Xã hội

Hợp đồng ăn chia tiền chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình

Luật sư Hoàng Ngọc Biên công bố do liên kết kinh doanh, Công ty Thiên Sơn nhận 7,7 USD trên mỗi ca chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.

Chiều 17/5 trong phiên toà xét xử ba người liên quan sự cố chạy thận nhân tạo làm 8 bệnh nhân tử vong, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đề nghị được hỏi điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa, người trực tiếp điều tra vụ án.

Ông Biên cho rằng, kết quả khám nghiệm lúc 19h ngày 29/5/2017 cho thấy hiện trường bị xáo trộn. Các quả lọc trong máy chạy thận bị tháo ra. "Không biết cơ quan điều tra đã thu bao nhiêu quả lọc, các quả lọc trong kho có bị thu giữ cùng thời điểm đó không?”, luật sư hỏi.

Hợp đồng ăn chia tiền chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình
Bị cáo trả lời tại toà chiều nay. Ảnh: Phạm Dự.

Trả lời trước toà, điều tra viên Nghĩa cho rằng việc thu giữ đồ vật, tài liệu liên quan vụ án được thực hiện “đúng quy định pháp luật". Điều này được thể hiện trong hồ sơ của vụ án.

Luật sư Biên tiếp tục hỏi về tư cách tố tụng của ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, khi làm việc với cơ quan điều tra vào ngày 15/8/2017. Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa cho biết, ông Dương được mời đến cơ quan công an với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và điều này đã giải thích rõ khi làm việc.

Tiếp lời luật sư đồng nghiệp, ông Nguyễn Danh Huế cho rằng, ngày 8/1, Công an tỉnh Hoà Bình có công văn gửi sang Sở Kế hoạch và Đầu tư tình này khẳng định việc Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng 100% gói thầu tại bệnh viện sang cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh là vi phạm quy định của Luật Đấu thầu. Vậy vì sao Công an tỉnh Hoà Bình chỉ kiến nghị cấm đấu thầu với Công ty Thiên Sơn chứ không xử lý hình sự?

Chủ tọa phiên toà cho rằng việc kí biên bản là thẩm quyền của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan cơ quan điều tra, không thuộc thẩm quyền của điều tra viên nên không thể trả lời. Điều tra viên Nghĩa cũng im lặng và trở về chỗ ngồi, kết thúc phần xét hỏi.

Tuy nhiên, đáp lời luật sư, đại diện Công ty Thiên Sơn khẳng định không có việc chuyển hợp đồng cho Công ty Trâm Anh. Việc ký hợp đồng với công ty Trâm Anh chỉ là để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Tỷ lệ ăn chia giữa công ty Thiên Sơn và bệnh viện?

Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đỗ Đình Vận (Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, bệnh viện thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận với Công ty Thiên Sơn từ năm 2010. Việc này thực chất là liên kết kinh doanh trong việc chạy thận cho các bệnh nhân.

Theo ông Vận, do ông Trương Quý Dương thoả thuận với đối tác nên ông không được thông báo và cũng không biết chi tiết hợp đồng. Tuy nhiên, ông nắm được thông tin Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho bệnh viện vào ngày 25 hàng tháng.

Luật sư Biên ngay lập tức công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện tỷ lệ ăn chia giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn. Theo đó, Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu hàng tháng. Với 10% được nhận, bệnh viện có trách nhiệm chi trả phí điện nước, ấn phẩm…

Trước thông tin này, ông Vận một lần nữa khẳng định không được ông Dương cho biết “tỷ lệ phần trăm ăn chia”. Ông vừa dứt lời, luật sư tiếp tục công bố số tiền Công ty Thiên Sơn nhận là 7,7 USD/ca chạy thận.

Trả lời thẩm vấn tại toà trước đó, bác sĩ Hoàng Công Tình (Trưởng khoa Hồi sức tích cực) cho biết, hệ thống máy lọc thận được Công ty Thiên Sơn cho bệnh viện thuê lại. Ngoài lắp đặt máy, việc sử chữa, bảo dưỡng thiết bị máy chạy thận và hệ thống nước RO đều do chuyên gia của công ty này thực hiện.

Ông Tình cho biết thêm, thời điểm xảy ra sự cố, đơn nguyên thận nhân tạo có 130 bệnh nhân suy thận mạn chạy thận liên tục với 18 máy. Tuy nhiên các phó giám đốc và trưởng, phó khoa đều không biết trong số này có bao nhiêu máy do Công ty Thiên Sơn lắp đặt.

"Tôi cũng là hành viên của phòng tổ chức cán bộ nên hợp đồng gần đây nhất được xem là Thiên Sơn sẽ nhận 7,7 USD/ca chạy thận. Tuy nhiên, ban giám đốc chưa có thông báo cụ thể", ông Tình khai trước HĐXX.

Không ai biết phải xét nghiệm AAMI trước khi vận hành máy

Đại diện của Công ty Thiên Sơn tại toà cho hay, trong hợp đồng sửa chữa, thay thế thiết bị hệ thống lọc nước RO với công ty Trâm Anh có quy định về việc phải xét nghiệm AAMI, đây là tiêu chuẩn bắt buộc để có nước chạy thận. "Các cá nhân, tổ chức tham gia vào việc chạy thận buộc phải biết việc này”, vị đại diện nói.

Trả lời thẩm vấn trước toà, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh) cho biết việc sửa chữa thiết bị đều dựa trên báo giá với công ty Thiên Sơn vào giữa tháng 4. Thừa nhận không được đào tạo chuyện môn song Quốc nói làm việc theo 12 năm kinh nghiệm. Quốc vẫn sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axitclohydric (HCL) để sục rửa hệ thống trong những lần trước mà không xảy ra chuyện gì. Trong khi đó kết luận giám định của vụ án cho thấy việc sử dụng hai hoá chất này đã làm tồn dư hoá chất trong nước.

Tuy không biết chỉ số xét nghiệm AAMI là gì nhưng Quốc được nhiều người “dạy” phải xét nghiệm sau khi sửa chữa thiết bị. Những lần trước, anh ta thường mang mẫu nước đi xét nghiệm ở Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam với giá 23-26 triệu đồng.

Hợp đồng ăn chia tiền chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình - 1
Các bị cáo tại toà. Ảnh: Phạm Dự.

Bị cáo Quốc khai muốn xét nghiệm AAMI phải dừng máy chạy thận chừng 10-15 ngày. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Công Tình cho rằng, từ trước đến nay bệnh viện cũng chưa bao giờ phải dừng việc điều trị cho bệnh nhân với lý do "lấy mẫu nước đi xét nghiệm AAMI".

Thời điểm ngày 29/5/2017 đang có gần 130 người đang chạy thận. Do đó, nếu có  kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm, giám đốc bệnh viện phải có thông báo cụ thể, song ông không nhận được "lệnh" dừng chạy thận cho bệnh nhân để làm xét nghiệm nước.

Cùng lời khai như ông Tình, bị cáo Hoàng Công Lương cũng khẳng định: Không được lãnh đạo bệnh viện thông báo khi sửa chữa hệ thống lọc nước RO phải làm xét nghiệm chỉ số AAMI. Lương chưa được nhìn thấy được hợp đồng nói trên bao giờ. Trách nhiệm của anh ta là cứu chữa bệnh nhân, còn việc bảo quản thiết bị do phòng vật tư lo.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng sau đó trả lời luật sư Hoàng Ngọc Biên cũng cho hay rằng "chưa bao giờ nhận được bất kỳ quyết định nào về việc phải kiểm tra thiết bị y tế trước khi đưa vào sử dụng". Chị cũng không được thông báo và không biết về tiêu chuẩn AAMI.

Ngày 18/5, phiên toà tiếp tục làm việc.

Theo cáo trạng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị chạy lọc máu thận nhân tạo từ năm 2009. Sáng 29/5/2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại đây thì đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong.

Nhà chức trách cáo buộc, với trình độ, trách nhiệm được giao, Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định, song sáng 29/5/2017 không kiểm tra lại hệ thống nước RO mà đã ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.

Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp hai loại hoá chất không có trong danh mục được dùng trong y tế để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.

Khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn, sáng 29/5/2017, Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng.

Nguyễn Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) bị cáo buộc đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Chiều 28/5/2017, chỉ nghe qua điện thoại và biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng Sơn lại giao cho điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo.

Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Quốc về tội Vô ý làm chết người.

Theo Phạm Dự (VnExpress.net)