Xã hội

Hà Nội đứng đầu danh sách ô nhiễm không khí: Đẩy nhanh cấm xe máy ở nội đô

Chuyên gia Bùi Danh Liên cho rằng, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều đề án để cải thiện chất lượng không khí, trong đó phải kể đến các biện pháp về tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí.

Chuyên gia Bùi Danh Liên cho rằng, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều đề án để cải thiện chất lượng không khí, trong đó phải kể đến các biện pháp về tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí (mức kém và xấu) kéo dài nhiều ngày ở thủ đô Hà Nội, trao đổi với Lao Động, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, qua kết quả quan trắc mà các chuyên gia nêu ra, có thể thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã đến mức báo động. Điều này gây hại đến sức khỏe người dân, nhất là người có tiền sử bệnh hô hấp, tim mạch. 

Theo ông Bùi Danh Liên, hiện toàn Thủ đô đang có đến 6,6 triệu phương tiện, trong đó xe máy là  5,7 triệu chiếc thải khói ra môi trường mỗi ngày.

Khi tắc đường kéo dài, động cơ xe vẫn phải hoạt động liên tục khiến cho lượng khí thải phát ra lớn hơn. Lượng khí thải này bao phủ trong phạm vi chật hẹp nên người dân hít phải nhiều khí độc.

Chuyên gia Bùi Danh Liên cho rằng, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều đề án để cải thiện chất lượng không khí. Trong đó, phải kể đến các biện pháp về tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, chống bụi, chống ồn... nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí.

Tại một đoạn đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), bụi mịt mù không nhìn thấy rõ đường và xe cộ qua lại. Ảnh: Phạm Đông
Tại một đoạn đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), bụi mịt mù không nhìn thấy rõ đường và xe cộ qua lại. Ảnh: Phạm Đông

"Để hạn chế ô nhiễm không khí, lực lượng chức năng của Hà Nội nên tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; đẩy nhanh việc cấm phương tiện cá nhân vào nội đô, thay thế dần bằng xe đạp và phương tiện để giảm thiểu ô nhiễm; thay thế xăng A92 bằng xăng E5. Bên cạnh đó, ngành giao thông thủ đô cũng nên tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc; và tổ chức lại vấn đề lấn chiếm vỉa hè, để khuyến khích người dân đi bộ" - ông Liêm cho hay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Thị Trinh - Trưởng khoa Môi trường (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, ô nhiễm không khí ở thủ đô chủ yếu do bụi từ nguồn phát thải dân sinh, phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng các công trình. 

Theo bà Trinh, Hà Nội không thể ngay lập tức giảm số lượng phương tiện giao thông hay cấm các công trình xây dựng.

Biện pháp cần thiết là cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý, yêu cầu quây kín các công trình xây dựng, xử phạt xe kém chất lượng đi vào thành phố, tưới rửa thu dọn đất ở mặt đường thường xuyên để không phát tán bụi lên không khí...

Theo Anh Tuấn (Lao Động)