Xã hội

Hà Nội lên tiếng về chỉ số chất lượng không khí ngưỡng ô nhiễm nguy hại

Sáng nay (30/9), trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh chia sẻ về nhiều khu vực ở Hà Nội có mức chỉ số chất lượng không khí AQI chuyển sang màu tím và nâu - mức nguy hại cho sức khoẻ con người. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TNMT) đã có phản hồi về vấn đề này.

Nhiều ngày nay, chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở ngưỡng xấu và kém ở cả 10 điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội duy trì màu cam (tức chất lượng không khí kém).

Sáng nay 30/9, chỉ số chất lượng không khí đã lên đến mức 288 chuyển sang màu tím tức nhóm nhạy cảm người già trẻ con và người bị bệnh hô hấp tránh ra ngoài. Những đối tượng khác hạn chế ra ngoài. Các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air, tất cả điểm quan trắc tại Hà Nội có chất lượng không khí AQI ở trên mức 170.

Mức chỉ số này gấp đôi chỉ số hôm qua ở mức 140. Chỉ số bụi mịn PM2.5 hôm nay tại Hà Nội là 238,4 µg/m3, cao gấp 10 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3).

Hà Nội lên tiếng về chỉ số chất lượng không khí ngưỡng ô nhiễm nguy hại
Hình ảnh Hà Nội đứng đầu về chỉ số ô nhiễm trên thế giới.

Trao đổi với PV, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội lý giải: Tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và vào những thời điểm chuyển mùa. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua.

Theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc của Sở TNMT Hà Nội, từ ngày 13/9/2019, chất lượng không khí của Hà Nội, ở nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức "kém", trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM 2.5.

Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội đề nghị người dân tham khảo các trang chính thức của cơ quan chức năng để biết chính xác chất lượng không khí trên địa bàn. Trong đó có các website của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội qua đường dẫn: http://tnmtnd.hanoi.gov.vn/; hoặc website: http://moitruongthudo.vn

Về khuyến cáo đối với người dân, Sở TN&MT Hà Nội khuyến cáo người dân ra đường mang theo khẩu trang, hạn chế tham gia giao thông vào giờ cao điểm, tránh các điểm đang tắc đường (có thể đi sớm hơn hoặc muộn hơn...).

Tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng; Các hộ dân không sử dụng bếp than tổ ong; Đối với các công trình xây dựng phải che chắn đúng quy định, thực hiện các biện pháp phun nước giảm bụi đúng quy định. Ở các vùng ngoại thành, không đốt rơm rạ trên cánh đồng.

Theo Trần Hoàng (Tiền Phong)