Xã hội

Ngổn ngang tâm trạng vì 'trắng tay' sau mùa thi lớp 10 ở Hà Nội

Hàng chục nghìn gia đình ở Hà Nội đã trải qua khoảng thời gian không mấy dễ chịu, sau khi Sở GD-ĐT công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập tối qua.

'Choáng váng' vì điểm chuẩn vào lớp 10

Đó là cảm giác của chị Kim Thoa (Tây Hồ, Hà Nội) khi biết điểm chuẩn vào Trường THPT Chu Văn An là 53,3 điểm.

“Con bé nhà tôi được 52,5 điểm, tưởng là đã ổn, vậy mà…” – Chị Thoa thất vọng nói.

Như vậy, phải đạt xấp xỉ 9 điểm/môn, thí sinh mới vào được ngôi trường tiếng tăm này. Con chị Thoa dù vậy vẫn dư điểm vào Trường THPT Phan Đình Phùng theo NV2. Năm nay, điểm chuẩn của trường này là 49,1 điểm.  

Ngổn ngang tâm trạng vì 'trắng tay' sau mùa thi lớp 10 ở Hà Nội
Thí sinh thi vào lớp 10 của Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Cách đây ba hôm, khi biết điểm thi chỉ được 43,75, cô bé Thanh Hằng (quận Đống Đa) đã òa khóc vì kết quả không như ý. Trước buổi thi môn Lịch sử, Hằng gặp sự cố về sức khỏe không thể ngồi làm bài, nên chỉ được 6 điểm.

So sánh kết quả thi với các thí sinh khác ở Trường THPT Trần Nhân Tông, Hằng chỉ đứng thứ 600, ở Trường THPT Đoàn Kết – NV2, điểm của Hằng cũng ở mức mấp mé. Cô bé chỉ chắc suất NV3 vào Trường THPT Trương Định.

Tuy nhiên, Hằng và gia đình vẫn hy vọng mong manh. Chỉ tới khi có kết quả “chốt” Trường THPT Trần Nhân Tông là 44,45 điểm, Trường THPT Đoàn Kết là 44,25 điểm, Hằng mới thừa nhận mình trượt cả hai nguyện vọng đầu tiên.

“Con bé không thật sự muốn học theo NV3. Vì vậy, gia đình đang cân nhắc cho cháu học trường tư. Tuy nhiên, 5 triệu đồng là một khoản không nhỏ đối với hai vợ chồng công nhân như nhà tôi” – chị Hà, mẹ của Hằng giãi bày.

Rối bời vì lo toan

Nhưng Ngọc Hà hay Thanh Hằng vẫn là những thí sinh may mắn vì đã chắc suất công lập, chỉ là có chọn học hay không.

Cũng tối hôm qua, sau khi biết tin về điểm chuẩn vào lớp 10, cả nhà anh Sơn (Thanh Trì, Hà Nội) như có đám: Anh Sơn ngồi trầm ngâm ở phòng khách. Mẹ anh lui cui dưới bếp, còn cậu con trai ngồi dúm dó ở một góc nhà.

Lý do là cậu con trai của anh đã trượt cả hai nguyện vọng vào hai trường có điểm chuẩn gần như "bét bảng" của huyện này: Trường THPT Đông Mỹ có điểm chuẩn 33,5, Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh có điểm chuẩn là 33,71, trong khi con anh chỉ được 32,7 điểm.

Gia đình anh Sơn là một trong khoảng 26.000 gia đình ở Hà Nội không có chỗ trong các trường công lập của thành phố.

Ngổn ngang tâm trạng vì 'trắng tay' sau mùa thi lớp 10 ở Hà Nội - 1
Phụ huynh và 93.000 học sinh ở Hà Nội đã trải qua một mùa thi lớp 10 căng thẳng, nhiều xáo động do Covid-19. Ảnh: Thanh Hùng

Trước ngày làm hồ sơ đăng ký dự thi, cô giáo chủ nhiệm đã gặp một vài phụ huynh có con học kém để tư vấn cho con đăng ký thi vào trường nghề. Tuy nhiên, anh Sơn không đồng ý vì muốn con tiếp tục học cấp 3.

Anh Sơn chia sẻ: “Tôi vẫn mong cháu học lên cấp ba để “lớn” thêm, bây giờ mới có 15 tuổi mà, hết lớp 12 là 18 tuổi có đi học tiếp hay đi làm thì tính sau”.

Hai nguyện vọng đã trượt. Con anh Sơn không đăng ký nguyện vọng 3 dù cô giáo chủ nhiệm sau đó đã gợi ý một vài trường ở huyện Thường Tín.

“Theo cô bảo thì trường đó lấy điểm thấp, nếu cháu vẫn muốn vào được trường công lập thì phải đăng ký ở đó mới có cơ may. Nhưng tôi không cho con đăng ký vì những trường đó cách nhà hơn chục km, và phải đi trên quốc lộ, nhiều xe tải nguy hiểm”…

Vì vậy, anh Sơn buồn rầu nói chỉ còn cách vào trường dân lập. Là người kiếm tiền duy nhất trong nhà, vừa nuôi mẹ, nuôi con lại đang khó khăn vì thời Covid ít việc, anh Sơn cho hay việc lo thêm cho con mỗi tháng vài ba triệu để đóng học không dễ dàng.

"Nhưng điều tôi lo lắng nhất là con mất niềm tin vào chính mình. Dù động viên con rất nhiều, nhưng tôi hiểu trong con đang đầy sự giằng xé. Ở tuổi 15 mà chịu đựng cảm giác này thật khó chịu. Dù con tôi có đuối, có kém đi chăng nữa thì tôi vẫn mong con tiếp tục được học cấp 3" - anh Sơn suy tư.

Hà Nội năm nay có gần 93.300 học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập. Trong khi đó, tổng số chỉ tiêu là 67.446. Ước tính gần 26.000 thí sinh không có suất vào các trường công lập. 

Nói với VietNamNet, một giáo viên cho hay, tác động của việc đứt tính liên tục trong giáo dục có thể đã bị đánh giá thấp. Con số các trường tư thục, trường trung cấp chuyên nghiệp được cho là có thể đảm bảo 100% học sinh có chỗ học là 'gượng ép'. 

'Đúng tuyến thì tỉ lệ chọi cao và kín, vì thế việc thống kê tôi có bao nhiêu trường, công suất thế nào lại chỉ là tính toán trên giấy".

Còn một thạc sĩ Quản lý công ở Mỹ nói chị tò mò không biết có bao nhiêu học sinh nếu không đỗ trường công, không có tiền học trường tư, đành phải bỏ đi làm hoặc đi học nghề dù không muốn. Trong khi đó, dù trượt cấp 3 công lập, những học sinh này vẫn nên tiếp tục đi học và có khả năng học.

Theo Phương Chi (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/diem-chuan-vao-lop-10-ha-noi-cao-ki-luc-nhieu-gia-dinh-khoc-rong-751036.html