Xã hội

Học cách 'thắt cổ nhưng vẫn sống' theo Youtube, bé trai 7 tuổi suýt mất mạng

Nhập viện trong tình trạng hôn mê vì học theo trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" như trên YouTube, một bé trai 7 tuổi tại TP.HCM suýt mất mạng.

Học cách 'thắt cổ nhưng vẫn sống' theo Youtube, bé trai 7 tuổi suýt mất mạng
Bé trai được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 

Thông tin từ gia đình, khi phát hiện sự việc, bé đang trong tình trạng thắt cổ bằng khăn quàng đỏ, treo trên dây phơi của gia đình, mặt mũi tím tái, tiểu không tự chủ, hôn mê. 

Sau khi được các y bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu, cháu bé đã tỉnh lại và kể toàn bộ sự việc với gia đình. 

Theo đó, cháu hay xem những trò ma, ảo thuật trên YouTube. Trong đó có trò hướng dẫn cách thắt cổ, nhưng dù thắt cổ xong những nhân vật trên YouTube vẫn thở, vẫn sống được nên cháu làm theo. Rất may cháu bé được gia đình phát hiện và cứu sống kịp thời.

Mẹ cháu bé cũng chia sẻ cháu rất thích xem điện thoại nên mẹ thường cho cháu cầm điện thoại chơi nhiều giờ mỗi ngày. Chị thừa nhận gia đình không kiểm soát được những nội dung cháu xem trên điện thoại. Thi thoảng thấy cháu xem các chương trình có tính bạo lực trên YouTube, gia đình có nhắc nhở nhưng cháu vẫn tiếp tục xem.

Bác sĩ Huỳnh Thị Diễm Kiều, phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh viện cũng từng tiếp nhận một cháu bé bắt chước hành động của siêu nhân nhện mà cháu đã xem. Cháu đã đập tay thật mạnh vào kính làm tay bị đứt mạch máu.

BS Diễm Kiều cũng chia sẻ hiện nay rất nhiều trẻ em mê xem nội dung trên các thiết bị điện tử. Con chưa phân biệt được cái gì là thật, cái gì là giả, do vậy, các bậc cha mẹ nên kiểm soát các nội dung mà trẻ xem.

Bác sĩ Phạm Minh Triết, nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trẻ 7 tuổi thường không có đủ ý thức để phân biệt những tình huống trẻ đọc hoặc xem được là giả hay thật.

Những trẻ xem nhiều chương trình bạo lực thì có nhiều khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn hơn những trẻ ít hoặc không xem chương trình bạo lực. Nguy cơ này càng tăng cao nếu trẻ sống trong môi trường có những người xung quanh sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn.

Bác sĩ Triết khuyên các bậc phụ huynh cần cho trẻ hạn chế thời gian tiếp xúc màn hình một mình ít hơn 2 giờ/ngày. Các bậc phụ huynh nên sắp xếp để tương tác đồng thời kiểm soát nội dung trẻ đang theo dõi cho phù hợp.

Các bậc phụ huynh cũng cần học những kỹ năng dạy con tích cực, không sử dụng bạo lực với trẻ mỗi khi trẻ không nghe lời để đạt được hiệu quả dạy trẻ như mong muốn.

Hiền Lê (Nguoiduatin.vn)