Xã hội

Lãnh đạo địa phương 'né' tiếp công dân: Kiểm tra, xử lý người đứng đầu

Mới đây, Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc hơn 5 năm liền, nhiều lãnh đạo sở, ngành của tỉnh Đồng Tháp không hề tiếp công dân buổi nào. Điều này khiến nhiều người lo lắng và đề nghị, tỉnh cần sát sao hơn trong công tác tiếp công dân. Bởi đây chính là “liều thuốc” cần bổ sung kịp thời để kết nối lãnh đạo gần với dân, giải quyết những công việc mà dân cần.

Lãnh đạo địa phương 'né' tiếp công dân: Kiểm tra, xử lý người đứng đầu
Phỏng vấn bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của QH.Ảnh: PV

Hơn 5 năm không tiếp dân

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân.

Trong khi đó, tại kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và công tác quản lý, sử dụng đất đai tại Đồng Tháp (thời kỳ 2012 - 6.2017).

Về công tác tiếp công dân, TTCP nêu rõ trong khi lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp dành nhiều thời gian cho việc tiếp công dân, thường xuyên tiếp công dân theo yêu cầu cả định kỳ và đột xuất; số ngày tiếp công dân của lãnh đạo tỉnh đạt 290%, 192 ngày/66 tháng, thì ngược lại nhiều sở, ngành chưa thực sự quan tâm công tác tiếp công dân. Thậm chí, một số giám đốc sở trong suốt 5,5 năm không tiếp công dân ngày nào như Sở Nội vụ, 
Cục Thuế, Sở NNPTNT, Sở VHTTDL…

Về việc này, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, kiểm điểm, xử lý các thủ trưởng cơ quan, đơn vị không tổ chức tiếp công dân.

Chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế

Trước vấn đề này, trao đổi với PV, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Vấn đề tiếp công dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Và đồng thời để thực hiện quyền của công dân và góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội ở địa phương và cơ sở. Điều này cũng được pháp luật quy định rất rõ ràng và cụ thể.

Nhiệm vụ tiếp công dân, lịch tiếp công dân hay giải quyết những thắc mắc của dân ở nhiều địa phương cơ sở đã làm rất tốt nên đã giải quyết được điểm nóng. Do vậy góp phần giải quyết được tình trạng khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp. Tuy nhiên ở một số địa phương, vấn đề này chưa được thực hiện tốt, còn để tồn tại nhiều việc kéo dài làm ảnh hưởng tới uy tín của bộ máy, gây nên những bức xúc của xã hội.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện - cho biết: Cử tri tiếp tục phản ánh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi còn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Hiện tượng người đứng đầu UBND các cấp không tiếp công dân định kỳ nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý kịp thời, dẫn tới việc coi nhẹ nhiệm vụ tiếp công dân, không kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người dân nên tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài diễn biến theo chiều hướng gia tăng. Việc xử lý các cán bộ sai phạm (được phát hiện qua khiếu nại, tố cáo của công dân) vẫn còn có dấu hiệu ngại va chạm, nể nang, né tránh, ít cán bộ bị xử lý kỷ luật (chủ yếu là rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ còn chiếm tỉ lệ lớn)...

Cũng theo bà Hải, vẫn có những tồn tại hạn chế mặc dù đã được nêu rất cụ thể, có địa chỉ rõ ràng nhưng việc quan tâm giải quyết dứt điểm vẫn còn chưa thỏa đáng.

“Đối với nội dung cụ thể là công tác tiếp công dân luôn được xem là đặc biệt quan trọng, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này đã được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tại nhiều cuộc họp. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, chưa nói đến chất lượng và hiệu quả của việc tiếp công dân là như thế nào? Có giải quyết, tháo gỡ hay vướng mắc gì khó khăn của người dân hay không? Việc này cần được nhìn nhận và đánh giá sao cho đúng với tinh thần trong việc tiếp công dân, xử lý, giải quyết những công việc mà dân đang cần” - Trưởng ban Dân nguyện nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho rằng, từ năm 2012 - 2017 chỉ có duy nhất 1 người công dân duy nhất đến để làm thủ tục. “Từ khi tôi lên làm giám đốc (đầu năm 2017 đến nay PV) chưa có một công dân nào đến gặp tôi mà tôi không tiếp. Nếu chứng minh được việc này thì tôi sẵn sàng chịu kỷ luật. Không có công dân nào đến thì chúng tôi lấy gì mà tiếp. Bản thân tôi cũng đã giải thích với Thanh tra nhưng chưa được ghi nhận” - ông Thương khẳng định.

Trao đổi qua điện thoại với Lao Động, ông Phan Văn Nhiều - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, việc này lãnh đạo tỉnh sẽ báo cáo cụ thể. “Bản thân tôi trong 2 năm làm giám đốc sở đã tiếp công dân đầy đủ” - ông Nhiều khẳng định.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện - cho biết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri: Thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri (KNCT), các kiến nghị (KN) này đã được Ban Dân nguyện chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết (giảm 357 KN so với kỳ họp trước).

Trong tổng số 1.993 KN mà cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ có 1.474 KN (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri; 162 KN (chiếm 8,13%) được tiếp thu, giải quyết xong; còn 357 KN (chiếm 17,91%) đang được nghiên cứu để giải quyết.

Ông Lê Văn Cuông - Nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, đối với cán bộ tiếp công dân cũng phải nắm vững pháp luật, thái độ chuẩn mực. Nhiều khi có cán bộ không nắm vững pháp luật, việc giải thích trả lời không thấu đáo dẫn tới mất uy tín trước dân, mất niềm tin của nhân dân.

Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các ngành. Nếu như việc này không thực hiện tốt phải có chế tài xử lý với những vi phạm. Đơn vị nào làm tốt thì cần biểu dương, khen thưởng, đơn vị thực hiện chưa tốt thì phải có phê bình. Phải chấn chỉnh được những tồn tại hiện nay để có sự chuyển biến.

Cùng với đó, cần phải xem xét tổ chức, đơn vị cá nhân để những trường hợp khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, đông người thì cần làm sáng tỏ về nguyên nhân, trách nhiệm để từ đó có đánh giá một cách cụ thể của những thiếu sót tồn tại, để chấn chỉnh kịp thời. Vấn đề bố trí đúng người tiếp dân, thực hiện đúng chức trách của người đứng đầu, xử lý nghiêm minh những trường hợp không thực hiện tốt quy định về vấn đề này là liều thuốc để giải quyết những hạn chế, tồn tại trong công tác tiếp công dân để đạt được những kết quả tốt hơn. 

Theo Cao Nguyên- Trần Vương (Lao Động)