Xã hội

Khoan đá xây cầu ngàn mét xâm phạm lõi Di sản Tràng An: Giám đốc sai phạm nói vì nóng vội

Hơn 2.000 bậc lên xuống núi Cái Hạ được xây trái phép trong suốt 6 tháng. Công trình này đã xuyên lõi di sản Tràng An.

Khoan đá xây cầu ngàn mét xâm phạm lõi Di sản Tràng An: Giám đốc sai phạm nói vì nóng vội

Khoan đá, đổ bê tông, dựng cột xây đường lên núi dài hơn 1.000m

Công trình đường lên đỉnh núi Cái Hạ (còn có tên núi Huyền Vũ), xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình (thuộc Quần thể Di sản Thế giới Tràng An) do Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An xây trái phép ở Di sản Tràng An đang khiến dư luận rất bức xúc.

Nhìn tổng thể, công trình như một cây cầu gồm nhiều bậc, được chống bởi các trụ cột gắn vững chắc vào núi đá. Cầu nằm uốn lượn từ dưới, xuyên qua nhiều vách đá lên trên đỉnh núi.

Theo mô tả của Zing.vn, cầu có chiều dài 1.115 m, có 2.234 bậc lên đỉnh núi Huyền Vũ và đưa vào sử dụng từ Tết Nguyên Đán 2018. Cầu xuyên qua lõi di sản Tràng An và xuyên qua không gian rừng đặc dụng đã được giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường quản lý trước đó.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cùng với sai phạm về công trình, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An còn nhiều sai phạm khác như sử dụng hướng dẫn viên không phép, phát hành băng đĩa giới thiệu về di tích này với nội dung chưa được thẩm định, tự ý phát hành vé và thu của khách tham quan 45.000 đồng/người...

Khoan đá xây cầu ngàn mét xâm phạm lõi Di sản Tràng An: Giám đốc sai phạm nói vì nóng vội - 1
Công trình xâm phạm nghiêm trọng Quần thể Di sản Thế giới Tràng An. Ảnh: VTV

Tháo dỡ khó tránh khỏi ảnh hưởng

Ông Phạm Xuân Phúc (Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết trên báo Tuổi trẻ, đây là công trình không phép, được Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An xây dựng từ giữa năm 2017, hoàn thành trong 6 tháng.

Vị này khẳng định công trình đường lên núi Cái Hạ đã vi phạm nghiêm trọng Điều 13 của Luật Di sản. Khu vực này thuộc vùng lõi của Di sản Thế giới, phải được quản lý nghiêm theo Luật Di sản và quy định của UNESCO.

"Chúng tôi yêu cầu Sở Du lịch Ninh Bình khẩn trương báo cáo tỉnh, phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp tháo dỡ toàn bộ công trình trái phép này, trả lại nguyên trạng mặt bằng của di tích", nguồn trên dẫn lời ông Phúc.

Tuy nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bày tỏ, việc tháo dỡ công trình vi phạm trên "không tránh khỏi ảnh hưởng đến di sản". Bởi theo ông, công trình này khi xây đã khoan đá và đổ bê tông.

Chuyên gia phẫn nộ

Báo Thanh niên thông tin, một chuyên gia về địa chất khoáng sản rất phẫn nộ trước cây cầu này, nó xâm hại nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của di sản.

Việc cho người vào khai thác trong quá trình xây dựng và khai thác du lịch đại trà ảnh hưởng đến hệ động thực vật của di sản thiên nhiên thế giới Tràng An.

"Khai thác cũng phải tính toán ngưỡng chịu tải chứ, có phải thích là nhắm mắt làm đâu. Chưa kể đá vôi rất giòn và dễ nứt nẻ. Có những khối đá nguy cơ đổ xuống lúc nào không biết.

Mình khoan khoáy, cắm cọc vào đó, đến lúc nó đổ xuống thì chết người. Mà lại xấu, kệch cỡm", nguồn trên dẫn lời chuyên gia.

Khoan đá xây cầu ngàn mét xâm phạm lõi Di sản Tràng An: Giám đốc sai phạm nói vì nóng vội - 2
Công trình trái phép xâm phạm vùng lõi di sản Tràng An đón khách vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Ảnh: An ninh Thủ đô

Giám đốc công ty xây công trình khủng xâm phạm Tràng An nói gì?

Ông Nguyễn Văn Son là Giám đốc của Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An - "thủ phạm" xây công trình khủng xâm phạm di sản thế giới Tràng An.

Theo báo Người lao động, ông Son thừa nhận làm đường lên núi Cái Hạ là sai, đồng thời chấp nhận hình thức xử lý của nhà chức trách. Thế nhưng, ông nói rằng bản thân không làm công trình vì lợi ích kinh tế, cũng không coi thường pháp luật mà chỉ vì nóng vội muốn làm nhanh đường lên núi Cái Hạ, để mừng kỷ niệm 1.050 năm ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi.

"Đây chính là nơi vua Đinh lập đàn Kính Thiên sau khi xưng vương để làm lễ cầu siêu cho vong hồn nghĩa sĩ.

(...) Vì nóng vội, muốn các nhà sử học lên được núi chứng nhận việc đó nên tôi làm đường lên núi, mong các cấp chính quyền "lờ" đi để cho tôi làm", ông Son nói trên Người lao động.

Phản bác lời ông Nguyễn Văn Son, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Hoàng Thanh Phong khẳng định, không có đàn Kính Thiên trên núi, ông Son từng nhiều lần đề nghị công nhận điều đó nhưng không hề có căn cứ và cũng không chứng minh được.

5 văn bản không ngăn chặn được

Một công trình đồ sộ trong vùng lõi của Di sản Thế giới, lại tiến hành trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn kịp thời.

Theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, UBND xã Trường Yên đã gửi 5 văn bản đến Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An trong thời gian từ tháng 8 - 12/2017 nêu rõ đây là công trình trái phép, yêu cầu dừng thi công công trình trái phép này, nhưng phía công ty vẫn phớt lờ và tiến hành xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng bày tỏ trên Zing.vn, công trình đường lên núi Cái Hạ xây ở sâu trong vùng lõi nên khó phát hiện ra.

Quần thể di tích Tràng An (Ninh Bình) được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thiên nhiên của thế giới.

Theo T.Nguyên (Soha/Thời Đại)