, trao đổi... Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 còn rất cao”, ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ. 

Cấp ủy các cấp từ TP xuống cơ sở, nhất là người đứng đầu phải tiếp tục chủ trì và chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; không vì nới lỏng mà lơi lỏng nhiệm vụ này. Quá trình thực hiện quy định mới phải gắn liền các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại cần chủ động, tự giác thực hiện nghiêm, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phương châm "5K"; có trách nhiệm giám sát, tuyên truyền để mọi nhân viên, khách hàng tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Các cơ sở dịch vụ chưa được mở cửa trở lại hoặc chỉ được bán hàng mang về tiếp tục xác định việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là bảo vệ chính bản thân, gia đình mình.

Từ ngày 3/5/2021, Hà Nội yêu cầu tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo, tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè đến khi có chỉ đạo mới.

Thành phố cũng dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, karaoke, quán bar, vũ trường, game, Internet; các rạp, trung tâm chiếu phim; các cơ sở dịch vụ spa, massage, xông hơi, phòng tập gym; các hoạt động tập thể dục, thể thao, các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên.

Đến 13/5, UBND thành phố yêu cầu tạm dừng toàn bộ các hoạt động thể thao tập trung đông người, sân golf, các sân tập golf.

Trâm (Nguoiduatin.vn)