Xã hội

Làng quê nghèo rúng động vụ vỡ nợ 50 tỷ đồng

Ông Nguyễn Đức Phi - Chủ tịch UBND xã Ia Glai, huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã có khoảng trên 40 hộ ký gửi nông sản, cho vay tiền tại doanh nghiệp Sáu Đào.

Ông Nguyễn Đức Phi - Chủ tịch UBND xã Ia Glai, huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã có khoảng trên 40 hộ ký gửi nông sản, cho vay tiền tại doanh nghiệp Sáu Đào. Ước tính, doanh nghiệp này đang nợ của ngân hàng và người dân trên 50 tỷ đồng và hiện không còn ở địa phương.

Doanh nghiệp Sáu Đào vừa tuyên bố vỡ nợ.

Theo đó, sáng 8.4 doanh nghiệp Sáu Đào chuyên thu mua nông sản và buôn bán phân bón do bà Ngô Thị Đào (57 tuổi, trú thôn Vườn Ươm, xã Ia Glai, huyện Chư Sê, Gia Lai) làm chủ tuyên bố vỡ nợ. Sau khi nghe tin, nhiều người dân lũ lượt kéo đến doanh nghiệp này để yêu cầu được trả nợ.

Người dân tại đây cho biết, người đòi nợ ít cũng vài chục triệu đồng, người nhiều đến hàng tỷ đồng. Có người cho bà Đào vay mượn tiền mặt để buôn bán, có người bán cà phê, tiêu nhưng chưa được bà Đào trả tiền, có người ký gửi cà phê, tiêu tại cơ sở nhưng chưa bán được thì xảy ra vụ việc...

Theo các hộ dân mà bà Đào nợ tiền, họ bán, ký gửi nông sản cho bà Đào vì nghĩ bà này làm ăn đã nhiều năm nay và có uy tín. Cũng vì nghĩ thế nên nhiều khi bán nông sản xong, bà Đào nợ tiền nhưng người dân vẫn cho. Bên cạnh đó doanh nghiệp Sáu Đào vừa thu mua nông sản vừa cung ứng phân bón cho bà con. Đầu mùa doanh nghiệp này sẽ cung ứng phân bón nợ cho người dân đến mùa thu hoạch doanh nghiệp này sẽ nhận giữ số lượng nông sản của các hộ gia đình đã nhận cung ứng phân bón và trả tiền khi người dân muốn bán.

Bà Nương Viết Thanh (thôn Vườn Ươm, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) cho biết gia đình bà ký gửi 1,5 tấn cà phê và được doanh nghiệp này hứa hẹn sẽ trả nhưng mãi vẫn không thấy. Khi bà Thanh đến đòi nợ thì được bà Đào liên tục hứa hẹn sẽ trả trong nay mai.

“Tôi cứ nghĩ bà Đào làm ăn uy tín hàng chục năm nay rồi nên mới đem cà phê đi ký gửi. Đến bây giờ thì vụ vỡ nợ xảy ra. Tôi không biết mình có thể đòi lại được nữa không. Bây giờ bà Đào không trả, chúng tôi biết lấy tiền đâu mà sống” - bà Thanh khóc nghẹn.

Ông Đỗ Văn Tam (thôn Tân Thủy, xã Ia Ve, huyện Chư Sê) một trong những hộ gia đình ký gửi tiêu tại doanh nghiệp Sáu Đào cũng cho biết: “Mười ngày trước tôi bán 2 tấn tiêu cho bà Đào nhưng bà Đào chưa trả tiền và hứa hẹn sẽ trả trong thứ 2 tuần này. Gần đây tôi thấy nghi ngờ doanh nghiệp này thâm nợ vốn và khó có khả năng chi trả nên gia đình tôi liên tục đi đòi nhưng đến nay chưa đòi được đồng nào thì bà Đào đã tuyên bố vỡ nợ”.

Trò chuyện với PV, bà Trần Thị T. 50 tuổi (hàng xóm cạnh doanh nghiệp Sáu Đào) cho biết hiện tại bà đang gửi doanh nghiệp Sáu Đào hơn hai tấn tiêu.

"Ở sát vách nhà nhau nhưng tôi không thấy có bất kỳ biểu hiện gì, doanh nghiệp của bà Đào vẫn thu mua nông sản của người dân bình thường. Tuy nhiên, khoảng 23h, ngày 8.4, đang ngủ tôi giật mình nghe tiếng ô tô liên tục chạy ra vào kho hàng của bà Đào, điện sáng trưng. Thấy hành động lén lút, vội vã bất thường tôi chạy qua thấy bà Đào đang cho bốc tiêu, cà phê… chất lên xe tải chở đi" - bà T nói.

Theo bà, nghi ngờ có chuyện xảy ra nên bà chạy vào trong kho hỏi thì bào Đào dọa báo công an vì tự tiện vào nhà bà ấy.

"Lúc này, tôi làm căng, lấy điện thoại gọi những người khác, bà Đào chùng giọng trấn an “Chị yên tâm sáng thứ 2 tôi sẽ trả toàn bộ tiền hàng cho không thiếu một đồng”. Thế nhưng, sáng ra thấy công an đến rất đông tôi mới vỡ lẽ bà Đào tuyên bố vỡ nỡ đêm qua đã tẩu tán tài sản khỏi địa phương” - bà T kể tiếp.

Sáng 10.4, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đức Phi - Chủ tịch UBND xã Ia Glai, huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã có khoảng trên 40 hộ ký gửi nông sản, cho vay tiền tại doanh nghiệp này. Ước tính, doanh nghiệp này đang nợ của ngân hàng và người dân trên 50 tỷ đồng. Hiện tại chủ doanh nghiệp đã rời khỏi địa phương…

Ngay khi nhận được tin báo, Công an xã Ia Glai đã huy động lực lượng xuống doanh nghiệp này để bảo vệ, tránh việc tẩu tán tài sản gây thiệt hại cho người dân cũng như tuyên truyền người dân đi đòi nợ không nên manh động gây mất trật tự an ninh trên địa bàn; đồng thời hướng dẫn người dân kê khai nợ, làm đơn tố cáo và nộp về Công an huyện Chư Sê để xử lý.

Theo Đăng Nhật (Dân Việt)