Xã hội

Năm 2020 có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Theo dự báo, trong năm 2020 có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm ngoái.

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 tới nay, thiên tai bất thường xảy ra tại nhiều vùng miền trong cả nước khiến 15 người chết, 85 người bị thương; 1.685 ngôi nhà bị sập, hàng chục nghìn ngôi nhà bị tốc mái...

Hạn hán, xâm nhập mặn làm 54.700 ha lúa bị thiệt hại, 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.291 tỷ đồng, trong đó do dông lốc, mưa đá khoảng 791 tỷ đồng, ước tính do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng.

Năm 2020 có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Ảnh minh họa

Nhận định tình hình thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020, ông Trần Hồng Thái - tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên - môi trường) - cho biết năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, dự báo mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là khu vực Trung Bộ.

Cũng từ nhận định thiên tai năm 2020, ông Thái cho biết ngành khí tượng thủy văn đã dự báo khả năng có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

"Như vậy, số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tập trung ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019" - ông Thái cho biết.

Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá thường xuyên xuất hiện vào thời kỳ giao mùa trên phạm vi toàn quốc. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, sau mỗi khi hạn hán kỷ lục sẽ xảy ra các trận lũ lớn. Ví dụ như sau trận hạn hán xảy ra gay gắt từ cuối mùa hè năm 1963 đến mùa hè năm 1964 tại khu vực Nam Trung Bộ xảy ra trận mưa lớn gây lụt lội mà người dân vẫn gọi là "đại hồng thủy 1964" làm gần 6.000 người chết tại các tỉnh Trung Trung Bộ; sau đợt hạn hán năm 2015-2016, có tới 4 đợt mưa lũ lớn kéo dài vào tháng 11, 12/2016 gây thiệt hại lớn tại Nam Trung Bộ.

Cũng theo trung tâm dự báo, từ tháng 6 đến tháng 8/2020, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và nhỏ, đỉnh lũ có khả năng ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2, trên một số sông suối nhỏ có khả năng lên trên BĐ2; mực nước các sông khác ở Trung và Nam Trung Bộ biến đổi chậm.

Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt từ 20-60% so với TBNN, một số sông thiếu hụt trên 70%, trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.

Trong thời gian này, tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương mùa khô năm 2019, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận.

Mùa lũ năm 2020, trên các sông ở khu vực Tây Nguyên đến muộn hơn trung bình nhiều năm, các sông ở khu vực Trung Bộ tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2020 trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có khả năng ở mức cao hơn năm 2019.

Từ nhận định trên, để phòng chống thiên tai hiệu quả, Tổng cục Khí tượng thủy văn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin số liệu về cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất.

Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô, phương thức và loại hình xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn, từ đầu tư trạm quan trắc, thu hút tư nhân tham gia dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đến mạnh dạn cho phép thí điểm hợp tác công tư để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện ngành khí tượng thuỷ văn đang được quản lý, sử dụng.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, việc xã hội hóa chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành khí tượng thủy văn phòng chống thiên tai, phát triển bền vững trong thời gian tới, tăng tính tự chủ của ngành, giảm sự phụ thuộc vào kinh phí từ ngân sách nhà nước.

HP (Nguoiduatin.vn)