Xã hội

Hơn 160 công nhân Việt Nam thi công thủy điện ở Châu Phi mong được về nước, 15 người đã nhiễm Covid-19

Đại diện CMVietnam cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng, Chính phủ, Bộ Ngoại giao để có biện pháp giải quyết, đưa số công nhân lao động về nước.

Hơn 160 công nhân Việt Nam thi công thủy điện ở Châu Phi mong được về nước, 15 người đã nhiễm Covid-19
Trong công trường thủy điện ở Ghi Nê Xích Đạo. Ảnh: Hiền An.

Trưa ngày 6/7, ông Trần Minh Đức, Phụ trách hành chính nhân sự Công ty CMVietnam (địa chỉ tại lô A60, khu 3ha, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đơn vị đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Chính phủ và các hãng hàng không tìm biện pháp đưa 164 công nhân lao động của công ty hiện đang làm việc tại Nhà máy Thuỷ điện Sendje, thuộc nước Cộng hòa Ghi Nê Xích Đạo, Châu Phi về.

Theo ông Đức, từ ngày 25/6/2020 bắt đầu phát hiện dịch Covid-19 lây nhiễm tại công trường nhà máy Thuỷ điện Sendje. Đến ngày 30/6/2020, kết quả xét nghiệm cho thấy đã có 15 công nhân người Việt Nam của công ty này dương tính, tất cả được đưa về bệnh viện địa phương nước sở tại để cách ly theo quy định.

"Sau khi phát hiện, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan y tế địa phương tiến hành xét nghiệm thêm đối với các công nhân còn lại trong các ngày 1/7 và 2/7/2020. Dự kiến phải đến ngày 9/7 tới đây mới có kết quả cuối cùng", ông Đức chia sẻ.

Trước thông tin người lao động của công ty đang phải chịu hoàn cảnh ăn uống không được đảm bảo, sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trong các khu cách ly, đại điện Công ty CMVietnam khẳng định, đó chỉ là thông tin một chiều xuất phát từ người lao động.

Ông Đức cho hay, đối với những lao động được ngành y tế nước sở tại đưa đến bệnh viện điều trị, công ty đã lập các nhóm, phát tiền cho anh em công nhân để phục vụ mục đích duy trì liên lạc, có báo cáo hàng ngày về kết quả sức khỏe của người lao động. Cơ bản đến thời điểm hiện tại, những lao động được đưa ra viện theo dõi đã hết sốt, tuy nhiên một số người vẫn có triệu chứng như ho, đau họng, tức ngực.

Hơn 160 công nhân Việt Nam thi công thủy điện ở Châu Phi mong được về nước, 15 người đã nhiễm Covid-19 - 1
Bên trong khu cách ly nhìn ra ngoài ở Ghi Nê Xích Đạo. Ảnh: Hiền An

Về vấn đề thực phẩm cho người lao động, ông Đức nói rất đáng lo ngại đối với công ty. Bởi khi điều trị tại bệnh viện ở các nước sở tại thì toàn bộ chế độ dinh dưỡng, phác đồ điều trị bắt buộc phải tuân thủ sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ bên họ.

Do đó, một số loại thực phẩm được ông Đức nhận định không phù hợp với người lao động Việt Nam. Hơn nữa, cơ sở y tế của đất nước sở tại cũng khá đông nên việc chăm sóc thường xuyên chưa được tốt cho người lao động nhiễm bệnh.

"Để khắc phục việc đó, ngay khi đơn vị y tế nước sở tại đưa người lao động lên xe ra viện, chúng tôi đã phát tiền cho người lao động, mục đích duy trì liên lạc và tăng cường khẩu phần ăn đảm bảo sức khỏe", ông Đức nói.

Ông cũng thông tin thêm, từ ngày 25/6/2020, trước khi phát hiện các ca bệnh, đại diện công ty đã gửi công văn đến Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm tại Ghi Nê Xích Đạo để thông báo về tình hình dịch bệnh ở công trường, đồng thời đề nghị hướng dẫn để được đưa người lao động về nước. Đến ngày 30/6, sau khi nhận được câu trả lời từ Đại sứ quán, công ty tiếp tục báo cáo cụ thể danh sách số lượng các ca nhiễm bệnh và tổng công nhân đang lao động.

Còn ở trong nước, Công ty CMVietnam đã chủ động liên hệ với đường dây nóng của cơ quan Bảo hộ công dân, Bộ Y tế và Uỷ ban phòng chống dịch Covid-19 để được hướng dẫn. Song song với đó, công ty đã liên hệ với Cục Lao động ngoài nước trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị hỗ trợ.

Ngoài ra, công ty cũng làm việc với Cục Lãnh sự để tìm hiểu nhằm đưa người lao động về trong thời gian sớm nhất.

CMVietnam còn làm việc với các hãng hàng không Vietnam Airlines và Bamboo Airways về thủ tục liên quan và được Vietnam Airlines cho biết, họ sẽ thực hiện sứ mệnh đưa đón công dân. Tuy nhiện, họ phải chấp thuận các điều kiện nguyên tắc của Chính phủ, nếu được cho phép.

"Hiện nay chúng tôi đang chờ các thông tin tiếp theo, sẽ bám sát chỉ đạo từ Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam", ông Trần Minh Đức nói và khẳng định, nếu được cho phép, công ty sẽ đưa toàn bộ 164 công nhân lao động về, đó là mong mỏi lớn nhất, dù phải phá vỡ hợp đồng với đối tác.

Theo vị đại diện Công ty CMVietnam, đối với những trường hợp được xác định dương tính với Covid-19, việc đưa về nước thời điểm hiện tại là không khả thi. Trước mắt công ty sẽ cố gắng tăng cường tốt nhất có thể về vấn đề thực phẩm, an ủi, động viên tình thần cho họ điều trị khỏi bệnh.

Hôm qua (5/7), anh Phạm Ngọc Hoài (27 tuổi, quê ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) là công nhân lao động của Công ty cổ phần xây dựng và nhân lực Việt Nam (CMVietnam) đang làm việc tại dự án thủy điện ở nước Cộng hòa Ghi Nê Xích Đạo cho biết về tình trạng xảy ra mấy ngày gần đây tại công trường nơi các anh đang thi công.

Cụ thể, anh Hoài nói đã có nhiều công nhân người Việt Nam nhiễm dịch bệnh Covid-19 được đưa vào khu cách ly bệnh viện địa phương nước sở tại, phải sống trong hoàn cảnh khó khăn khi không đủ thực phẩm sử dụng.

Một số khác đang trong diện xét nghiệm chờ kết quả những vẫn phải đi làm mà không được nghỉ ngơi, cách ly phòng bệnh. Theo anh Hoài, đã có một số trường hợp có dấu hiệu sức khỏe đi xuống. Hiện nhiều công nhân lao động như anh đang rất hoang mang, lo lắng mong muốn nhận được sự giúp đỡ của công ty cũng như cơ quan ban ngành Việt Nam để được về nước.

Theo thông tin từ ông Đức, ngoài 164 công nhân của Công ty CMVietnam, tại dự án thủy điện Sendje ở nước Cộng hòa Ghi Nê Xích Đạo còn 6 công nhân của Công ty Tân Đại Lợi, khoảng 50 lao động của Công ty Lilama 10. Mọi xét nghiệm dịch Covid-19 của các công nhân lao động này đều sẽ có kết quả trong những ngày tới.

Theo Hoàng An (Trí Thức Trẻ)




http://ttvn.toquoc.vn/hon-160-cong-nhan-viet-nam-thi-cong-thuy-dien-o-chau-phi-mong-duoc-ve-nuoc-15-nguoi-da-nhiem-covid-19-8202067162541289.htm