Xã hội

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới

7h30 sáng nay, lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 được đồng loạt tổ chức trên cả nước theo tinh thần ngắn gọn, hướng đến học sinh.

Lễ khai giảng kết thúc

Đến 9h, các trường kết thúc lễ khai giảng sau màn múa hát chào mừng năm học mới. Tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), học sinh ríu rít trò chuyện và chụp ảnh. 

“Lễ khai giảng năm nay thực sự ngắn gọn, ý nghĩa. Đặc biệt, chúng em cảm thấy rất vui khi được nhận lời chúc trực tiếp từ Chủ tịch nước. Đây là buổi khai trường đáng nhớ với học sinh cuối cấp như em”, một nam sinh lớp 12 chuyên Lý chia sẻ.

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới
Học sinh THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm

Học sinh lớp 10 ở Sài Gòn làm lễ 'chào sân'

Lễ khai giảng ở trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TP HCM) có khoảng 2.000 học sinh. Buổi lễ bắt đầu với tiết mục "chào sân" của học sinh khối 10 - thành viên mới của ngôi trường cấp ba.

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 1
Thành viên mới của trường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Quỳnh Trần.

Lần lượt 16 lớp 10 cùng giáo viên chủ nhiệm cầm cờ, hoa, bong bóng đi quanh sân trường chào thầy cô, học sinh. Họ được cổ vũ bởi tiếng nhạc, những tràng pháo tay không ngớt. "Trường rất khang trang, sạch đẹp làm chúng em háo hức bước vào năm học mới. Tập thể lớp chúng em quyết tâm học tốt, tham gia nhiệt tình các phong trào của trường và cuối năm đảm bảo tất cả sẽ lên lớp", lớp trưởng 10A3 chia sẻ.

Thầy Phạm Văn Chăm (Hiệu phó) đánh trống chính thức bắt đầu năm học mới.

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 2
Học sinh lớp 10 tỏ ra hào hứng với nghi thức đeo găng tay trắng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tương tự, tại trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) rộn rã tiếng cười nói của học sinh và thầy cô. Được phụ huynh chở đến trường từ sáng sớm, em Tô Tuấn Kiệt cho biết: "Năm nay em vào lớp 10A1 - lần đầu em dự lễ khai giảng ở ngôi trường cấp ba nên rất vui và hộp hộp".

Trong khi đó, Bảo Trân và Thuỷ Quân thích thú với đôi găng tay trắng được nhà trường tặng. "Được học ở ngôi trường nổi tiếng, đẹp, hiện đại tụi em rất thích. Cảm giác bỡ ngỡ ban đầu của tụi em qua nhanh vì thầy cô và bạn bè rất thân thiện. Đặc biệt là nghi thức đeo găng tay trắng trong ngày khai giảng. Em không biết ý nghĩa là gì, có lẽ là nghi thức cho lứa học trò mới như tụi em", Bảo Trân nói. 

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 3

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu các trường làm lễ khai giảng phải là sự kiện trọng đại, thiêng liêng với tất cả học sinh, đặc biệt với các em lần đầu đến trường. Phần lễđược tổ chức ngắn gọn, súc tích, tiết kiệm, nêu bật được hướng phấn đấu của trường trong năm học mới. Nghi thức chào cờ, hát Quốc ca không sử dụng băng lời bài hát. Diễn văn khai giảng của hiệu trưởng được yêu cầu ngắn gọn và không báo cáo thành tích. Trường chỉ mời lãnh đạo các cấp đọc thư của Chủ tịch nước tại buổi lễ và không phát biểu.

Phần hội của lễ là các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh bắt đầu năm học mới.

Nữ sinh Huế rạng rỡ trong ngày khai giảng

Lễ khai giảng tại trường THPT Hai Bà Trưng, ngôi trường dành cho nữ sinh đầu tiên ở Huế, diễn ra vui vẻ trong tiết trời nắng nhẹ. Từ cổng đến vào trung tâm trường, nữ sinh trong tà áo dài trắng, nón lá đứng dọc hai bên để đón chào học sinh lớp 10.

Sau phần nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, học sinh đã thể hiện hoạt cảnh tái hiện quá trình chiến đấu của Hai Bà Trưng chống quân Nam Hán.

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 4
Nữ sinh xếp hàng dài đón chào học sinh lớp 10. 

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 5

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 6
Học sinh thể hiện hoạt cảnh Hai Bà Trưng lãnh đạo quân dân chống quân Nam Hán.
Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 7
Phía dưới sân trường, nữ sinh tranh thủ chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc ngày khai trường. Ảnh: Võ Thạnh

Nghệ An có một trường học lùi khai giảng do mưa lũ

Trong cái nắng chói chang, hơn 780.000 học sinh cùng hơn 52.000 giáo viên toàn tỉnh đồng loạt khai giảng. Duy nhất Trường Dân tộc nội trú THCS Con Cuông phải chuyển địa điểm sau đợt lũ sẽ khai giảng sau.

Tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu, từ 6h, hơn 1.200 học sinh trong trang phục áo dài và sơ mi trắng tới trường dự lễ. Trần Ngọc Ánh, lớp 11C4,  THTP chuyên Phan Bội Châu cho hay, lo lắng lớn nhất của em và nhiều bạn là vừa qua có một số tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia. “Em mong muốn ngành giáo dục khắc phục tiêu cực này để học sinh yên tâm”, Ánh nói.

Trong nghi thức khai giảng, thầy hiệu trưởng Ngô Sỹ Thủy đọc thư của Chủ tịch nước, thông báo năm học mới nhà trường đón 450 em học sinh khối 10. 2017-2018 là năm học tự hào của trường khi kết quả học sinh giỏi quốc gia nằm trong top 3 cả nước, nhiều em đạt huy chương vàng, bạc tại các kỳ thi quốc tế.

Đánh trống khai trường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn mong muốn trường THPT Phan Bội Châu phát huy hơn nữa thành tích đã đạt được trong các năm trước để giành nhiều kết quả cao trong năm học mới...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai trường

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 8
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng ở trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Giang Huy

Phát biểu tại trường THPT Chu Văn An, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao truyền thống và thành tích mà thầy và trò nhà trường đã đạt được trong 110 năm qua. Ông nhấn mạnh giáo dục là nền tảng của sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, quyết định tương lai vận mệnh của dân tộc. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của giáo dục đào tạo, Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển.

Theo Chủ tịch nước, năm học 2018-2019 có ý nghĩa quan trọng với ngành giáo dục trong việc tiếp tục triển khai đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

“Phát huy kết quả và những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, nhà trường cần phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ các thầy dạy bảo tốt, các cháu học tập tốt, mọi người lao động tốt. Cả trường đoàn kết tốt”, ông Quang nói.

Chủ tịch nước đánh trống và thả bóng trong lễ khai giảng. Video: Dương Tâm

Quảng Ngãi có 287.600 học sinh khai giảng năm học mới

Ngay từ sáng sớm, 412 học sinh của trường Tiểu học Sơn Ba (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) háo hức đến trường để tham dự lễ khai giảng năm học mới. Năm học này, trường được đầu tư xây mới 10 phòng học và 6 phòng bán trú cho học sinh với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng. Đây là trường học của bé tí hon Đinh Văn K'Rể nhưng do ba đi làm xa nên cậu không kịp đến dự lễ khai giảng.

Trước lễ khai giảng, Sở Giáo dục đã tổ chức 4 đoàn công tác đến các trường để kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới, trong đó chú trọng kiểm tra về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; cảnh quan môi trường; sắp xếp đội ngũ cán bộ giáo viên đảm bảo các quy định về định mức số lượng giáo viên trên mỗi lớp đối với các cấp học... 

Theo đánh giá của các đoàn sau khi kiểm tra, nhìn chung hầu hết các trường đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng. Năm học này, ngành giáo dục tỉnh tập trung sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập, tiếp tục phân luồng sau THCS và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT. 

Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã có 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, 183/184 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, 14/14 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 9

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 10
Học sinh huyện miền núi Quảng Ngãi ngày khai giảng. Ảnh: Phạm Linh.

Học sinh Hà Nội hát Quốc ca  

Video: Dương Tâm

Học sinh trường cổ Cần Thơ học tạm tại trung tâm giáo dục thường xuyên

Sáng nay, tại Cần Thơ có mưa sớm, tuy nhiên đã tạnh trước 6h30. Tại trường THPT Châu Văn Liêm, năm nay 1.600 học sinh bước vào năm học mới. Do trường cũ hơn 100 năm đang được tháo dỡ xây dựng mới chưa xong nên học sinh phải học tạm tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ninh Kiều. Với điều kiện sân trường chật hẹp, trường chỉ tổ chức cho học sinh 14 lớp khối 10 dự lễ khai giảng. Các khối lớp 11 và 12 cử đại diện học sinh đến dự lễ.

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 11
Học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm ở Cần Thơ ngày khai giảng. Ảnh: Cửu Long.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ võ Thành Thống đến dự, đọc thư của Chủ tịch nước và chúc mừng toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh trường Châu Văn Liêm. 

Cô Trần Thị Lụa - Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm ôn lại truyền thống hình thành phát triển nhà trường. Đây là cái nôi đào tạo nhân tài, nhiều lãnh đạo các cấp có đóng góp nhiều cho công cuộc đổi mới xây dựng phát triển đất nước. Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm nhắn nhủ học sinh phải có lý tưởng sống đẹp, cố gắng học tập vì tương lai chính mình, đóng góp xây dựng quê hương đất nước. 

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 12
Các cựu học sinh lớp 12 trường THPT Châu Văn Liêm ở Cần Thơ đỗ thủ khoa các ngành đại học trong kỳ tuyển sinh vừa qua về trường cũ dự lễ khai giảng và được vinh danh. Ảnh: Cửu Long.

Cần Thơ có hơn 236.000 học sinh các cấp bước vào năm học mới 2018-2019. Trong đó, có hơn 39.200 trẻ mầm non, mẫu giáo; hơn 98.300 học sinh tiểu học và hơn 99.350 học sinh THCS, THPT. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên toàn thành phố là 14.124 người.

Nhiều trường ở Thanh Hóa phải khai giảng gộp ba cấp

Lễ khai giảng ở nhiều khu vực của Thanh Hóa bị xáo trộn do mưa lũ phá hủy trường học. Trường Tiểu học Trung Sơn (Quan Hóa) hôm nay vẫn khai giảng theo đúng kế hoạch song gộp chung với trường THCS, Mầm non và được tổ chức chung ở hội trường của UBND xã. Cơn lũ chiều 30/8 đã khiến ngôi trường bên sườn đồi gần như bị xóa sổ. Khu nhà 6 phòng học khang trang bị đổ sập, vùi lấp cùng nhiều đồ dùng học tập, trang thiết bị. Ngôi nhà hai tầng còn lại cũng sập một phần, không có khả năng sử dụng.

Thầy Hắc Xuân Phúc, Hiệu trường trường Tiểu học Trung Sơn cho hay, trường có 315 học sinh, trong đó điểm chính là hơn 260 em. Do không còn phòng học nên sau ngày khai giảng, nhà trường sẽ phải mượn khu nhà điều hành của đơn vị thi công Nhà máy thủy điện Trung Sơn tổ chức dạy học tạm một thời gian.

"Chưa biết khi nào mới có trường mới", thầy Phúc nói và cho hay hầu hết giáo viên công tác ở trường xa nhà, chủ yếu ở lại trường nhưng giờ khu nhà nội trú cũng bị hư hại nên trước mắt thầy cô sẽ ở trọ trong nhà dân. 

Các trường học tại xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát cũng chung hoàn cảnh. Thầy Hoàng Lê Thành, Hiệu trưởng Tiểu học Tam Chung cho biết, toàn bộ khu nhà hiệu bộ của nhà trường bị ngập trong bùn đất, thư viện với tất cả sách vở, tài liệu, giáo án cũng bị ngập trong bùn. Các điểm trường lẻ thuộc Tiểu học Tam Chung đều bị ảnh hưởng bởi trận lũ, trong đó điểm trường Suối Phái bị nặng nhất, bùn ở đây vẫn còn ngập 1/2 khu nhà. 

Hôm nay, nhiều điểm trường lẻ ở xã Tam Chung không khai giảng.

Hơn 1,6 triệu học sinh TP HCM vào năm học mới

Sáng 5/9, thời tiết tại TP HCM dịu mát. Trên các tuyến đường đổ về trường học, hàng nghìn phụ huynh đưa con em đi khai giảng, nhiều học sinh tự đi bằng xe đạp hoặc xe buýt. 

Tại trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), gần 2.700 học sinh tại 64 lớp khẩn trương xếp hàng, chuẩn bị cho lễ khai giảng. Nhiều em tranh thủ tụ tập thành nhóm, chuyện trò hoặc trao đổi bài vở. "Năm nay em bước vào lớp 12 nên có nhiều lo lắng cho kỳ thi THTP quốc gia sắp tới. Em mong việc thi cử sẽ ổn định", Nguyễn Thị Thanh Hà (học sinh lớp 12) nói.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều lãnh đạo thành phố đến dự khai giảng tại điểm trường này.

Là trường có xuất phát điểm khó khăn với cơ sở hạ tầng chật hẹp, trang thiết bị thiếu thốn song trường THPT Gia Định có sự phát triển mạnh. Niềm vui lớn của tập thể trường là nhiều năm gần đây, THPT Gia Định được nằm trong top 200 trường có điểm tuyển sinh đại học cao nhất cả nước.

"Năm mới, tôi mong thầy cô ở trường luôn giữ được nhiệt huyết, yêu nghề, luôn sáng tạo đổi mới trong cách dạy vì học trò. Với các em, thầy cô mong trò luôn nuôi dưỡng hoài bão, ý chí và có khát vọng vươn lên", cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân (Phó hiệu trưởng THPT Gia Định) chia sẻ.

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 13
Nữ sinh trò chuyện trong lễ khai giảng. Ảnh: Mạnh Tùng

Năm nay, TP HCM có 1,67 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến THPT và giáo dục thường xuyên (tăng 67.000 em), trong đó bậc mầm non tăng hơn 20.000, tiểu học hơn 26.000. Tổng số giáo viên gần 80.000, công tác tại 2.260 trường học.

Mục tiêu năm học mới của TP HCM là xây dựng được các trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ thiết bị dạy học thiết yếu với nhiều phòng học thông minh, đa năng, nhà thể chất. Hệ thống thông tin, quản lý giáo dục theo mô hình quản trị trường học hiện đại.

Học sinh sẽ từng bước được học và hoạt động cả ngày tại trường, có thể học mọi lúc mọi nơi với các ứng dụng công nghệ thông tin. Thành phố sẽ tiếp tục theo chủ trương học sinh phải được học một trong những bộ sách giáo khoa tốt nhất theo chương trình khung của Bộ Giáo dục, có tính đặc thù địa phương.

Trong khi đó, UBND TP HCM yêu cầu các sở ngành, quận huyện tập trung nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục trong năm học này là "đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực". Đây là động lực quan trọng để thành phố phát triển bền vững, đến năm 2030 hệ thống giáo dục phải hiện đại hóa, hội nhập khu vực.

Học sinh tiểu học Đồng Nai không còn học ca ba

Tại trường tiểu học Trảng Dài, TP Biên Hòa, trong tiết trời mát mẻ, từ sáng sớm các em học sinh được cha mẹ đưa đến trường với niềm hân hoan, vui vẻ. Trường Trảng Dài là một trong những trường "nổi tiếng" với tình trạng học ca 3. Tuy nhiên, hai năm nay với việc đầu tư xây dựng mới trường lớp ở địa phương đã giúp các em học sinh không còn học buổi trưa. Năm nay nhà trường có 6.000 học sinh với 129 lớp, trong đó có 37 lớp 1.

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 14
Học sinh lớp 1 trường tiểu học Trảng Dài trong ngày khai giảng sáng nay. Ảnh: Phước Tuấn.

Theo cô Vũ Thị Hằng, Hiệu phó trường tiểu học Trảng Dài, năm nay có thêm cơ sở mới nhưng nhà trường vẫn phải mượn 6 phòng học của trường THCS Trảng Dài mới đủ. "Không còn học ca ba là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của chính quyền cũng như ngành giáo dục thành phố. Tuy nhiên tỷ số lớp vẫn còn đông khi trung bình 50 em mỗi lớp", cô Hằng nói.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, toàn tỉnh có 720.000 học sinh bước vào năm học mới. So với năm trước, số học sinh tăng thêm hơn 20.000 em, chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Trong đó TP Biên Hòa có số lượng học sinh cao nhất tỉnh, gần 10.000 em, chiếm gần 50%.

Năm học mới 2018-2019, toàn tỉnh Đồng Nai có 30 công trình trường học mới được đưa vào sử dụng, với 227 phòng học và các hạng mục chức năng khác với tổng kinh phí trên 510 tỷ đồng. Trong đó, 12 công trình được khánh thành đúng vào dịp khai giảng năm học mới, với 126 phòng học và các hạng mục chức năng. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư thêm gần 140 tỷ đồng sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị giảng dạy cho các trường.

Học sinh lớp 1 được chào đón ở Đà Nẵng

Sáng nay Đà Năng nắng nhẹ. Hơn 500 học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Phù Đổng đội mũ bảo hiểm, cầm lá cờ Tổ quốc, được các anh chị khối lớp 4, 5 chào đón vào trường bằng nhưng chàng pháo tay. Nhiều em nhỏ đi chưa theo hàng lối, mặt còn ngái ngủ.

Kết thúc nghi thức đón học sinh mới, đại diện lớp 4, 5 đã tặng hoa cho 12 em nhỏ của 12 khối lớp 1. Năm nay trường Phù Đổng được Phó thủ tướng thường trực Trương Hoa Bình đến dự và đánh trống khai trường.

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 15
Học sinh lớp 1 trường Phù Đổng. Ảnh: Nguyễn Đông
Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 16
Học sinh làm lễ chào cờ. Ảnh: Nguyễn Đông

Chủ tịch nước dự lễ khai giảng tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) 

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 17
Chủ tịch nước Trần Đại Quang giơ tay chào thầy và trò trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Giang Huy

Đúng 7h20, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có mặt tại trường THPT Chu Văn An để dự lễ khai giảng. Trong tiết trời nắng ráo, hơn 1.000 học sinh trường chào đón năm học mới. Đặng Nhật Minh (học sinh lớp 12 chuyên Hóa) chia sẻ dù đây là lần khai giảng thứ 12, cảm xúc trong em rất khác bởi nhà trường được đón những vị khách đặc biệt. “Đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời em”, Minh nói. 

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 18
Thầy và trò trường THPT Chu Văn An dự lễ khai giảng. Ảnh: Giang Huy

Học sinh Chu Văn An chia sẻ trong ngày khai giảng. Video: Dương Tâm

Bốn trường lùi khai giảng do mưa lũ

Sáng 5/9, hơn 21,9 triệu học sinh cả nước từ mầm non đến THPT bước vào năm học mới 2018-2019. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng phải được tổ chức ngắn gọn, hướng đến học sinh, nên hầu hết trường lựa chọn khung giờ 7h30 đến 9h30.

Thời tiết cả nước tạnh ráo, thuận tiện cho thầy và trò dự lễ. Tuy nhiên, ba trường ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) và một trường ở huyện Con Cuông (Nghệ An) phải lùi lễ khai giảng do trường học bị mưa lũ tàn phá, đường đến trường bị chia cắt. Ngoài ra, còn ba trường ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) và một điểm lẻ ở xã Phúc Sạn (Mai Châu, Hòa Bình) học sinh phải đi khai giảng nhờ địa điểm khác do đường chưa thông tuyến sau mưa lũ. 

Trước đó từ ngày 29/8 đến 3/9, do ảnh hưởng kết hợp của rãnh áp thấp và vùng xoáy thấp, miền Bắc và hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to, gây ngập lụt ở nhiều nơi. Các huyện miền núi bị lũ quét và sạt lở đất tàn phá. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Thầy cô bình tĩnh trước thách thức của đổi mới"

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định có 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp cần thực hiện, trong đó có quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục từ mầm non đại học; phát triển đội ngũ giáo viên; kiên cố hóa trường lớp và đẩy mạnh tự chủ đại học...

Ở nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục quy định các chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn cách tổ chức để địa phương thực hiện. Quan điểm thực hiện là chú trọng tính khoa học, hợp lý trong sắp xếp, tránh tình trạng làm máy móc. 

Nhiệm vụ phát triển đội ngũ được xác định là mấu chốt thành bại của đổi mới giáo dục. Do đó, trước thềm năm học mới, Bộ đã ban hành Thông tư về chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng. "Đây là bước tiến rất lớn vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên và đội ngũ quản lý giáo dục thì việc đầu tiên là phải sửa các chuẩn", ông Nhạ nói và cho biết các chuẩn này đều được lấy ý kiến nhiều vòng từ giáo viên trong nước và chuyên gia nước ngoài.

Gần 22 triệu học sinh bước vào năm học mới - 19
Học sinh tham dự lễ khai giảng năm học mới 2015-2016. Ảnh: Quỳnh Trang.

Căn cứ vào lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo lại đội ngũ này. Hiện nay, Bộ đánh giá bước đầu các cán bộ, giáo viên đã rất quan tâm, tự soi, sửa để tự học và phát triển. 

"Chương trình dù rất tốt, giáo viên dù được bồi dưỡng, nhưng điều kiện để thực hiện chương trình, đặc biệt với cấp tiểu học không đủ 2 buổi/ngày thì thời lượng để thầy cô truyền tải, tổ chức dạy học sẽ rất khó khăn", ông Nhạ nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ kiên cố hóa trường lớp, cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trước thềm khai giảng, nhiều trường học ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng về cơ sở vật chất do mưa lũ. Bộ trưởng Giáo dục đã lên Sơn La (ngày 1/9) và phân công lãnh đạo Bộ làm việc với địa phương, động viên thầy cô, học sinh vượt qua khó khăn.

Nhắn nhủ với thầy cô trước năm học mới, Bộ trưởng Nhạ nói: "Trước khó khăn, thách thức của đổi mới, các thầy cô hết sức bình tĩnh để cùng toàn ngành vượt qua. Tôi tin rằng các thầy cô với sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm sẽ thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình".

Với học sinh, Bộ trưởng chúc các em chăm ngoan, học giỏi và có một năm thành công dù đối mặt với nhiều nhiệm vụ học tập, định hướng đổi mới và nhiều cơ hội phía trước. Ông đồng thời mong phụ huynh cùng đồng hành để nhà trường - gia đình - xã hội kết hợp hài hòa và tạo ra hệ sinh thái tốt cho phát triển giáo dục.

Theo Ban Thời Sự (VnExpress.net)