Xã hội

Hành vi đê tiện nhưng phạt cao nhất chỉ 300.000 đồng

Theo luật sư, người đàn ông sàm sỡ, cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy chỉ có thể bị phạt hành chính tối đa 300.000 đồng. Chế tài xử lý hành vi quấy rối tình dục còn nhiều hạn chế.

Gần đây, nhiều vụ quấy rối, sàm sỡ nữ giới liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, người gây hành vi chỉ bị xử lý hành chính, kiểm điểm hoặc xin thôi công tác. Điều đó khiến dư luận băn khoăn, bức xúc. Không ít người đặt câu hỏi, liệu kẻ đồi bại đó có bị xử lý hình sự?

Đầu tháng 3, một số phụ huynh tố thầy Dương Trọng Minh (chủ nhiệm lớp 5, trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang) có hành vi dâm ô như véo mông, véo mũi, sờ vào vùng nhạy cảm của hơn 10 học sinh nữ.

Vào cuộc xác minh, công an sở tại kết luận nam giáo viên này chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số học sinh của lớp 5A trong trường, không có hành động nào khác.

Mới đây, nữ sinh tên Yến (20 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) vào thang máy để lên căn hộ tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) thì bị một người đàn ông không quen biết buông lời tán tỉnh, xin số điện thoại.

Bị cô gái từ chối, gã này đã dồn nữ sinh vào góc, ôm rồi cưỡng hôn, sàm sỡ. Sau khi sự việc xảy ra, nạn nhân đã trình báo tại công an.

Chưa thể khép vào tội danh nào

Nhìn nhận về các sự vụ như trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Công ty luật Hoàng Sa, Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng hành vi quấy rối, sàm sỡ người khác là điều dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống.

Hành vi đê tiện nhưng phạt cao nhất chỉ 300.000 đồng
Luật sư Hoàng Trọng Giáp.

Những người dễ trở thành nạn nhân của hiện tượng này gồm nữ phục vụ quán bia, nhân viên quán hát, nữ sinh đi xe buýt...

“Đó là những thói hư, tật xấu đáng lên án”, luật sư Giáp nói và nhấn mạnh, để hành vi quấy rối không còn tồn tại, pháp luật hiện hành cần ban hành những quy định cụ thể hơn trong việc xử lý hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục.

Theo luật sư, cơ quan chức năng hiện rất khó xử lý nghiêm các hành vi nếu chỉ dừng lại ở mức độ sàm sỡ, quấy rối. Đặc biệt nếu người tố cáo trên 16 tuổi và người bị tố cáo chỉ dừng lại ở mức độ động chạm thân thể.

Theo Bộ luật Hình sự, hành vi quấy rối tình dục đối với người trên 16 tuổi chưa thể khép vào tội danh nào để xử lý khi người bị tố cáo chưa thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân.

Đối với tội hiếp dâm, cơ quan chức năng cần xác định tinh trùng, tinh dịch và các vết tích của người thực hiện hành vi phạm tội ở cơ thể bị hại, thì mới có căn cứ để quy tội.

Khác với những bằng chứng của tội hiếp dâm, việc tìm chứng cứ cho hành vi quấy rối tình dục gặp nhiều khó khăn hơn và thường không rõ ràng nên chưa thể đưa vào luật để xử lý hình sự.

"Dù biết đó là vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, nhưng trên phương diện pháp luật, chúng ta khó có thể xử lý triệt để", luật sư nhấn mạnh.

Trường hợp nạn nhân dưới 16 tuổi, pháp luật có phần rõ ràng hơn khi quy định các hành vi động chạm nhằm kích thích thân thể, quan hệ tình dục bằng tay hay các hành động mang tính gần gũi quá mức khác, đều bị khép vào tội dâm ô. Người phạm tội này đối diện mức án 7 năm đến 12 năm tù giam.

Mức phạt không đủ sức răn đe

Theo luật sư, nhiều nước trên thế giới quy định hành vi quấy rối tình dục, chỉ cần bằng lời nói đã đủ để khởi tố. Trái lại, các chế tài xử lý quấy rối tình dục ở Việt Nam còn chưa rõ ràng. Nguyên nhân do khó tìm ra bằng chứng, chứng cứ.

Các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục cũng phải cần xác định nạn nhân bị xâm hại ở mức độ nào, thiệt hại ra sao mới có thể xử lý. Nếu không chứng minh được thiệt hại thì không có căn cứ truy cứu hình sự. Đó là nguyên nhân khiến việc xử lý hành vi quấy rối tình dục chưa tồn tại trong Bộ luật Hình sự.

Hành vi đê tiện nhưng phạt cao nhất chỉ 300.000 đồng - 1
Vết thương để lại trên thân thể cô gái sau vụ cưỡng hôn trong thang máy. Ảnh: NVCC.

Luật sư Giáp phân tích, người từng bị dâm ô ngoài những chấn thương về thân thể phải chịu đựng (nếu có), họ còn mang theo nỗi ám ảnh, sợ hãi trong thời gian dài.

Với nữ sinh 20 tuổi bị cưỡng hôn trong thang máy, nạn nhân thường chọn cách lảng tránh, không dám lên tiếng bởi ngại dư luận, sợ kẻ xấu trả thù.

Theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ, nếu người bị sàm sỡ, quấy rối trên 16 tuổi thì người bị tố cáo chỉ phải chịu mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nếu có lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

"Như vậy, mức phạt cho hành vi quấy rối tình dục chỉ bằng khoản tiền xử phạt hành chính các lỗi vi phạm giao thông nhẹ của xe máy", luật sư ví von.

Mức phạt chưa đủ răn đe so với những gì nạn nhân phai hứng chịu là chưa tương xứng. Điều này cũng không đủ ngăn chặn kẻ đồi bại tái phạm.

Ông Giáp nêu quan điểm, để quấy rối tình dục không còn là vấn nạn của xã hội, pháp luật cần phải nâng mức phạt và điều chỉnh khắt khe, cụ thể hơn các quy định, chế tài xử lý hành vi này.

Theo Quang Huy (Tri Thức Trực Tuyến)