Xã hội

Lực lượng CSGT sẽ ra quân đều đặn để kiểm tra, xử lý 'ma men' tất cả các ngày Tết

Tài xế bật khóc khi bị kiểm tra nồng độ cồn

Trong dịp Tết không có ưu tiên, lực lượng CSGT sẽ ra quân đều đặn và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời khuyên người dân cần nêu cao ý thức đã uống rượu bia là không lái xe.

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông - Cục cảnh sát giao thông - Bộ Công an cho biết: "Bên cạnh việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, lực lượng CSGT rất kiên quyết trong việc xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và vi phạm ma túy khi điều khiển phương tiện".

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cũng thông tin: “Nếu tính riêng trong năm 2019 thì có hơn 182.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị xử lý, tính ra trung bình một ngày là gần 500 trường hợp vi phạm. Trước khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực, ngay từ đầu tháng 12/2019, lực lượng CSGT đã thực hiện chuyên đề cao điểm xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy”.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định: “Xuyên suốt trong năm 2019 đến năm 2020, lực lượng CSGT tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt dịp Tết Canh Tý và các lễ hội đầu xuân năm 2020”.

Lực lượng CSGT sẽ ra quân đều đặn để kiểm tra, xử lý 'ma men' tất cả các ngày Tết
Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra lái xe nhằm phát hiện xử lý những vi phạm về nồng độ cồn để đảm bảo ATGT, phòng ngừa tai nạn

Ngày 18-1, Cục CSGT cho biết: Sau 2 tuần thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/NĐ-CP, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 49 tỷ 738 triệu đồng.

Trong đó, 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và xử lý, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt”, Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an có Điện số 1020/HT ngày 31/12/2019 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện ngay Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngày 6/01, Cục CSGT đã có công điện chỉ đạo CSGT Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Căn cứ tình hình thực tiễn, Phòng CSGT tham mưu Giám đốc Công an tỉnh huy động các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Công an cơ sở phối hợp với lực lượng CSGT kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức đưa tin, tuyên truyền về hành vi, thái độ của người vi phạm và kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm ngay tại hiện trường. Trường hợp cố tình không chấp hành, có thái độ, hành vi chống đối thì tổ chức lực lượng khống chế đưa về trụ sở Công an nơi gần nhất và xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định.

Sau 2 tuần Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Cục CSGT đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, các báo điện tử… thường xuyên liên tục đưa tin về hoạt động của lực lượng CSGT triển khai thực hiện Nghị định 100, kết quả xử lý vi phạm từng ngày.

Cục CSGT trực tiếp hướng dẫn, tham gia tọa đàm thông tin về những điểm mới của Luật và Nghị định tới công chúng. CSGT địa phương cũng chủ động, tích cực phối hợp với báo chí để thông tin tuyên truyền, qua đó tạo thành hiệu ứng mạnh mẽ về tác động của những quy định mới của Nghị định số 100, nhất là việc quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời cũng góp phần xây dựng hình ảnh của lực lượng CSGT chủ động, kiên quyết thực hiện nhiệm vụ, vì an toàn giao thông, bình yên trên những tuyến đường.

Ngay sau khi luật và nghị định có hiệu lực, dư luận băn khoăn là ăn hoa quả và uống siro bị xử lý vi phạm nồng độ cồn. Để giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của người dân trước những vấn đề trên, Cục CSGT đã tổ chức thực nghiệm hơn 150 test thử, cho nhân vật ăn các loại hoa quả khác nhau, uống siro ho và nước hoa quả lên men … và kiểm tra nồng độ cồn, kết quả cho thấy:

Hoa quả tươi trước và sau khi ăn không phát hiện nồng độ cồn; siro và chanh đào có phát hiện nồng độ cồn, định lượng giao động trong khoảng 0,8 - 1,9 miligam/1 lít khí thở tùy vào liều lượng sử dụng.

Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi khoảng 2 - 5 phút thử lại hoặc uống 1 cốc nước thì lại về mức không có nồng độ cồn. Nội dung này, Cục CSGT đã tổ chức thông tin cho báo chí để tuyên truyền giúp người dân hiểu đúng và chấp hành tốt quy định của pháp luật, đồng thời hướng dẫn lực lượng Cảnh sát giao thông khi kiểm tra các trường hợp có trình bày sử dụng siro hoặc thuốc, sẽ cho chờ nghỉ sau 10 - 15 phút hoặc uống nước và kiểm tra lại.

Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 49 tỷ 738 triệu đồng. Đối với vi phạm nồng độ cồn, Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 6.279 trường hợp, phạt tiền 21 tỷ 013 triệu đồng.

HP (Nguoiduatin.vn)