Xã hội

Hà Nội 'dẹp' được 8 điểm ùn tắc giao thông nhưng lại phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc mới

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết trong năm 2022 đã xử lý được 8 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng lại dự báo có thêm 10 điểm ùn tắc thường xuyên mới phát sinh.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường vừa ký báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội trong năm 2022.

Báo cáo nêu rõ, tổng số điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm năm 2022 là 35 điểm, tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành từ vành đai 3 trở vào. 

10 tháng qua, cơ quan chức năng đã xử lý được 8/35 điểm gồm: Ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh; ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh; hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; cầu Thường Tín trên quốc lộ 1; ngã tư Bạch Mai - Trương Định; ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Lương Đình Của; cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn.

Tuy nhiên, sở cũng dự báo phát sinh thêm 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm trong năm 2022.

10 điểm đó là: Đường Nguyễn Xiển đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; đường Nguyễn Trãi (đoạn từ ngõ 495 đến đường Nguyễn Xiển); ngã ba Kim Đồng - Giải Phóng; cầu Kim Đồng trên đường Kim Đồng; ngã tư Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch; ngã tư Trần Phú - Phùng Hưng (Hà Đông); ngã tư Phùng Hưng - Tô Hiệu (Hà Đông); ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; khu vực cống Trung Văn; nút giao Lê Quang Đạo - đường gom đại lộ Thăng Long.

Hà Nội 'dẹp' được 8 điểm ùn tắc giao thông nhưng lại phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc mới
Đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), một trong những điểm đen về ùn tắc giao thông tại thủ đô 

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, có năm nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua. Thứ nhất: Quá tải hệ thống hạ tầng giao thông; số lượng phương tiện giao thông đều tăng hàng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải.

Thứ hai: Ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, theo thói quen không tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Thứ ba: Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, trong đó tập trung đầu tư đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối: Nguyễn Hoàng Tôn; Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam; Đường 70...; các cầu qua sông Hồng (Cầu Trần Hưng Đạo; Cầu Tứ Liên...) và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối.

Thứ tư: Nhiều các công trình được thực hiện trên địa bàn Thành phố, đặc biệt khu vực trung tâm, quá trình tổ chức thi công các công trình trên đường giao thông gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Thứ năm: Các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, các nút giao, trục đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm giao thông, tai nạn giao thông cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Về các giải pháp xử lý tình trạng ùn tắc giao thông, sở cho biết sẽ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai. Ngoài ra, đầu tư thêm các tuyến trục chính có tính kết nối như đường Nguyễn Hoàng, cầu Tứ Liên... và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối.

Đồng thời, tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường...

Về những giải pháp trước mắt, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí các lực lượng chốt trực hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thống kê đến tháng 11/2022, thành phố có 7,7 triệu phương tiện giao thông. Trong đó ôtô hơn 1 triệu, xe máy trên 6,5 triệu, xe máy điện khoảng 180.000, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh thành. Trung bình những năm gần đây, số phương tiện tăng 4-5%/năm.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để đảm bảo giao thông vận tải thủ đô đáp ứng được các yêu cầu, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt 20-26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 50-55%.

Nhưng hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 17,8%.

HL (Nguoiduatin.vn)

 




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-dep-uoc-8-iem-un-tac-giao-thong-nhung-lai-phat-sinh-them-10-iem-un-tac-moi-a364430.html