Xã hội

Nghe chuyện rơi nước mắt, Phó Chủ tịch nước tặng ngay 50 triệu đồng

Câu chuyện của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái đã làm nhiều người xúc động, rơi nước mắt.

Sáng 11-1, UBND TP HCM - Ủy ban MTTQ TP đã tổ chức tuyên dương 96 tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của TP - lần 3. Đến dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Tại buổi lễ tuyên dương, câu chuyện của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái đã làm nhiều người xúc động, rơi nước mắt.

Bệnh viện Nhân Ái thuộc Sở Y tế TP HCM nhưng đóng trên địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Nhiều người ví nơi đây như "mảnh đất chết" vì chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Hầu hết bệnh nhân là những người sống lang thang không nơi nương tựa hoặc bị gia đình bỏ rơi, bệnh nhân tại các trại tạm giam, các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng.

"Ngoài điều trị, công việc hằng ngày của chúng tôi là làm thay công việc người nhà của bệnh nhân, chăm sóc cho họ từ chén cơm, giấc ngủ. Chỉ mong mang lại cho họ chút ấm áp để quên bớt sự tủi thân, sự đau đớn của căn bệnh thế kỷ" - bác sĩ Trầm Xuân Chánh, Trưởng Khoa Săn sóc đặc biệt, mở đầu câu chuyện.

Ông kể bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối ít ăn lắm. Hơn nữa, bệnh giai đoạn cuối thường kèm theo nấm miệng, nấm thực quản nên họ càng ít ăn, không muốn ăn vì đau rát cổ họng, không thấy ngon. Ngừng một lúc, ông nói tiếp: "Nhưng ngửi thấy mùi thức ăn họ thèm lắm, nhìn vừa thương vừa tội. Có bệnh nhân hôm trước còn cho uống cà phê, ăn cháo. Hôm sau thì đã mất. Xót, thương nhưng chẳng biết làm sao".

Nghe chuyện rơi nước mắt, Phó Chủ tịch nước tặng ngay 50 triệu đồng
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cho Khoa Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái

Nghe đến đây, phía dưới hội trường nhiều người lặng lẽ lau nước mắt. Nhiều người muốn nghe tiếp câu chuyện của bác sĩ Chánh nhưng ông cũng không biết kể thêm như thế nào. Ông liên tục nói "có những trường hợp không biết nói thế nào, nói làm sao" trong giọng ngắt quãng.

Cảm động trước tấm lòng của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Săn sóc đặc biệt, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã bày tỏ sự trân trọng và dành tặng cho khoa số tiền 50 triệu đồng. Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp đã gửi tặng khoa với số tiền 330 triệu đồng.

Nghe chuyện rơi nước mắt, Phó Chủ tịch nước tặng ngay 50 triệu đồng - 1
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (bìa phải) bày tỏ sự trân trọng đối với đội ngũ y, bác sĩ Khoa Săn sóc đặc biệt

Một số tấm gương thầm lặng mà cao cả khác như ông Phạm Văn Tâm (75 tuổi, ngụ quận 11) nhiều năm tự nguyện vớt rác, cắt cỏ dọc dòng kênh Cầu Mé và vận động người dân vớt rác giúp khơi thông, trả lại sự trong xanh cho dòng kênh chảy giữa lòng dân cư.

Anh công nhân Huỳnh Trọng Khánh (35 tuổi, ngụ phường Phước Long B, quận 9) từ năm 2010 đến nay mở lớp học miễn phí dạy cho hơn 200 trẻ em nghèo tại khu dân cư mình sinh sống và con em của công nhân trong công ty anh làm việc…

Bằng cách rất riêng, họ thầm lặng, không ồn ào, không vụ lợi, ít người biết đến nhưng vẫn hằng ngày làm những việc cụ thể, có thể nhỏ thôi nhưng luôn ấm áp tình người, làm đẹp cho chính mình, làm đẹp cho đời.

Một tấm gương sống giá trị hơn trăm bài diễn văn

Bày tỏ xúc động và cảm kích trước những suy nghĩ, hành động và việc làm của những tấm gương thầm lặng mà cao cả vì nghĩa lớn, vì tình thương và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định đây chính là những tấm gương sống, những tấm guơng mang lại sức mạnh to lớn trong đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người đã dặn "người tốt, việc tốt nhiều lắm, ở đâu cũng có, ngành nào, cấp nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có".

Vì lẽ đó, chủ tịch UBND TP đề nghị thông qua lễ tuyên dương lần này, TP tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự lan tỏa rộng khắp thành phố phong trào thi đua, phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân.

Theo Phan Anh - Hoàng Triều (Nld.com.vn)