Xã hội

Hàng trăm cán bộ nghỉ việc vì lương thấp: Thạc sĩ nhận lương thua... phụ hồ!

Thông tin hàng trăm cán bộ cấp cơ sở ở Hậu Giang xin nghỉ việc vì lương thấp đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Ngày 5/4, PV tới gặp một số cán bộ đã hoặc đang có ý định xin nghỉ việc, thấu hiểu những khó khăn thực sự mà họ gặp phải.

Thông tin hàng trăm cán bộ cấp cơ sở ở Hậu Giang xin nghỉ việc vì lương thấp đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Ngày 5/4, PV tới gặp một số cán bộ đã hoặc đang có ý định xin nghỉ việc, thấu hiểu những khó khăn thực sự mà họ gặp phải.

Thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) từ đầu năm đến nay có 44 cán bộ xin nghỉ việc, trong đó có một công chức, 43 người còn lại là cán bộ không chuyên trách, số đảng viên là 30 người.

 Lý do mà các cán bộ cấp cơ sở xin nghỉ việc đều nêu hoàn cảnh gia đình khó khăn

Lý do mà các cán bộ cấp cơ sở xin nghỉ việc đều nêu "hoàn cảnh gia đình khó khăn"

Ông Nguyễn Văn Ân - Trưởng phòng Nội vụ TP Vị Thanh - cho biết, trong số 44 người xin nghỉ việc thì xã Hoả Tiến chiếm đến 13 người. Tất cả đều nêu lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mức phụ cấp không đủ cho sinh hoạt hàng ngày.

“Thời gian qua, chúng tôi đã mời lãnh đạo các xã, phường lên yêu cầu báo cáo tình hình, đa số báo cáo do chế độ của anh em thấp, trợ cấp không đáp ứng được mức sống tối thiểu nên xin nghỉ đi làm việc khác. Vì theo quy định cấp phó bán chuyên trách chỉ được hưởng phụ cấp 0.95 của mức 1.250.000 đồng, trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội, còn lại 1.030.000 đồng.

Cán bộ chuyên trách thì được tính theo bằng cấp, theo hệ số lương, còn bán chuyên trách thì không được hưởng như thế. Ở địa bàn TP Vị Thanh có cán bộ là thạc sĩ nhưng hưởng chế độ bán chuyên trách nên được 1 triệu đồng/ tháng mà thời gian làm việc trong ngày, trách nhiệm đều giống cán bộ chuyên trách”, ông Ân cho biết.

Cũng trong chiều 5/4, phóng viên tìm về xã Vị Tân (TP Vị Thanh) - địa phương có nhiều cán bộ là lực lượng công an xã xin nghỉ việc. Ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Vị Tân - cho biết, thời gian qua do chế độ phụ cấp cho công an xã thấp nên 1 số công an viên xin nghỉ việc.

 Ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Vị Tân cho biết, nơi đây có nhiều cán bộ là công an xã xin nghỉ việc do phụ cấp thấp

Ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Vị Tân cho biết, nơi đây có nhiều cán bộ là công an xã xin nghỉ việc do phụ cấp thấp.

“Hiện tại một phó công an xã bán chuyên trách và công an viên, dân quân tự vệ ở xã được hưởng theo mức trợ cấp hàng tháng theo hệ số 0,70. Chính vì vậy, mức thu nhập của họ rất thấp, nếu không có phụ cấp 40.000 đồng tiền ăn trong ngày trực thì chắc chắn họ không sống nổi. Trách nhiệm của công an viên là cao trong khi thu nhập của họ có khi còn thấp hơn một anh bảo vệ, phụ hồ, hay một người lao động phổ thông khác”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình: “Thời gian qua, khi có cán bộ, nhân viên nào viết đơn xin nghỉ việc, lãnh đạo xã đều đến vận động tư tưởng để họ tiếp tục làm việc, nhưng do mức thu nhập quá thấp không đủ để trang trải cho cuộc sống nên họ vẫn kiên quyết nghỉ để tìm công việc khác có mức thu nhập khá hơn”, ông Bình nói.

Lương không đủ sống, không yên tâm công tác

Nhiều người ở xã Vị Tân, TP Vị Thanh biết đến anh Lâm Hoàng Sơn (28 tuổi) - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) xã Vị Tân bởi anh là người hiền lành, nhiệt tình, năng nổ trong công việc. Hoàn cảnh của anh Sơn rất khó khăn, cha mẹ không nghề nghiệp, không ruộng vườn, sống phụ thuộc vào quán nước nhỏ bên đường quê với mức thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày.

Nhà anh Sơn có 2 anh em trai, anh Sơn là con trai đầu, em trai năm nay 21 tuổi bị bệnh động kinh, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải có người chăm lo. “Nếu một bữa quên cho em trai uống thuốc ngủ, thuốc an thần thì đồ đạc trong nhà đều “đội nón” ra đi”, anh Sơn cho biết.

Anh Lâm Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch MTTQVN xã Vị Tân - chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn.

Anh Sơn là tình yêu thương, là niềm hy vọng lớn lao nhất của cả gia đình. Anh tham gia công tác ở xã được 7 năm và đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch MTTQVN xã Vị Tân khoảng 2 năm trở lại đây. Anh kể: “Công việc ở xã lúc nào cũng nhiều, đặc biệt là công tác mặt trận thì “trận nào cũng có”. Năm 2010, tôi công tác ở xã đội với mức thu nhập 450 nghìn đồng/tháng. Từ năm 2015 đến nay, tôi đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch MTTQ xã với mức thu nhập 1.030.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập này thì không đủ sống”, anh Sơn cho biết.

Cũng theo anh Sơn, hàng ngày anh phải chạy xe máy gần 10km để đi làm nên mỗi tháng chỉ tính tiền xăng cũng đã chi khoảng 400 nghìn đồng. “Dù là cán bộ không chuyên trách nhưng tôi vẫn làm việc như cán bộ chuyên trách. Nói thật tôi đi làm việc chủ yếu vì trách nhiệm chứ lương như thế này sao đủ sống. Nhà không ruộng đất, em trai lại bị bệnh động kinh. Tiền lương của tôi tháng nào mà có đám tiệc, hiếu hỉ thì coi như không còn dư đồng nào. Sắp tới có thể tôi sẽ nghỉ việc ở UBND xã để đi tìm việc khác, có thu nhập ổn định hơn để phụ cha mẹ nuôi em”, anh Sơn ngậm ngùi nói.

 Anh Lâm Hoàng Sơn cho biết, mỗi tháng chỉ lĩnh lương 1.030 ngàn đồng, nhưng riêng đổ xăng đi làm đã hết 400.000 đồng.

Anh Lâm Hoàng Sơn cho biết, mỗi tháng chỉ lĩnh lương 1.030 ngàn đồng, nhưng riêng đổ xăng đi làm đã hết 400.000 đồng.

Bà Huỳnh Thị Nguyên - mẹ của anh Sơn - tiếp lời con trai: “Bạn bè của thằng Sơn đi làm ở công ty, xí nghiệp mỗi tháng lĩnh ít nhất từ 4-5 triệu đồng. Còn thằng Sơn làm ở UBND mỗi tháng chỉ có hơn 1 triệu đồng. Lương tháng như thế nên đến bây giờ không dám yêu ai và cũng chả có ai yêu, vì nghèo quá!".

Chị Bùi Thị Tuyết Ngà, Phó Chủ tịch bán chuyên trách UBMTTQVN xã Tân Thành, huyện Phụng Hiệp bộc bạch: “Em lập gia đình, có một đứa con, hiện được hưởng phụ cấp 0.95 của mức 1.250.000 đồng, trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội, còn lại 1.030.000 đồng. Với mức thu nhập như vậy mà mỗi ngày phải làm việc như công chức, đảm bảo đúng giờ giấc theo quy chế nên không còn thời gian để chăm sóc con cái, gia đình”.

Cũng theo chị Ngà, do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên đành phải xin nghỉ để kiếm việc khác có mức thu nhập cao hơn. Chị Ngà cho biết đang xin việc ở một công ty được hứa hẹn sẽ có mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng.

Một trường hợp khác là anh Trang Thanh Long, sinh năm 1970, cũng ở xã Tân Thành, hiện là đảng ủy viên, cán bộ tổ chức Đảng và Nhà nước xã, thuộc diện cán bộ không chuyên trách.

Anh Long đang học đại học quản lý Nhà nước hệ vừa học vừa làm với hy vọng sau này được xét vào biên chế. Tuy nhiên, trước chủ trương cắt giảm biên chế hiện nay, hy vọng được xét biên chế hết sức mong manh nên anh đã xin nghỉ việc.

Ông Huỳnh Hoàng Anh, Chủ tịch UBMTTQVN xã Tân Thành, kiến nghị, cán bộ cơ sở là người truyền đạt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đến người dân, biến nghị quyết thành hành động nhưng mức lương không đủ sống nên cho dù lãnh đạo có động viên đến đâu thì họ cũng xin nghỉ.

"Mong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ các bộ ngành Trung ương tính lại cho cán bộ cơ sở, nếu không sẽ rất khó giữ chân cán bộ bán chuyên trách", ông Hoàng Anh nói.

Theo Phạm Tâm (Dân Trí)