Xã hội

Hà Nội yêu cầu 7.000 hiệu thuốc trên toàn địa bàn báo cáo người mua thuốc cảm, ho, sốt, khó thở để phòng chống Covid-19

Chính quyền Hà Nội yêu cầu Sở Y tế gửi thư thông báo cho 7.000 hiệu thuốc, rà soát tất cả trường hợp đến mua thuốc cảm, ho, sốt, khó thở thì phải yêu cầu khai báo y tế ngay lập tức, thông tin kịp thời cho trạm y tế phường để lấy mẫu xét nghiệm.

Trong buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Hà Nội chiều 13/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế phải rà soát, thông tin cho tất cả các bác sĩ, y tá, bệnh viện tư nhân, hiệu thuốc với các trường hợp đến mua thuốc cảm, ho, sốt, khó thở thì phải yêu cầu khai báo y tế ngay lập tức, thông tin kịp thời cho trạm y tế phường để lấy mẫu xét nghiệm.

Ông Chung nhấn mạnh đây là nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch. Nếu hiệu thuốc nào để sót trường hợp này phải xử lý theo đúng quy định pháp luật. Những trường hợp để lọt có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn. 

"Sở Y tế đã có kết nối với 7.000 cửa hàng thuốc này rồi, bây giờ hãy gửi thư thông báo cho họ", Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu tất cả phòng khám tư nhân, các trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, khi thấy có các bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì phải lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, không bỏ lọt trường hợp nào.

"Chúng ta đã khuyến cáo tất cả người dân có triệu chứng đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, nhưng khuyến cáo người dân cũng khó, vì họ không có chuyên môn. Bây giờ ràng buộc trách nhiệm của các cơ sở y tế, hiệu thuốc, bởi vì ít có bệnh, ít nhiều người dân sẽ tìm đến các cơ sở này", ông Chung nói và nhắc nhở thêm, "Nếu chúng ta cảnh giác quyết liệt hết thì tôi tin là chúng ta sẽ kiểm soát được lây nhiễm. Tập trung các nguồn nguy cơ cao chứ không phải bỏ sót các nguy cơ khác".

Hà Nội yêu cầu 7.000 hiệu thuốc trên toàn địa bàn báo cáo người mua thuốc cảm, ho, sốt, khó thở để phòng chống Covid-19
Ảnh minh họa

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc tự mua thuốc điều trị tình trạng cảm cúm tại các hiệu thuốc có thể làm mất dấu những người mắc Covid-19.

Điều đáng lo ngại là nếu có bệnh nhân mắc Covid-19 tự điều trị sẽ phát tán virus cho những người xung quanh. "Giải pháp cốt lõi để phát hiện sớm ca bệnh Covid-19 hiện nay là cần khuyến cáo người dân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính đến khám tại các cơ sở y tế để được làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Vì nhiều lý do khác nhau, trong trường hợp chưa đến ngay được cơ sở y tế, người dân cần thực hiện khai báo y tế để được tư vấn và hỗ trợ", bác sĩ Thái nói.

Đồng quan điểm, TS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho rằng việc khai báo y tế khi có biểu hiện ho, sốt trước khi tự ý đến hiệu thuốc mua thuốc là cần thiết. Người mắc Covid-19 đến mua thuốc và có thể khiến hiệu thuốc trở thành trung tâm truyền bệnh cho người khỏe mạnh.

Ngoài ra, theo bác sĩ Thái, diễn biến bệnh Covid-19 có thể chuyển nặng, không lường trước được.

"Việc tự điều trị bệnh tại nhà có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường về sức khỏe, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng. Bên cạnh đó, điều trị tại nhà khi không kiểm soát tốt việc phòng ngừa lây nhiễm có thể làm cho bệnh lây lan đến những người xung quanh. Thời kỳ đầu khi dịch xuất hiện ở Vũ Hán, nhiều trường hợp tự điều trị tại nhà đã làm dịch bệnh lan tràn và tăng tỷ lệ tử vong", chuyên gia cho hay.

Về thông tin sử dụng thuốc ho, hạ sốt có thể gây hiện tượng âm tính giả với SARS-CoV-2, TS Phạm Đức Hùng lý giải xét nghiệm sẽ tìm RNA (nguyên liệu) của virus trong hầu họng hoặc kháng thể phát hiện virus. Trường hợp không phát hiện được SARS-CoV-2 (âm tính giả) là do bộ xét nghiệm có vấn đề, không phải do thuốc ho, hạ sốt.

HP (Nguoiduatin.vn)