Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Hà Nội phong tỏa hai chợ đầu mối

Hà Nội đã phong toả tạm thời chợ Phùng Khoang, chợ đầu mối Minh Khai, khu vực bán hải sản chợ Long Biên để xét nghiệm truy vết sau khi có tiểu thương nhiễm Covid-19. Nguy cơ dịch tấn công vào các chợ dân sinh đang rất cao.

Sáng 2/8, đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm cho hay, quyết định phong tỏa tạm thời chợ đầu mối Minh Khai, 136 đường Cầu Diễn, được đưa ra vào đêm qua sau khi ngành y tế xác định một ca nghi nhiễm là hộ kinh doanh tại đây.

Chợ dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Các hộ kinh doanh tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có dấu hiệu bất thường như ho, sốt... phải báo ngay cho trạm y tế phường nơi cư trú.

Trước đó, vào hồi 17 giờ 40 phút ngày 31/7/2021, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Ban quản lý (BQL) chợ Minh Khai nhận được thông tin tại địa bàn chợ đầu mối Minh Khai có F0 đến mua hàng.

Trường hợp F0 này là: Bà N. T.M.C.. Giới tính: Nữ. Sinh năm 1971. Địa chỉ: Xóm Chùa – thôn Tháp Thượng- xã Song Phượng – Đan Phượng – Hà Nội.

Ngay khi nắm bắt được thông tin, UBND quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với bà N. T.M.C.

Ngày 31/7/2021, UBND quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo nhân điện viên phun khử khuẩn toàn bộ vị trí kinh doanh của các hộ trên, đồng thời yêu cầu toàn thể 4 hộ kinh doanh trên tạm thời nghỉ ở nhà cho đến khi có thông báo mới. Đêm 1/8/2021, UBND quận tiếp tục chỉ đạo truy vết tất cả các hộ kinh doanh xung quanh 4 hộ nêu trên và các hộ kinh doanh nấm tại chợ Minh Khai (Bà C. buôn bán nấm) nhưng không ghi nhận thêm hộ nào tiếp xúc, bán hàng cho bà C.

Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, đặc biệt là tại các chợ đầu mối, UBND quận tạm thời đóng cửa chợ đầu mối Minh Khai kể từ ngày 1/8/2021.

Chợ đầu mối Minh Khai rộng 30.000 m2 với gần 1.000 hộ kinh doanh. Mỗi ngày có khoảng 250 tấn nông sản, thực phẩm được vận chuyển đến đây từ một số huyện như: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn và tỉnh Vĩnh Phúc.

Hà Nội phong tỏa hai chợ đầu mối
Ảnh minh họa

Tại quận Nam Từ Liêm, ngày 1/8, chính quyền phong tỏa tạm thời chợ đầu mối và chợ dân sinh Phùng Khoang, phường Trung Văn, để lấy hơn 530 mẫu xét nghiệm cho tiểu thương.

Ca nghi nhiễm ở chợ Phùng Khoang là nữ, 39 tuổi, trú tại xã Tân Minh, huyện Thường Tín. Hàng ngày, chị lấy rau tại chợ Vồi, huyện Thường Tín lên bán tại chợ Phùng Khoang khoảng 4-8h. Ngày 27/7, chị đau lưng, mỏi người nên nghỉ ở nhà; đến ngày 30/7 thì sốt, ho. Chị đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp khám, làm test nhanh và PCR đều có kết quả dương tính.

Chợ Phùng Khoang gồm hai khu vực chợ đầu mối chuyên doanh hoa quả và chợ dân sinh bán quần áo, thực phẩm, diện tích hơn 13.500 m2 với gần 600 hộ kinh doanh.

Tại chợ đầu mối Long Biên, quận Ba Đình, đêm 1/8, khu vực bán hải sản bị phong tỏa tạm thời. Nhân viên y tế phun khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm 260 tiểu thương sau khi xác định một trường hợp dương tính với nCoV.

Ca nghi nhiễm là nữ, 32 tuổi, bán tôm, cá, thường xuyên lấy hàng ở chợ Tam Hiệp và chợ Long Biên. Ngày 31/7, chị được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho kết quả dương tính với nCoV, đã xét nghiệm khẳng định PCR.

Khu vực bán hải sản nằm tách biệt nên các khu vực khác ở chợ Long Biên vẫn hoạt động bình thường.

Chợ Long Biên, phường Phúc Xá, quận Ba Đình hình thành từ năm 1992, là một trong những chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, với tổng diện tích hơn 27.000 m2, chuyên buôn bán các loại hoa quả, nông sản, thủy sản.

Hà Nội phong tỏa hai chợ đầu mối - 1
Những người có liên quan tập trung đợi lấy mẫu xét nghiệm

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Q.Cầu Giấy ngày hôm qua cũng ra thông báo khẩn tìm người từng đến khu vực chợ Đồng Xa (P.Mai Dịch) trong thời gian từ 22 - 29/7 do liên quan Covid-19.

Đáng chú ý, cách đây 4 ngày, hôm 28/7, P.Hoàng Văn Thụ (Q.Hoàng Mai) đã tạm dừng hoạt động chợ đầu mối phía nam (trên địa bàn phường) vì xuất hiện ca nghi mắc Covid-19. Trường hợp nghi mắc Covid-19 là một người buôn bán trứng trong chợ đầu mối phía nam, quê H.Ứng Hoà, trú trên địa bàn P.Hoàng Văn Thụ.

Tối 26/7, người này có triệu chứng sốt kéo dài, người mệt mỏi. Ngày 27/7, người này đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn, được khám sàng lọc, xét nghiệm, cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Trong 14 ngày gần nhất, người này chỉ bán trứng ở chợ đầu mối rồi về nhà, không đi đâu, không ra khỏi Hà Nội và ở cùng chồng, 2 con và cháu ở ngách 15 ngõ Gốc Đề. Khu vực này đã tạm thời bị phong toả để phòng chống Covid-19.

Hiện Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa... Thành phố cũng bố trí 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Các phường của Hà Nội đã phát phiếu đi chợ cho người dân trên địa bàn, để đảm bảo giãn cách phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc các ca lây nhiễm Covid-19 là các tiểu thương tại chợ khiến nguy cơ lây nhiễm cộng đồng đang ở mức rất cao. Đặc biệt, do lượng người đến mua bán tại các chợ, nhất là chợ đầu mối nhiều, việc truy vết các ca liên quan cũng rất khó khăn.

Tổng số ca nhiễm của Hà Nội trong đợt dịch thứ tư là 1.292, trong đó 789 ca cộng đồng, 503 ca phát hiện trong khu cách ly.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)