Xã hội

Kỳ đà vân quý hiếm lạc vào nhà dân ở TP.HCM

Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM) cho biết đơn vị vừa tiếp nhận một cá thể kỳ đà vân từ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM.

Ngày 11/6, trao đổi với Tri thức trực tuyến, ông Nguyễn Công Bằng - Phó trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM) cho biếtđơn vị này vừa tiếp nhận một cá thể kỳ đà vân từ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. Con vật nặng 1,3 kg, khi tiếp nhận khỏe mạnh, nhanh nhẹn.

"Từ lâu nay, trạm chủ yếu tiếp nhận giống kỳ đà hoa. Đây là lần hiếm hoi Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận kỳ đa vân vì con vật thuộc giống quý hiếm. Chúng tôi đang chờ phê duyệt phương án xử lý tài sản toàn dân để thả con vật này về môi trường tự nhiên", ông Bằng nói.

Kỳ đà vân quý hiếm lạc vào nhà dân ở TP.HCM
Con kỳ đà vân được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ.

Được biết, khoảng 10 ngày nước, ông Đặng Văn Ka (ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) sau khi ra khỏi nhà một lát rồi trở về nhà thì phát hiện một con vật đang bám trên rèm cửa. Khi đó, ông Ka cùng một người bạn bắt con vật trên đem nhốt vào lồng. Sau khi tìm hiểu trên mạng, ông Ka biết đây là con kỳ đà vân và là động vật quý hiếm nên liên lạc với Chi cục Kiểm lâm TP.HCM để bàn giao.

"Tôi không biết con vật trên từ đâu đến, tôi nghĩ có thể ai đó nuôi rồi nó sổng chuồng. Tôi bàn giao con vật trên cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM với mong muốn nó sẽ được về với môi trường tự nhiên", Tuổi trẻ dẫn lời ông Ka.

Việc vận động người dân giao nộp động vật hoang dã là công tác thường xuyên của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, nhằm tuyên truyền người dân cùng cơ quan Nhà nước bảo tồn đa dạng sinh học các loài động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng.

Con kỳ đà vân mà Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận có tên khoa học là Varanus nebulosus. Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), kỳ đà vân là loài động vật hoang dã thuộc lớp bò sát được bảo vệ ở cấp độ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Cụ thể hơn, kỳ đà vân nằm trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và nhóm IB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Theo ENV, tùy theo số lượng cá thể bị xâm hại và một số yếu tố khác, các hành vi vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép kỳ đà vân có thể bị xem xét xử lý hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật, theo Tiền phong.

Theo Linh Chi (Đời Sống & Pháp Luật)




https://www.doisongphapluat.com/ky-da-van-quy-hiem-lac-vao-nha-dan-o-tp-hcm-a540739.html