Xã hội

Hàng chục ngôi nhà nứt toác, nhiều hộ phải dỡ bỏ nhà cạnh metro Nhổn-ga Hà Nội

Có 50 công trình xây dựng bị ảnh hưởng khi máy đào hầm TBM (thi công ga ngầm metro Nhổn-ga Hà Nội) bắt đầu hoạt động, trong đó có 7 hộ phải dỡ bỏ nhà, 43 hộ tạm cư.

Thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống xung quanh một số ga ngầm metro Nhổn-ga Hà Nội như ga S9, ga S11… phản ánh việc quá trình thi công ga ngầm đã gây lún, nứt nhà dân. Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội - chủ đầu tư dự án) đã có phản hồi về vấn đề này.

Hàng chục ngôi nhà nứt toác, nhiều hộ phải dỡ bỏ nhà cạnh metro Nhổn-ga Hà Nội
Ông Lê Hữu Đa (82 tuổi), nhà ở số 15 ngõ 51 phố Quốc Tử Giám (Đống Đa) chỉ phần tường bị nứt do ảnh hưởng từ công trình thi công gần đó

Theo đại diện MRB, việc thi công các ga ngầm của tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội trong vùng lõi đô thị Hà Nội, việc tổ chức triển khai dự án hết sức phức tạp do tuyến đi qua các khu đông dân cư, mật độ các tòa nhà hiện hữu lớn, rất nhiều tòa nhà đã được xây dựng từ lâu, chất lượng công trình đã xuống cấp, đặc biệt trong khu vực phần tuyến hầm và các nhà ga ngầm.

Trước khi tiến hành thi công hiện trường, dự án phải xây dựng kế hoạch hành động, quy trình quản lý, đánh giá, kiểm soát an toàn trước, trong và sau khi thi công, tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam, các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và kinh nghiệm quản lý của nhà thầu.

Dự án đã tiến hành khảo sát hiện trạng khoảng 3.000 công trình xây dựng nằm trong vùng ảnh hưởng, đánh giá rủi ro khi thi công. Toàn bộ các công trình này đều được thiết kế, lắp đặt hệ thống quan trắc thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thi công để kiểm soát an toàn. Bên cạnh đó, các nhà thầu tham gia thực hiện dự án bắt buộc phải mua bảo hiểm xây dựng công trình để đảm bảo chắc chắn các rủi ro nếu có sẽ được giải quyết.

"Trong quá trình quan trắc, theo dõi bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, kết hợp với việc cập nhật thông tin phản ánh của người dân, chính quyền địa phương, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, dự án ngay lập tức tạm dừng thi công tại khu vực đó, kích hoạt hệ thống an toàn, tiến hành khảo sát bổ sung, đánh giá phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý thông báo tới người dân, chính quyền địa phương để có hành động phù hợp, kịp thời" - đại diện MRB Hà Nội cho biết.

Thông qua kết quả quan trắc, khảo sát hiện trạng, dự án đã thống kê 50 công trình xây dựng bị ảnh hưởng khi máy đào hầm TBM bắt đầu hoạt động, trong đó có 7 hộ phải dỡ bỏ nhà, 43 hộ tạm cư. MRB đã xây dựng khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ, làm căn cứ thỏa thuận sử dụng đất trong thời gian thi công tuyến hầm.

Nêu thực trạng một số hộ dân cho rằng nhà của họ bị ảnh hưởng, nứt nhà như hộ dân tại địa chỉ số 431 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội (được xây dựng từ năm 1994), MRB Hà Nội cho hay tại thời điểm đó, dự án đã kiểm tra các số liệu quan trắc với kết quả nằm trong ngưỡng an toàn. Với các vết nứt do điều kiện bảo trì kém, ẩm thấp gây rỉ thép dẫn tới nứt vỡ, dự án đề xuất phương án sửa chữa và hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, chủ nhà yêu cầu nhà thầu phải xây lại nhà mới hoặc đền bù giá trị tương đương.

Đến tháng 11-2021 các số liệu quan trắc về độ lún của tòa nhà đã vượt ngưỡng an toàn cho phép. Dự án lập tức kích hoạt quy trình hệ thống đảm bảo an toàn cho tòa nhà. Đến nay, phía MRB Hà Nội và hộ gia đình vẫn đang trong quá trình làm việc về đền bù…

Còn như căn nhà của một hộ dân tại khu vực ga S11 Văn Miếu "tố" bị nứt nhà do thi công ga ngầm, MRB Hà Nội khẳng định quá trình quan trắc từ năm 2018 đến 2021 cho thấy việc thi công ga ngầm không ảnh hưởng đến tòa nhà này. Dù nguyên nhân không đến từ việc xây dựng nhà ga S11, nhưng dự án vẫn tiếp tục duy trì công tác quan trắc theo dõi và có báo cáo định kỳ, đồng thời hỗ trợ chi trả tiền tạm cư (5 triệu đồng/ tháng) trong thời gian từ 4-2021 đến 8-2021.

"Nếu gia đình vẫn chưa thấy thỏa mãn với kết luận trên thì MRB Hà Nội sẽ đề nghị gia đình và UBND phường Văn Chương mời đơn vị chuyên môn vào đánh giá độc lập. Kết quả kết luận nếu nguyên nhân đến từ thi công ga ngầm S11 và ống hầm của dự án metro Nhổn-ga Hà Nội thì chủ đầu tư sẽ chỉ đạo nhà thầu phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các chi phí có liên quan" - MRB Hà Nội khẳng định.

Trước đó, ngày 7-8, tại cuộc làm việc với TP Hà Nội và các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cuối năm 2022 phải hoàn thành đoạn trên cao; nghiên cứu giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm. Dự án khởi công năm 2010, dự kiến hoàn thành 2015. Tuy chậm tiến độ 7 năm, đến nay dự án mới đạt 75%. Tổng vốn đầu tư tăng gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34.000 tỉ đồng.

Dự kiến sau khi vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35 km/giờ; 8 đoàn tàu cùng hoạt động; một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm; một đoàn tàu cứu hộ. Dự án được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.

Theo B.H.Thanh (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/thoi-su/hang-chuc-ngoi-nha-nut-toac-nhieu-ho-phai-do-bo-nha-canh-metro-nhon-ga-ha-noi-20220820125823814.htm