Xã hội

Hành trình 30 năm tìm người thân thất lạc vì bị "trao nhầm" ở nhà hộ sinh

Thời điểm hiện tại dù không chia sẻ rộng rãi câu chuyện của mình nhưng chị Lê Thanh Hiền vẫn âm thầm đi tìm kiếm bố mẹ ruột của mình bị thất lạc do bị "trao nhầm" ở nhà hộ sinh năm xưa.

Thời điểm gia đình chị Tạ Thị Thu Trang đón nhận niềm vui tìm lại đúng người thân, thì chị Lê Thanh Hiền (SN 12/12/1987, xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn đang mòn mỏi trong hành trình đi tìm lại ruột thịt của mình. Chị cũng bị "trao nhầm" tại nhà hộ sinh quận Đống Đa vào 30 năm trước.

Tâm sự với chúng tôi khi tin vui về gia đình chị Trang được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị Hiền gửi lời chúc mừng tới người cũng có chung hoàn cảnh bị "trao nhầm" như mình nhưng lại có được sự may mắn hơn.

"Hiện tại tôi vẫn chưa có kết quả cho hành trình tìm kiếm người thân ruột thịt của mình. Nhà chị Trang đoàn tụ, tôi cảm thấy vui lây cho họ. Tôi cũng mong mỏi từng ngày từng giờ, đi đâu cũng cầu gặp được bố mẹ ruột nhưng có lẽ nhân duyên chưa tới nên tôi chưa tìm được người thân", chị Hiền tâm sự.

Hành trình 30 năm tìm người thân thất lạc vì bị "trao nhầm" ở nhà hộ sinh
Chị Hiền và người mẹ Phan Thị Tuyết Hoa đã nuôi dưỡng, giáo dục chị trong suốt 30 năm qua

Chị Hiền cũng chia sẻ thêm, dù thời gian gần đây cá nhân chị không chia sẻ gì trên các phương tiện truyền thông về câu chuyện "trao nhầm" năm xưa của mình, nhưng chị vẫn âm thầm tìm kiếm bố mẹ ruột và hi vọng ngày đoàn viên.

Theo chị Hiền, sở dĩ chị không chia sẻ thêm nhiều vì chị không muốn cuộc sống của gia đình bị xáo trộn, không muốn bố mẹ, những người nuôi dưỡng và giáo dục mình suốt 30 năm qua phải buồn lòng.

"Cách đây 1 năm khi báo chí, mạng xã hội thông tin, dù bố mẹ và mọi người luôn ủng hộ việc tôi tìm bố mẹ ruột, nhưng tôi biết họ cũng buồn lắm. Đó là chưa kể ông bà tôi giờ cũng đã cao tuổi, mọi người rất yêu thương tôi, nên tôi không muốn họ phải buồn vì chuyện của mình", chị Hiền nói.

Theo chia sẻ của chị Hiền, một năm qua trong hành trình âm thầm tìm kiếm bố mẹ ruột, chị trải qua không ít những niềm vui, nhưng xem lẫn đó vẫn có những câu chuyện buồn.

Hành trình 30 năm tìm người thân thất lạc vì bị "trao nhầm" ở nhà hộ sinh - 1
Thời điểm hiện tại dù không chia sẻ rộng rãi câu chuyện của mình nhưng chị Hiền vẫn âm thầm đi tìm kiếm bố mẹ ruột

Chị vui vì có nhiều người giúp đỡ mình, vui vì khi biết chuyện của mình, nhiều người sẵn sàng đến để chia sẻ và gặp gỡ với hy vọng tìm được người thân. Nhưng chỉ tiếc là kết quả xét nghiệm AND đều chưa như chị mong muốn.

Chị buồn vì có những kẻ lấy nỗi đau của người khác là trò mua vui, thậm chí lừa đảo chị.

"Cũng có những người ở TP.HCM gọi điện tới nhận đưa ra những chứng cứ để chứng minh tôi và họ là ruột thịt và họ muốn gặp tôi với mục đích tìm ra sự thật.

Nhận được thông tin đó, những người như tôi rất vui và tôi làm theo đề nghị của họ, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn và mong từng ngày gặp họ. Nhưng cuối cùng, nếu không có người thân, bạn bè bên cạnh, tôi đã bị những người ấy lừa.

Đến ngày, cả nhà ra khách sạn chờ đợi giây phút gặp gỡ thì không thể liên lạc được với họ. Sau những lần như vậy tôi cảm thấy mất lòng tin. Không ngờ trong xã hội vẫn có những người lợi dụng nỗi đau, sự mất mát của người khác để trục lợi cho bản thân mình.

Nói về dự định trong thời gian tới, chị Hiền nhắc lại: "Tôi vẫn âm thầm tìm kiếm, không muốn cuộc sống gia đình bị xáo trộn. Phía trước con đường còn dài, hy vọng duyên sẽ đến và sớm gặp được bố mẹ đẻ của mình".

Và trong xã hội chúng ta đang sống vẫn còn đó, rất nhiều người con bị "trao nhầm" vẫn khát khao trong cuộc hành trình tìm ruột thịt; có những ông bố, bà mẹ vẫn mòn mỏi ngóng tin về đứa con mình đã đứt ruột đẻ ra nhưng chưa một lần được ẵm bế...

Như thông tin đã đưa, cách đây hơn 1 năm, chị Lê Thanh Hiền cũng chia sẻ câu chuyện "trao nhầm" ở nhà hộ sinh của mình. Chị Hiền cho biết, từ nhỏ, mọi người trong họ vẫn hay bông đùa chị là con nuôi bởi ngoại hình, tính cách khác so với các thành viên còn lại trong gia đình bà Phan Thị Tuyết Hoa. Những lần ấy, chị chỉ tủi thân chốc lát rồi quên.

Lấy chồng rồi sinh 2 con vào các năm 2007 và 2010, chị cho biết, trước khi lâm bồn, bệnh viện đều làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy chị thuộc nhóm máu B.

Trong một lần tình cờ nhìn sổ khám của bố, chị bất ngờ khi thấy ông mang nhóm máu O. Xâu chuỗi các câu chuyện từ lời trêu chọc thường nghe lúc nhỏ đến sự khác biệt trong nhóm máu, người phụ nữ này quyết định đi giám định ADN.

Ngày 5/5/2013, chị giấu cả nhà đến viện Khoa học hình sự - bộ Công an để làm các xét nghiệm.

3 ngày sau, khi lên đường đến nhận kết quả, chị có tâm trạng phấn chấn, mong rằng sẽ xóa đi sự hoài nghi của mọi người. Nhưng sự thật không như mong đợi, cầm kết quả trên tay với kết luận chị không phải con ruột của bố mẹ hiện tại, mọi thứ đều đổ sụp trước mặt người phụ nữ sinh năm 1987.

Theo Nguyễn Huệ (Nguoiduatin.vn)