Xã hội

Hà Nội chưa chốt phương án thi vào lớp 10 sẽ gây tâm lý lo lắng, bức xúc

Trong những ngày vừa qua, bậc làm cha làm mẹ và các học sinh khối 9 của cấp THCS trên địa bàn Hà Nội thực sự ngỡ ngàng trước thông tin Sở GDĐT thành phố chưa chốt được phương án tổ chức kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020.

Hà Nội chưa chốt phương án thi vào lớp 10 sẽ gây tâm lý lo lắng, bức xúc
Học sinh mong Hà Nội sớm chốt phương án thi vào lớp 10. Ảnh minh họa: Tô Thế

 Ngoài một phương án cũ công bố hồi tháng 4 (học sinh làm 3 bài thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp), Sở GDĐT Hà Nội vừa đưa thêm 2 phương án tuyển sinh vào lớp 10 nữa để xin ý kiến của các trường. 

Cụ thể, phương án 1 là thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 thuộc 1 trong 6 môn (Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Bài thi thứ 4 sẽ do Sở GDĐT công bố vào cuối tháng 3.

Phương án 2 là giữ nguyên như phương án tuyển sinh lâu nay: Thi tuyển 2 môn Toán, Ngữ văn kết hợp xét tuyển điểm học bạ 4 năm THCS.

Ngoài 3 phương án trên, ông Phạm Quốc Toản-Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GDĐT Hà Nội) cho rằng: "Các trường có thể đề nghị thêm phương án tuyển sinh vào lớp 10. Sở sẽ tổng hợp, trình UBND TP. Hà Nội xem xét".

Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc tháng 4.2018, lãnh đạo Sở đã từng thông báo thi phương án tổ hợp để vào lớp 10 và dự kiến là tháng 9 sẽ công bố đề thi minh hoạ, nên nhiều gia đình cũng như nhà trường, thầy cô giáo, các em học sinh đã lên kế hoạch học tập và ôn tập cho phương án này.

Việc Sở lùi lại thời gian chốt phương án thi tuyển sinh vào 10, đưa thêm hai phương án khác cộng với việc kéo theo là sẽ chậm tiến độ công bố đề thi minh hoạ sẽ là một điều không hay, gây nên tâm lý lo lắng và bức xúc trong dư luận.

Hà Nội chưa chốt phương án thi vào lớp 10 sẽ gây tâm lý lo lắng, bức xúc - 1
Tuyển sinh vào 10 bằng một vài môn chính sẽ khiến học sinh học lệch.

Thực tế khi giảng dạy ở trường THPT, bản thân tôi nhận thấy rằng với việc tuyển sinh vào lớp 10 bằng một vài môn chính đã để lại hậu quả khá xấu với các em học sinh, thường không coi trọng các môn phụ.

Gia đình các em cũng muốn tập trung toàn bộ tinh thần và thời gian học tập các môn Toán và Văn. Đó thực sự là một trong những bước đầu gây ra sự mất cân bằng trong tư tưởng và kiến thức học tập của các em học sinh.

Bậc học THCS là một trong những cấp học mang tính phổ cập, cung cấp và trang bị cho các em học sinh những tri thức, kĩ năng tối thiểu về học tập và cuộc sống. Khi lên cấp bậc cao hơn, các em sẽ phát triển sâu hơn, theo những thế mạnh của mình.

Xu hướng chọn bài thi tổ hợp theo cá nhân tôi sẽ là phù hợp, bởi nó sẽ giúp cho học sinh có sự cân bằng về mặt kiến thức. Bài thi tổ hợp đã được khá nhiều tỉnh thành thực hiện và kinh nghiệm các địa phương đó là những bài học rất có giá trị cho Hà Nội tham khảo.

Đặc biệt là dư luận xã hội cũng nên nhìn vào những mặt tích cực và thành công để có được sự đánh giá khách quan về phương án thi tổ hợp, thay vì vội vã chỉ trích, lên án hay lo lắng.

Chúng ta đều biết rằng kiến thức về các môn khoa học tự nhiên như Vật Lý, Hoá học gắn bó với thực tiễn đời sống. Khi có được kiến thức nền tảng các môn này tốt sẽ giúp học sinh có được cái nhìn khoa học và giải thích được các hiện tượng trong đời sống hằng ngày.

Dư luận xã hội lo lắng về việc sẽ nở rộ việc học thêm, dạy thêm đối với các môn thi tổ hợp. Nhưng nếu mọi người để ý trong thực tế, hiện nay các em học sinh ở Hà Nội đã và đang đi học thêm gần như kín lịch với các khoảng thời gian trống sau khi học ở trường theo giờ chính khoá. Việc học thêm phát sinh sau khi có bài thi tổ hợp thực tế chỉ là việc các con hi sinh bớt đi thời gian học môn Toán và Văn cho các môn học khác mà thôi.

Việc chia sẻ thời gian học tập của con đối với các môn khác sẽ là điều kiện để giúp các em cân bằng lại kiến thức và kĩ năng của bản thân mình.  Mà điều chúng ta quan tâm hơn cả là cách thức tổ chức bài thi tổ hợp là như thế nào mà thôi.

Cá nhân tôi tin chắc rằng việc lệch lạc về mặt kiến thức và kĩ năng của một đứa trẻ là điều mà không có một người làm cha làm mẹ nào muốn. Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình được toàn diện về mặt kiến thức.

Theo Lao Động