Xã hội

Người dân Đà Nẵng gấp rút sơ tán trong đêm: 'Bão dịch chưa qua, bão thiên tai lại tới!'

Nhà nghèo, tạm bợ lại ở gần biển nên suốt 40 năm nay, bà Lá đã quen với việc “chạy bão”. Lần này, nghe phường thông báo sơ tán, bà liền giục con cháu nấu cơm sớm hơn, mua thêm vài hộp sữa cho đứa cháu nội 5 tuổi, rồi khăn gói lên đường.

"Dịch chưa qua, bão lại đến"

Tối 17/9, chính quyền Đà Nẵng đã tiến hành sơ tán, di dời những hộ gia đình có nguy cơ thiệt hại lớn do bão số 5 vào địa điểm trú ẩn an toàn.

Theo ghi nhận của PV, tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), đã bố trí 6 điểm sơ tán tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Trường THCS Hoàng Sa, Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Nhà chống bão đa năng Lộc Phước 1, Thư viện thân thiện với trẻ Song Gan, Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh.

Mỗi điểm đều có 3 người gồm dân quân tự vệ, công an, bảo vệ dân phòng trực chốt, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tổ chức năng được phân công vận động từng hộ gia đình người dân đến điểm sơ tán kịp thời trong đêm.

Trước đó, lực lượng chức năng phường này đã bố trí xe đến tận nhà để vận động và đón những người dân có nhà không kiên cố sơ tán ngay trong đêm nay đến những địa điểm trú ẩn đã được bố trí sẵn. Đồng thời, giúp người dân gia cố nhà cửa để hạn chế thiệt hại về tài sản do bão.

Người dân Đà Nẵng gấp rút sơ tán trong đêm: 'Bão dịch chưa qua, bão thiên tai lại tới!'
Một gia đình tại phường Thọ Quang được đưa đến nơi an toàn để tránh bão số 5

23 giờ khuya, bà Lê Thị Lá (67 tuổi) cùng 4 thành viên trong gia đình đã ổn định chỗ ngủ trong nhà tránh bão đa năng Lộc Phước trên đường Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

Bà Lá cho biết, gia đình thuộc hộ nghèo, nhà ở sát biển lại tạm bợ, nhiều năm nay không được sửa sang lại nên vách đã nứt toác, nên nghe tin bão đến, cả gia đình bà rất lo lắng. Khi được phường đến tận nhà đón đến nơi trú ẩn an toàn này, bà rất mừng.

"Nhà tôi có 8 người, nhưng tối nay tôi cùng 5 người trong gia đình gồm con trai, con dâu và 2 đứa cháu nội đến đây để trú bão. Thực ra, tài sản trong nhà cũng không có gì đáng giá, nhưng sợ mưa lớn thấm dột, nên chồng và 2 con trai của tôi ở lại trông coi.", bà Lá chia sẻ.

Bà Lá cho biết thêm, quê của bà ở Hội An (Quảng Nam) và theo chồng làm dâu về TP Đà Nẵng đến nay đã 40 năm. Sinh ra và lớn lên tại miền Trung nên bà đã chứng kiến và trải qua hàng chục cơn bão lớn nhỏ thường xuyên ập vào miền đất này. Thế nhưng, cứ mỗi lần nghe tin có bão là bà lại rất lo sợ. Lần này, Đà Nẵng vừa mới trải qua cơn "bão dịch" thì lại có nguy cơ đón thêm một cơn bão thiên tai nữa, khiến bà khá bất an. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương khiến gia đình bà đã cảm thấy an tâm phần nào.

"Dịch bệnh Covid-19 vừa mới được kiểm soát thì nay bão lại có nguy cơ đổ bộ vào Đà Nẵng, sợ quá chú à. Ở Đà Nẵng 40 năm và cứ mỗi lần có bão đến là cả gia đình tôi lại phải khăn gói đi trốn. Cầu trời, khấn phật cho cơn bão số 5 này sẽ không đổ bộ vào Đà Nẵng, chứ suốt mấy tháng nay người dân thành phố đang khổ với 'bão Covid' lắm rồi", bà Lá trải lòng.

Người dân Đà Nẵng gấp rút sơ tán trong đêm: 'Bão dịch chưa qua, bão thiên tai lại tới!' - 1
Bà Lá cùng cháu nội 5 tuổi đi "trốn bão".

Chị Lê Thị Diễm Trang (44 tuổi, con dâu bà Lá) cho biết, năm 2006, chị vừa sinh con trai đầu và từ bệnh viện về nhà thì đúng lúc bão Xangsane ập đến, 2 ngày sau lại tiếp tục sơ tán vì nghe tin có sóng thần. Giờ đây, chị lại đưa cậu con trai này cùng con út 5 tuổi đi tránh bão.

"Ở đây an toàn nên gia đình tôi yên tâm hơn, chứ đêm tối không biết bão gió như thế nào", chị Trang nói.

Theo ông Võ Đình Công - Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, trên địa bàn có gần 1.900 người dân cần sơ tán nếu bão vượt cấp 13. Trước mắt, chính quyền đã thông báo, vận động người dân sang ở tạm hàng xóm có nhà cao tầng.

"Tối nay, chúng tôi đã đưa đi tập trung gần 100 người là những hộ nhà ở tạm bợ, xuống cấp", ông Công nói và cho biết thêm, việc vận động người dân di tản gặp khó khăn vì trời chỉ mưa từng cơn, không có gió khiến nhiều người chủ quan.

Vừa chống bão, vừa phòng dịch

Tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), công tác di dời người dân cũng được thực hiện khẩn trương. Để đảm bảo an toàn cho người dân, địa phương đã đến những gia đình sinh sống tại các khu dân cư tạm bợ ven biển để tuyên truyền, vận động người dân đến nơi trú bão được bố trí tại trường THCS Phạm Ngọc Thạch. Theo quan sát, nơi này có các dãy nhà rộng rãi, kiên cố, lương thực và nước uống cũng được đảm bảo cho người dân khi đến trú bão tại đây.

Người dân Đà Nẵng gấp rút sơ tán trong đêm: 'Bão dịch chưa qua, bão thiên tai lại tới!' - 2
Lực lượng chức năng hỏi thăm và động viên người dân di tản để tránh bão.
Người dân Đà Nẵng gấp rút sơ tán trong đêm: 'Bão dịch chưa qua, bão thiên tai lại tới!' - 3
Mỗi điểm trú bão đều có 3 người gồm dân quân tự vệ, công an, bảo vệ dân phòng trực chốt, đảm bảo an toàn.
Người dân Đà Nẵng gấp rút sơ tán trong đêm: 'Bão dịch chưa qua, bão thiên tai lại tới!' - 4
100% cán bộ của các phường đều túc trực trắng đêm để giúp đỡ người dân di tản và bảo vệ tài sản.

Vừa được xe chuyên dụng của phường đưa đến nơi tránh bão, chị Lê Thị Hoa Lệ (trú phường Nại Hiên Đông) cho biết, gia đình chị có tất cả 6 người nhưng vì hoàn cảnh nên ngôi nhà của chị không được kiên cố, nếu bão vào sẽ không đảm bảo an toàn nên khi nghe chính quyền thông báo, mọi người lập tức di chuyển đến nơi an toàn hơn.

Trực tiếp có mặt tại các khu dân cư và cầm loa phát thông báo người dân khẩn trương đến điểm tránh bão, ông Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, theo dự kiến, địa phương sẽ thực hiện di tản 30 hộ dân trên địa bàn phường đến nơi trú đã được bố trí sẵn. Tuy nhiên, trong quá trình di tản, nhiều bà con trở về nhà người thân cho nên đến nay còn lại khoảng 20 hộ.

Người dân Đà Nẵng gấp rút sơ tán trong đêm: 'Bão dịch chưa qua, bão thiên tai lại tới!' - 5
Chiều 17/9, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu khẩn trương di dời 72.000 người dân tại các khu vực nguy hiểm trước khi bão đổ bộ.

"Công tác phòng tránh bão đợt này rất đặc biệt khi phải lồng ghép với công tác phòng chống dịch. Người dân trong quá trình tránh bão sẽ được nhắc nhở mang khẩu trang, sát khuẩn và đảm bảo giãn cách theo đúng quy định", ông Hải thông tin.

Cơn bão số 5 (Noul) được dự báo đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam từ 14 giờ ngày 18/9, với sức gió 100 km/h. Do nhiều năm qua Đà Nẵng không có bão nên chính quyền quyết liệt đưa ra các biện pháp để người dân không chủ quan.

Trước đó, chiều 17/9, tại cuộc họp bàn phương án phòng chống bão số 5, cùng với việc kêu gọi tàu thuyền và cấm biển, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu các lực lượng, ban, ngành, địa phương phải hoàn thành di dời 72.000 người dân tại các khu vực dự kiến chịu thiệt hại lớn khi bão số 5 đổ bộ. Trong đó, có khoảng hơn 19.000 hộ (khoảng 62.500 người) phải sơ tán cùng hơn 9.500 sinh viên, công nhân.

Theo Hà Nam (Pháp Luật & Bạn Đọc)




http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nguoi-dan-da-nang-gap-rut-so-tan-trong-dem-bao-dich-chua-qua-bao-thien-tai-lai-toi-162201809072605645.htm