Xã hội

Kịch bản vận tải khách đường bộ, hàng không sau giãn cách như thế nào?

Tại nơi đang thực hiện Chỉ thị 16 sẽ không tổ chức hoạt động vận tải hành khách. Tuy nhiên, sân bay, nhà ga đường sắt vẫn được hoạt động và tiếp nhận khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị 16.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi tới các Bộ ngành và các tỉnh, thành phố dự thảo lấy ý kiến về kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách nhằm khôi phục hoạt động vận tải khách phù hợp với từng bước nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, an toàn, thống nhất giữa địa phương.

Kịch bản vận tải khách đường bộ, hàng không sau giãn cách như thế nào?
Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra dự thảo về kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách sau nới lỏng giãn cách.

Khách và lái xe phải có “Thẻ xanh COVID-19”

Theo dự thảo, về nguyên tắc chung, tại các nơi đang thực hiện Chỉ thị 16 sẽ không tổ chức hoạt động vận tải khách (trừ các trường hợp được cấp có thẩm cho phép), tuy nhiên, sân bay, nhà ga đường sắt vẫn được hoạt động và tiếp nhận khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị 16.

Tại các nơi đang thực hiện Chỉ thị 15 và 19 được tổ chức vận tải khách theo mức độ hạn chế tỷ lệ % xe kinh doanh vận tải, hành khách của từng phương thức vận tải, trong khi ở các địa phương đang thực hiện mức độ bình thường mới sẽ tổ chức vận tải khách hoạt động bình thường với hai phương án được đưa ra.

Phương án 1: Khách đi trên xe (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 15, 19) phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và các quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Kịch bản vận tải khách đường bộ, hàng không sau giãn cách như thế nào? - 1
Với từng lĩnh vực vận tải, tần suất hoạt động sẽ được nới lỏng theo các giai đoạn nhằm khôi phục và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Phương án 2: Khách khi đi trên xe (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 15, 19) đáp ứng các yêu cầu về thực hiện nghiêm 5K và đáp ứng một trong các tiêu chí sau: người đã tiêm đủ liều vaccine trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày, người khỏi bệnh COVID-19, người có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Ngoài ra, xe chở khách phải thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch theo quy định.

Với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, dự thảo của Bộ GTVT cũng đưa 2 phương án.

Trong đó, phương án 1: Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Phương án 2: Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K đồng thời đáp ứng một trong các tiêu chí sau: người đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện, có chứng nhận tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng;

Người đã mắc và khỏi bệnh COVID-19, có Giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện của ngành Y tế theo quy định; người (chưa tiêm vaccine hoặc đã tiêm 1 mũi vaccine) có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) hoặc theo thời hạn khác do Bộ Y tế quy định.

Hàng không nới lỏng tần suất, được chia làm 4 giai đoạn

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các phương án cụ thể cho từng lĩnh vực vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, trong đó quy định về giới hạn tần suất chuyến, số lượng khách/chuyến và lộ trình nới lỏng dần theo các giai đoạn.

Kịch bản vận tải khách đường bộ, hàng không sau giãn cách như thế nào? - 2
Tại nơi đang thực hiện Chỉ thị 16 sẽ không tổ chức hoạt động vận tải khách. Tuy nhiên, sân bay, nhà ga đường sắt vẫn được hoạt động và tiếp nhận khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị 16.

Cụ thể, đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này) thực hiện tối đa không vượt quá 40% số chuyến và có giãn cách chỗ trên phương tiện. Giai đoạn 2 (kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1) thực hiện tối đa không vượt quá 60% số chuyến và có giãn cách chỗ trên phương tiện. Giai đoạn 3 (kể từ ngày kết thúc giai đoạn 2) thực hiện tối đa không vượt quá 80% số chuyến và giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) được hoạt động trở lại bình thường.

Với lĩnh vực đường sắt, giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này), số lượng đôi tàu khai thác trên từng tuyến không vượt quá 50% so với biểu đồ chạy tàu đã được công bố trước đây và có giãn cách chỗ trên tàu (không áp dụng giãn cách đối với toa giường nằm).

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1) số lượng đôi tàu không vượt quá 70%; giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2) số lượng đôi tàu khai thác trên từng tuyến không vượt quá 70% và không phải giãn cách chỗ trên tàu. Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) được khai thác trở lại bình thường.

Với hàng không, tổ bay và nhân viên hàng không đã được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID-19 ít nhất sau 14 ngày (tính từ ngày tiêm); có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực và đảm bảo duy trì năng định theo quy định về khai thác bay; các tàu bay phải đảm bảo năng lực khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa được giám sát…

Về tần suất khai thác đường bay, Bộ GTVT cũng đưa ra 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1 sẽ được chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.

Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay). Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) được khai thác trở lại bình thường;

Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, 2 và 3: các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.

Phương án 2: Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay. Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021của hãng hàng không đó.

Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay). Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): được khai thác trở lại bình thường.

Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1 và 2: các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.

Trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam quyết định áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn nêu trên.../.

Theo Phi Long (VOV.vn)




https://afamily.vn/kich-ban-van-tai-khach-duong-bo-hang-khong-sau-gian-cach-nhu-the-nao-20210923002528185.chn