Xã hội

Không khí mù bao phủ TP HCM

Độ ẩm trong không khí cao kết hợp tình trạng khói bụi gây nên hiện tượng mù, hạn chế tầm nhìn người đi đường.

TP HCM chìm trong mù dày đặc nhiều ngày qua. Các tòa nhà cao tầng đều bị che khuất, tầm nhìn của người đi đường hạn chế. Phải đến gần trưa, khi mặt trời lên cao, hiện tượng này mới giảm dần.

Theo Thạc sĩ Lê Đình Quyết - Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đây là hiện tượng thời tiết mù, khác sương mù. 

Ông giải thích, khi có sương mù tầm nhìn ngang chỉ có thể thấy dưới một km, thậm chí khi sương mù mạnh tầm nhìn giảm dưới 50 m, và người dân có cảm giác dính ướt khi đi ngoài đường. Trong khi đó, hiện tượng mù cũng do hơi nước ngưng tụ làm giảm tầm nhìn ngang dưới 10 km, nhưng vẫn trên một km.

Không khí mù bao phủ TP HCM
Khi mặt trời lên cao, hiện tượng mù ở Sài Gòn mới giảm dần. Ảnh: Hữu Nguyên.

Nguyên nhân là những ngày qua TP HCM chịu tác động bởi không khí lạnh ở các tỉnh phía Bắc, khuếch tán xuống phía Nam làm nền nhiệt giảm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp ở trục 4-7 độ vĩ Bắc làm cho thời tiết biển xấu, các tỉnh phía Nam (trong đó TP HCM) chịu tác động mạnh và cũng chính rãnh áp thấp này mang theo nhiều ẩm từ biển vào đất liền.

"Nhiều hơi ẩm trong không khí gặp nền nhiệt thấp dẫn đến quá trình ngưng kết tạo thành mây dưới tầng thấp. Mặt khác, TP HCM là nơi có mật độ phương tiện giao thông cao, trong khí quyển luôn có nồng độ bụi cao, gặp khí quyển chứa nhiều hơi nước, gió nhẹ hình thành một lớp mờ mịt tầng thấp làm giảm tầm nhìn ngang. Đó là hiện tượng mù", ông Quyết nói.

Sương mù và mù đều là hiện tượng thời tiết bình thường, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà chỉ gây khó khăn cho giao thông.

"Hiện tượng này không kéo dài nữa. Từ ngày 21/1 thời tiết sẽ tốt dần lên, trời ít mây, sáng sớm tầm nhìn ngang tốt hơn", ông Quyết cho hay.

Theo Hữu Nguyên (VnExpress.net)