Xã hội

'Nghi ngờ đường dây chạy điểm ở Hà Giang là có cơ sở'

Video: A83 Bộ Công an nói về việc hơn 300 bài thi ở Hà Giang bị sửa điểm

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Tất Thắng cho rằng qua vụ điểm thi ở Hà Giang, nghi ngờ về đường dây chạy điểm hoàn toàn có cơ sở.

Ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Giang, được xác định là người trực tiếp can thiệp kết quả 330 bài thi THPT quốc gia của 114 thí sinh. 

Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có em được làm tăng tới 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm được Bộ Giáo dục chấm thẩm định.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ với Zing.vn về mức độ ảnh hưởng của vụ việc, nghi ngờ của dự luận về đường dây chạy điểm...

Đây là vụ việc rất nghiêm trọng

- Ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của vụ sửa điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia ở Hà Giang?

- Đây rõ ràng là vụ việc rất nghiêm trọng. Kỳ thi quốc gia "2 trong 1" vừa là tốt nghiệp THPT vừa là lấy kết quả để xét tuyển đại học, kết quả của nó có 2 mục đích sử dụng.

Một là xét xem thí sinh đó có đủ trình độ để tốt nghiệp bậc đào tạo phổ thông hay không. Nhưng quan trọng hơn, đó là cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học trong mùa tuyển sinh năm nay.

'Nghi ngờ đường dây chạy điểm ở Hà Giang là có cơ sở'
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Thắng Quang.

Có thể vì chính mục tiêu 2 trong 1 đó, đặc biệt là mục tiêu thứ 2 mà dẫn đến hiện tượng sửa điểm, thậm chí sửa điểm rất nhiều đối với một số thí sinh và một số bài thi. Với một kỳ thi có yêu cầu như vậy, mang tính chất quốc gia quan trọng như vậy thì tính chính xác, công bằng, khách quan cần phải được đề cao. Như vậy, đây là vụ việc rất nghiêm trọng.

- Theo điều tra của công an, việc kiểm soát chấm thi lỏng lẻo đã khiến việc thay đổi điểm thi rất dễ dàng. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Ở đây có hai yếu tố, một là về quy định, hướng dẫn việc tổ chức các kỳ thi ở địa phương phải cụ thể hơn nữa, để từng khâu phải có người chịu trách nhiệm, nhưng phải có sự phối hợp của nhiều bộ phận và có sự kiểm tra của cơ quan quản lý, tránh tình trạng như đã xảy ra ở Hà Giang. Tức là, một người có thể tác động vào nhiều khâu và làm sai lệch toàn bộ kết quả thi.

Thứ hai là các sở GD&ĐT địa phương cần tăng cường các khâu trong quá trình tổ chức thi, tránh tình trạng một cá nhân có thể "tự tung tự tác" tác động vào nhiều khâu làm sai lệch hoàn toàn kết quả bài thi của rất nhiều thí sinh cùng lúc.

'Nghi ngờ đường dây chạy điểm ở Hà Giang là có cơ sở' - 1
Kết quả các môn thi của các thí sinh ở Hà Giang sau khi chấm thẩm định. Đồ họa: Ngọc Châu.

Không chỉ là vai trò của một cá nhân

- Dư luận nghi ngờ có đường dây chạy điểm can thiệp vào kết quả thi của hàng trăm thí sinh, ông nhận định thế nào về điều này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng cũng nhìn nhận vụ việc có mức độ nghiêm trọng. Ông hoan nghênh chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các sai phạm khi can thiệp điểm thi ở Hà Giang.

“Vụ việc đã rõ ràng. Cơ quan chức năng phối hợp xác định có sai phạm và người chủ chốt gây ra là ông Vũ Trọng Lương. Bây giờ, theo tôi phải điều tra làm rõ mấy trăm tin nhắn trong điện thoại của ông Lương như thế nào. Vấn đề tiêu cực chắc chắn có, không phải chỉ chữa điểm vô tư”, ông Nhưỡng nói. Đại biểu này cũng đề nghị chấn chỉnh lại công tác giáo dục trên địa bàn, công tác tư tưởng, cán bộ, lãnh đạo chỉ đạo trên địa phương, của Sở GD&ĐT…

- Đứng trước một sự việc, người ta có thể có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Đây là sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều phương diện nên sự quan tâm và nghi ngờ của dư luận về đường dây chạy điểm cũng là có cơ sở.

Những thông tin mà báo chí đã đưa là thay đổi số lượng lớn mấy trăm bài chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, thì dư luận cũng có thể đặt nghi vấn đây không chỉ là vai trò của một cá nhân như đã được phát hiện.

Thế nhưng, một người hay một nhóm thì cơ quan chức năng cũng vào cuộc rồi và nhận định là có thể khởi tố một vụ án hình sự. Bây giờ, chúng ta cứ chờ cơ quan chức năng điều tra, công bố thì sẽ chính xác hơn.

- Việc này có tác động như thế nào đến tâm lý các thí sinh có điểm thi bị can thiệp cũng như các thí sinh khác?

- Thứ nhất, ảnh hưởng đến uy tín, tính chất khách quan, công bằng, chính xác của cả một kỳ thi THPT quốc gia, khiến dư luận nghi ngờ mất lòng tin vào kỳ thi.

Thứ hai, nó tạo ra sự sai lệch kết quả, sự không công bằng đối với một nhóm học sinh. Có những em từ trượt thành đỗ và nguy hiểm hơn kết quả kỳ thi này được dùng làm căn cứ xét tuyển đại học. Nên, có một số em từ trượt tốt nghiệp phổ thông thì nay không những đỗ tốt nghiệp mà còn trúng tuyển đại học.

Thậm chí, với điểm cao như vậy có thể đỗ vào các trường top trên, làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh đầu vào, chất lượng đầu ra của một lớp cử nhân tương lai.

Thứ ba, nó tạo ra một sự không công bằng với những thí sinh khác. Vì, thi tốt nghiệp chỉ cần đạt chuẩn là đỗ nhưng xét tuyển đại học thì có chỉ tiêu. Thế nên, một số em từ trượt thành đỗ thì sẽ có những em đáng lẽ đỗ lại thành trượt.

Ở góc độ khác, các em trong nhóm thí sinh có kết quả bị thay đổi, giờ công bố ra rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, đến sự nhìn nhận của dư luận đối với các em.

Người ta có thể nghi ngờ về quá trình học tập của các em trước đây, liệu có bị tác động bởi những điều tương tự như vậy hay không? Trong nhóm này có thể nhiều em không biết việc sửa điểm bởi do tác động của người lớn, của cha mẹ và các em bị cuốn vào vòng xoáy đó. Điều này khi công bố thông tin sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các em, nên việc này rõ ràng gây ra nhiều hệ lụy.

'Nghi ngờ đường dây chạy điểm ở Hà Giang là có cơ sở' - 2

Theo Thắng Quang (Tri Thức Trực Tuyến)