Xã hội

Máy bay bị chim va làm vỡ ống dầu thuỷ lực

Hàng loạt vụ chim va máy bay gây mất an toàn, ảnh hưởng đến hoạt động bay trong thời gian qua. 

Thông tin ban đầu, vào khoảng 11h11 ngày 21-4, chuyến bay VN 1500 của Vietnam Airlines từ Đà Lạt hạ cánh vào sân đỗ của sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), thợ máy Vaeco phát hiện có va chạm với chim trên đường băng, có xác chim trên càng sau bên phải máy bay.

Vụ va chạm làm vỡ ống dầu thủy lực phanh càng sau bên phải của máy bay.

Chiếc A321 phải nằm chờ tại sân đỗ để thay ống dầu thủy lực. Đến 18h26 ngày 21-4, máy bay cất cánh an toàn, trễ gần 4 giờ so với giờ khởi hành.

Theo Tuổi Trẻ, trong khi chờ chiếc máy bay A321 thay ống dầu phanh, Vietnam Airlines đã bố trí một máy bay khác từ sân bay Nội Bài tới sân bay Thọ Xuân để đưa khách chuyến bay VN 1501 từ Thanh Hóa đi Đà Lạt lúc 16h05 ngày 21-4. 

Trước đó, máy bay A350 của hãng hàng không China Airlines cũng bị chim va tạo thành vết thủng to khoảng 30cm sau khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất an toàn.

Máy bay bị chim va làm vỡ ống dầu thuỷ lực
(Ảnh minh hoạ)

Hôm 7/4, máy bay A321 của Vietnam Airlines sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hải Phòng về TP.HCM cũng phát hiện vết máu nghi của chim ở cánh quạt và viền động cơ. Máy bay sau đó đã được đưa về xưởng để kiểm tra.

Các vụ va chạm giữa máy bay với chim xảy ra khá phổ biến trên thế giới. Theo các chuyên gia hàng không, về lý thuyết, máy bay lớn có thể tiếp tục bay sau khi va chạm với chim nặng tối đa 2kg. Tuy nhiên, nếu bị hút vào động cơ, dù chim nhỏ cũng khiến động cơ hư hỏng. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sông, ruộng ngô vì chim làm hỏng động cơ.

Sự chênh lệch tốc độ giữa chim và máy bay khiến tác động của vụ va chạm rất mạnh, làm hư hỏng vỏ, các bộ phận của máy bay. Tốc độ chênh lệch càng lớn thì tác động càng mạnh.

Ở Việt Nam, các sân bay xảy ra vụ việc liên quan đến chim va đập nhiều nhất là Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, Phú Quốc, Vinh.

Nguy hiểm nhất là nhiều loài chim di cư bay ở tầm 300-500 m thường bay cắt ngang đường cất/hạ cánh mà ngành hàng không không kiểm soát được.

Các tỉnh phía Nam có nhiều đồng ruộng lớn, là nơi sống của chim, nơi di cư nên dễ ảnh hưởng hoạt động bay”, đại diện Cục Hàng không VN thông tin và cho biết, thời gian qua Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) áp dụng nhiều phương pháp đuổi chim, bắn chim bằng các loại máy có sóng nhưng chưa thực sự hiệu quả, báo Giao thông đưa tin.

HL (Nguoiduatin.vn)