Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Hà Nội: Huyện Gia Lâm dừng dịch vụ bán hàng ăn uống tại chỗ

Sau khi xác định dịch ở cấp độ 3 (màu cam - nguy cơ cao), huyện Gia Lâm đã điều chỉnh biện pháp chống dịch, dừng ăn uống tại chỗ.

Hà Nội: Huyện Gia Lâm dừng dịch vụ bán hàng ăn uống tại chỗ
Từ 12h ngày 2.1, huyện Gia Lâm dừng bán hàng ăn uống tại chỗ. Ảnh: PV

UBND thành phố Hà Nội ngày 31.12 đã có thông báo về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Tuy nhiên, số lượng các quận, huyện và xã, phường nâng lên cấp độ 3 tiếp tục tăng lên so với tuần trước đó.

Hà Nội hiện có 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân.

Như vậy, quận Đống Đa được đánh giá "giảm nhiệt", chuyển từ "vùng cam" xuống "vàng". Trong khi đó, 3 quận, huyện tăng nguy cơ so với tuần trước là Thanh Trì, Thanh Xuân và Gia Lâm.

Trưa 1.1, huyện Gia Lâm có thông báo tạm dừng các hoạt động không cần thiết, dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang về.

Theo đó, từ 12h ngày 2.1, không tổ chức các hoạt động hội họp, không tổ chức liên hoan cuối năm, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.

- Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

- Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h00 hàng ngày.

- Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm; các cơ sở lưu trú hoạt động được phép hoạt động không quá 50% công suất.

- Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, có nguy cơ lây nhiễm cao như: Cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm tóc); trà đá vỉa hè, khu vui chơi, giải trí.

- Các trường Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế: Trung tâm Y tế chỉ đạo Trạm y tế xã, thị trấn và hướng dẫn UBND các xã, thị trấn khẩn trương cập nhật thông tin về tiêm chủng vaccine, kết quả xét nghiệm COVID-19, các trường hợp F0…

- Đối với UBND các xã, thị trấn, UBND huyện yêu cầu duy trì chế độ ứng trực thường xuyên, tăng cường hoạt động của các Tổ COVID cộng đồng. Bổ sung, điều chỉnh và có những biện pháp hành chính phù hợp đảm bảo khống chế dịch tốt, không để lây lan rộng.

 - Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, không tụ tập ăn uống và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định, thực hiện tiêm vaccine đầy đủ; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, kể từ 6h ngày 1.1, quận Đống Đa điều chỉnh các biện pháp thích ứng phòng chống dịch tương ứng cấp 2 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ. 14 phường ở cấp độ 2 sẽ được bán hàng ăn uống tại chỗ và nới lỏng các hoạt động phòng, chống dịch. 

Theo Phạm Đông (Lao Động)




https://laodong.vn/xa-hoi/ha-noi-huyen-gia-lam-dung-dich-vu-ban-hang-an-uong-tai-cho-990654.ldo