Xã hội

Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong vụ gian lận thi cử còn 'chung chung'

Trưởng ban Dân nguyện cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nhận trách nhiệm trong việc ban hành quy định thi chưa khoa học, còn sơ hở.

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 9/5, báo cáo dự thảo tổng hợp kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân theo dõi sát sao quá trình điều tra, xử lý gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La.

"Nhân dân đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm, sớm công khai đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên", ông nói và nhấn mạnh phải thống nhất cách xử lý đối với thí sinh gian lận điểm thi để bảo đảm công bằng xã hội.

Mặt trận Tổ quốc cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, khắc phục những hạn chế trong tổ chức thi THPT quốc gia các năm trước, ngăn chặn kịp thời gian lận trong kỳ thi năm nay. 

Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong vụ gian lận thi cử còn 'chung chung'
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Võ Hải

Vấn đề gian lận thi cử cũng được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề cập trong dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. "Cử tri yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này, các giải pháp khắc phục hậu quả", bà Hải nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời các kiến nghị nói trên, tuy nhiên Trưởng ban Dân nguyện đánh giá là "rất chung chung". Cụ thể, khi hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước thì Bộ chỉ nêu "ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, trách nhiệm của Bộ là ở khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức".

"Bộ chưa nhận trách nhiệm trong việc ban hành quy định về chấm thi, quản lý bài thi... chưa khoa học, còn sơ hở, không thường xuyên rà soát, kiểm tra rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước", bà Hải nói, đánh giá công tác thanh tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện sai phạm.

Trưởng ban Dân nguyện cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định làm căn cứ để xử lý kết quả thi của thí sinh được nâng điểm nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn trường đại học xử lý thí sinh. "Đặc biệt, việc xử lý các cá nhân tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực thi cử không được nhắc đến trong các văn bản trả lời cử tri", bà Hải nhấn mạnh.

Hôm qua 8/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngày 25/5 quá trình điều tra gian lận thi cử tại ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang sẽ kết thúc. Hiện nay, có 51 em ở ba tỉnh này được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 vẫn đang học tại các trường đại học, cao đẳng.

"Quan điểm của chúng tôi là tuyệt đối không dung túng cho sai phạm, đảm bảo quy định của quy chế và pháp luật; các sai phạm trong thi cử phải xử lý đến cùng để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh", ông Nhạ nói.

Ngày 11/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia. Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La có số lượng điểm giỏi cao bất thường. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018.

Hòa Bình, Sơn La phải đến tháng 3/2019 Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 ở Sơn La được nâng điểm. Trong đó, có thí sinh được nâng tới 9,25 điểm một môn và 26,55 điểm tất cả môn. Nhiều em từ điểm giỏi biến thành điểm liệt.

Theo quy chế, điểm chấm thẩm định là điểm chính thức của thí sinh, được sử dụng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong khi chờ cơ quan công an làm rõ sai phạm của thí sinh, nếu đủ điểm vào các trường đại học, những em này được tiếp tục học. Nếu xác định rõ sai phạm, thí sinh sẽ bị xử lý.

Hiện 19 cán bộ giáo dục, công an của ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã bị khởi tố, nhưng người đứng đầu ngành giáo dục, ban chỉ đạo thi ở ba tỉnh vẫn chưa bị xử lý.

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)