Xã hội

Ký ức về Trung đoàn thủ đô: Rút lui thần tốc, trở về huy hoàng

Ngày 17.2.1947, quân dân ta rút khỏi Thủ đô trong bi tráng, và 9 năm sau trở lại Thủ đô trong oai hùng...

Ngày 17.2.1947, quân dân ta rút khỏi Thủ đô trong bi tráng, và 9 năm sau trở lại Thủ đô trong oai hùng...

Cuộc rút lui chiến lược

ky uc ve trung doan thu do: rut lui than toc, tro ve huy hoang hinh anh 1
Nhân dân Hà Nội chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô ngày 10.10.1954.  Ảnh: Tư liệu

Thời cơ đã đến với Trung đoàn Thủ đô khi ngày 16.2.1947, theo đề nghị của Lãnh sự quán Trung Quốc, ta và Pháp đồng ý tạm ngừng bắn một ngày (18.2.1947) để Hoa kiều phố Hàng Buồm tản cư khỏi Hà Nội. Ngày 17.2.1947, nhằm tạo thế bất ngờ, ta quyết định rút quân ngay trong đêm, phải vượt sông Hồng để tránh bốt Nội Châu. Rút toàn bộ lực lượng ngay trong đêm, tránh rất nhiều tai mắt của địch là một việc cực kỳ gian khó, vậy mà ta đã làm được.

Đêm 17.2.1947, từ ngõ Phất Lộc, ông Hùng lặng lẽ cùng những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô băng qua con đê, đi trong sương mù dày đặc qua cầu Long Biên ngay dưới ánh đèn gác của kẻ thù. Đoàn quân lặng lẽ đi trong đêm, tay mỗi người cầm chặt vào một sợi dây tết bằng vải để không lạc nhau. Trên vai mỗi người lúc đó là tấm băng in đậm dòng chữ TĐTĐ (Trung đoàn Thủ đô). Đến khoảng 3 giờ sáng 18.2.1947, Trung đoàn Thủ đô đã tập kết đầy đủ ở thị xã Phúc Yên, cuộc rút lui đảm bảo an toàn bí mật và không ai bị thương vong. 

Theo đại tá Nguyễn Văn Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cuộc rút lui khỏi Hà Nội ấy là một cuộc rút lui chiến lược, thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng và quân đội ta, kéo địch ra khỏi thành phố và thực hiện những mục tiêu chiến lược của ta. Đây là bước thắng lợi đầu tiên, đập tan âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch...

Ngày trở về lịch sử

Hiện nay trong phòng truyền thống của Trung đoàn Thủ đô có một trang vàng ghi về ngày trở về giải phóng thủ đô Hà Nội. Theo đó, khoảng 8 giờ ngày 10.10.1954 các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo, trở về Hà Nội giữa một rừng cờ hoa đón chào nồng nhiệt của đồng bào.

Anh hùng Nguyễn Quốc Trị - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô và tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 Trần Đông dẫn đầu đội hình bộ binh tiến từ khu vực Mai Dịch, qua ô Cầu Giấy, Kim Mã, vườn hoa Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, cửa Bắc vào Thành Hà Nội.

Từ phía Nam, một đội hình bộ binh khác gồm Trung đoàn Tu Vũ và Đại đoàn bộ do Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tu Vũ chỉ huy từ Việt Nam học xá, tiến qua Bạch Mai, phố Huế, ra Tràng Tiền rồi vòng về khu vực Đồn Thủy. Tiến sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới, với hơn 100 xe Mô-lô-tô-va nối đuôi nhau. Trên xe, các chiến sĩ ngồi ngay ngắn, súng dựng trên sàn, lưỡi lê tuốt trần sáng loáng.

Dẫn đầu đội hình cơ giới là đoàn xe com-măng-ca mui trần. Trên xe đầu tiên, Tướng Vương Thừa Vũ - Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố giơ tay chào đồng bào. Tiếp đó là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính...

Đoàn quân đi đến đâu là tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Đường phố rực màu cờ, chật ních người. Những gương mặt rạng rỡ, nụ cười, tay vẫy, và cả những giọt lệ... 

Ngày 8.10.1954, quân viễn chinh Pháp làm lễ hạ cờ. Ngày 9.10.1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, quân ta tiếp quản đến đấy. Đến 16 giờ 30 phút ngày 9.10.1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên. Ngày 10.10.1954, đại quân ta tiến vào tiếp quản Thủ đô...  

Theo Gia Tưởng (Dân Việt)