Xã hội >> Mưa lũ Miền Trung

Miền Trung trước bão Goni

Vừa trải qua những trận bão lũ, sạt lở đất trong tháng 10, người miền Trung lại thêm lo lắng khi bão Goni sắp đổ bộ.

Nghệ An vừa trải qua đợt lũ lụt đầu tiên trong năm. Từ 28 đến 29/10, mưa lớn 200 đến 400 mm kết hợp với hồ thủy lợi và nhà máy thủy điện xả lũ, khiến các huyện Thanh Chương, Đô Lương ngập sâu hơn 2 m. Hơn 16.000 ngôi nhà bị nước tràn vào, khoảng 8.000 hộ dân phải di dời.

Đợt mưa lũ này khiến 9 người chết, 4 người bị thương do đuối nước. Hơn 1.300 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, trong đó 44 nhà sập đổ, 280 căn hư hỏng. Ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi, đê điều, đường giao thông bị sạt lở.

Hiện nước đã rút ở các huyện bị cô lập, song những hộ dân sống gần điểm sạt lở vẫn được khuyến cáo sơ tán đến nơi an toàn.

Hà Tĩnh, đợt lũ đầu tiên khiến 6 người chết và 118 xã bị ngập. Đến ngày 29/10, người dân lại tất bật gom đồ đạc cùng tài sản chạy lụt khi trời mưa to, nước dâng cao ở 12 huyện, thị xã, thành phố, gây ngập từ 0,5 m đến 3 m.

Hiện chưa có thống kê thiệt hại, song hàng nghìn ngôi nhà trên địa bàn tỉnh đã bị nước tràn vào; nhiều tuyến đường tỉnh lộ, liên xã sạt lở gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Nghi Xuân có hai điểm ngập sâu 1 m hôm 31/10 buộc nhà chức trách phải cấm đường. Hiện nước đã rút, giao thông qua khu vực này trở lại bình thường.

Đến sáng 3/11, vùng núi huyện Vũ Quang, Hương Khê là những nơi ngập nặng nhất, có nơi 3 m, đến nay nước đã rút, chỉ còn vài điểm đường liên thôn ngập khoảng 30 cm.

Trước mắt, nhà chức trách địa phương quyết định hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi hai đợt lũ lụt như: bị thương, chết người, thiệt hại nhà cửa... từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng mỗi hộ.

Quảng Bình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai dồn dập trong tháng 10. Hai đợt lũ lụt từ 6 đến 20/10 làm 9 người chết, 88 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà ngập từ 0,5 đến 4 m; nước sông, suối đổ về đục ngầu cuốn trôi nhiều tài sản.

Trong đợt mưa ngày 28 đến 30/10, huyện Minh Hóa và Quảng Ninh tái ngập từ 0,8 m đến 1,2 m; đến nay nước đã rút. Hiện xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa vẫn bị chia cắt do sạt lở quốc lộ 12A.

Mưa lũ hoành hành miền Trung

 Quảng Trị liên tiếp xảy ra các vụ chìm tàu trên biển và sạt lở đất ở vùng núi trong tháng 10.

Các đợt mưa kéo dài từ ngày 6 đến 23/10 khiến 98 xã, phường thị trấn ngập lụt, hơn 60.000 hộ dân bị chia cắt, phải sơ tán đi tránh lũ.

Nhà chức trách cho hay mưa lũ khiến 50 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ lở núi ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa vùi lấp 22 quân nhân của Đoàn kinh tế quốc phòng 337. Hiện còn 2 xã Hướng Việt và Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) cô lập do sạt lở đất, đường nối vào trung tâm xã bị chia cắt.

Thừa Thiên Huế, mưa nhiều đợt từ ngày 6 đến 17/10 khiến hơn 85.000 ngôi nhà vùng đồng bằng, đô thị ngập 0,5 đến hơn 2 m, thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng.

Ở vùng núi, hai vụ sạt lở núi ở nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm kiểm lâm 67, cùng ở xã Phong Xuân, khiến 30 người chết và mất tích. Huế không còn huyện bị cô lập do lũ; các tuyến đường bị chia cắt do đất đá sạt lở đến nay đã thông.

Miền Trung trước bão Goni
Dọn dẹp cây xanh đổ sau bão Molave ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông 

Đà Nẵng bão Molave hôm 28/10 ngập 15 thôn ở huyện Hòa Vang, hiện nước đã rút. Thành phố có 6 người bị thương; 812 ngôi nhà tốc mái, 29 căn hư hỏng; hơn 305.000 khách hàng mất điện; hơn 3.000 cây xanh gãy đổ; gần 9.000 gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi. Ngày 3/11, các sự cố về điện lưới, hạ tầng cơ bản đã khắc phục xong.

Quảng Nam, sau khi bão Molave đổ bộ, vùng núi tỉnh này mưa lớn vào chiều 28/10. Tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My, Hiệp Đức xảy ra 7 vụ sạt lở đất khiến 23 người chết, 24 người mất tích, 81 người bị thương.

Vụ sạt lở gây thiệt hại nặng nhất là ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) khiến 8 người chết, 14 người mất tích.

Các đợt mưa lũ trên địa bàn Quảng Nam khiến hơn 27.000 ngôi nhà hư hỏng, các tuyến quốc lộ 40B, 14E, 24C, 14D, 14H sạt lở gần 5.000 m, khối lượng đất đá bồi lấp khoảng 260.000 m3.

Ngoài ra, hơn 300 ha lúa, 19.000 ha cây trồng lâu năm ngã đổ, hư hại; gần 32.000 gia súc, gia cầm bị chết; tổng thiệt hại chung khoảng 3.800 tỷ đồng.

Hiện còn hai xã Phước Lộc và Phước Thành (huyện Phước Sơn) bị cô lập do đường độc đạo dẫn vào địa bàn sạt lở. Những ngày gần đây, 500 người phải đi bộ 15 km băng rừng, vượt núi để cõng gạo tiếp tế của các đoàn cứu trợ .

Miền Trung trước bão Goni - 1
Nhà dân ở Quãng Ngãi hư hỏng sau bão Molave. Ảnh: Phạm Linh 

Quảng Ngãi cũng nằm trong phạm vi bão Molave đổ bộ sáng 28/10. Gió bão khiến 8 người bị thương; hơn 140.000 ngôi nhà hư hỏng, tốc mái; 84 ha lúa, hơn 67.000 ha rừng thiệt hại; 107 tấn lương thực ướt; hơn 62.000 gia súc, gia cầm bị chết; nhiều tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở, hư hỏng.

Sau bão, tỉnh này không có địa phương nào bị cô lập, tổng thiệt hại ban đầu khoảng 4.480 tỷ đồng.

Là điểm cuối cùng nằm trong phạm vi đổ bộ của bão Molave, Bình Định có khoảng 1.000 ngôi nhà ngập, hơn 3.000 căn tốc mái, hư hỏng. Ngoài biển, 6 tàu cá bị chìm, 26 ngư dân thị xã Hoài Nhơn mất tích, đã cứu được 3 người. 12,6 km đường hư hỏng, sạt lở song không dẫn đến cô lập các huyện, xã.

Hôm 28/10 toàn tỉnh mất điện, nay đã khắc phục. Thiệt hại ban đầu ước tính 394 tỷ đồng.

Ba đợt lũ lụt cùng hàng loạt vụ sạt lở đất ở miền Trung trong tháng 10 đã cướp đi 159 sinh mạng, 71 người khác đang mất tích. Riêng đợt mưa sau bão Molave làm 33 người chết, 49 người mất tích, chủ yếu do sạt lở đất, tàu chìm ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định.

Hậu quả sau bão Molave

 Các tỉnh miền Trung vừa khắc phục hậu quả thiên tai và lo đối phó với bão Goni. Sáng 3/11, bão Goni cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km, vùng ảnh hưởng thay đổi so với dự báo một ngày trước, hướng vào Quảng Ngãi - Khánh Hòa.

Bão duy trì vận tốc khoảng 10 km/h trong hai ngày tới. Đến 4h ngày 5/11, dự báo tâm bão cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 160 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất 90 km/h, cấp 9, giật cấp 11.

Theo Đức Hùng (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/mien-trung-nhieu-thuong-tich-truoc-bao-goni-4186265.html