Xã hội

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai giải thích việc bác sĩ, điều dưỡng phải đi làm lúc 5 giờ sáng

Theo lãnh đạo BV Bạch Mai, những vất vả của đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện một sự hy sinh vì chất lượng và thay đổi mang lại thương hiệu cho Bệnh viện.

Theo Lãnh đạo BV Bạch Mai, khi thực hiện thí điểm tự chủ, BV Bạch Mai đã gặp phải rất nhiều khó khăn liên quan tới tài chính, một số nhân sự ra đi… Tuy nhiên mọi khó khăn của bệnh viện sẽ được tháo gỡ khi hoàn thiện cơ chế tài chính tự chủ.

Ngày 18/3/2020, GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đây cũng là ngày Bệnh viện Bạch Mai phát hiện các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, cái tên "Bạch Mai" khi ấy đã gắn liền với ổ dịch lớn nhất cả nước, bệnh viện phải bước vào cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình: Covid-19.

Lần đầu tiên trong lịch sử 110 năm, bệnh viện bị đóng cửa trong 2 tuần, trong thời gian bị phong tỏa, bệnh viện vẫn tiếp tục điều trị cho hơn 800 bệnh nhân nặng, hơn 2000 cán bộ, viên chức, học viên ngày đêm chăm sóc, điều trị toàn diện cho bệnh nhân khi toàn bộ người nhà bệnh nhân phải tập trung vào khu cách ly; các làn sóng Covid-19 đợt 2 rồi đợt 3 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động chuyên môn của bệnh viện.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai giải thích việc bác sĩ, điều dưỡng phải đi làm lúc 5 giờ sáng
Bệnh viện Bạch Mai giải thích, bệnh viện lấy sự tận tình để giữ chân người bệnh.

Năm 2020 cũng là năm Bệnh viện Bạch Mai đi tiên phong trong việc triển khai thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2012 của Chính phủ và Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 17/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2020-2021.

Với tinh thần đó, GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn cho biết, ông luôn tâm niệm, cán bộ, viên chức chính là khách hàng của Giám đốc, để bệnh viện phát triển thì lãnh đạo bệnh viện trực tiếp là Giám đốc bệnh viện phải làm hài lòng nhân viên.

Phía bệnh viện cho biết, trong thời gian qua, bệnh viện đã quan tâm về cả đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, viên chức: Dù nguồn thu giảm 2000 tỷ đồng trong năm 2020, Bệnh viện vẫn trích 140 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi để hỗ trợ đều cho 4.300 nhân viên.

1020 lao động hợp đồng được xếp lương theo ngạch bậc và hưởng các chế độ phụ cấp như biên chế. Nhiều điều dưỡng, kỹ thuật viên được xếp lương bậc 2, bậc 3 (trước kia hợp đồng chỉ hưởng 85% của bậc 1).

Trước đây, ngày sinh nhật của nhân viên chỉ có lãnh đạo các đơn vị mới được chúc mừng thì nay toàn bộ nhân viên đều nhận được tin nhắn chúc mừng đúng ngày sinh nhật kèm theo món quà trị giá 300.000đ.

Vào ngày quốc tế phụ nữ, không chỉ các chị em mà các cán bộ nam cũng được nhận quà trị giá 300.000đ; Lì xì đầu năm mỗi cán bộ, viên chức 500.000đ (trước kia chỉ lãnh đạo các đơn vị mới được hưởng).

Một báo cáo của Bạch Mai cho biết, để phục vụ bệnh nhân từ 3-4 giờ sáng, một đội ngũ nhân viên phải có mặt từ lúc 5h, và lẽ dĩ nhiên phải rời nhà từ 4 giờ sáng.

Để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người lao động, Bệnh viện phân làm việc theo ca (làm 8h/ca), đi sớm sẽ được về sớm.

Bệnh viện triển khai chăm sóc toàn diện sẽ phải cần nhiều hơn đội ngũ điều dưỡng, hộ lý chăm sóc, tuy nhiên do khó khăn về tài chính, Bệnh viện không thể tuyển số lượng nhân viên đủ theo yêu cầu. (Hiện tại, mỗi tháng Bệnh viện phải chi 27 tỷ đồng tiền lương và các khoản trích nộp bảo hiểm cho cán bộ, viên chức Bệnh viện), điều này đặt gánh nặng lên vai điều dưỡng, hộ lý, họ sẽ phải chăm sóc nhiều bệnh nhân hơn và phải làm những việc trước đây chưa từng làm như cho bệnh nhân ăn, vệ sinh cá nhân cho họ...

Với tất cả những chia sẻ trên, GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, khi Chính phủ, Bộ Y tế hoàn thiện cơ chế tài chính tự chủ, các vấn đề khó khăn này sẽ dần được giải quyết.

Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/lanh-dao-benh-vien-bach-mai-giai-thich-viec-bac-si-dieu-duong-phai-di-lam-luc-5-gio-sang-161212204153709119.htm