Xã hội

Hà Nội chi 114 tỷ phun nước hạ nhiệt: Nhiều quận, huyện hẹn... mùa thu mới phun

Dự chi trăm tỷ phun nước hạ nhiệt đường phố nhưng những ngày qua nắng như đổ lửa, Hà Nội mới chỉ có 3 quận phun nước hạ nhiệt. Nhiều quận vẫn chưa triển khai, thậm chí có nơi phải chờ đến tháng 8 mới thực hiện.

Nói về việc TP Hà Nội chấp thuận chi hàng trăm tỷ cho việc phun nước để hạ nhiệt đường phố trong những ngày nắng nóng, trao đổi với PV báo Infonet, anh Nguyễn Đức Long (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Chủ trương của TP Hà Nội là vậy, nhưng thực tế những ngày qua đã nắng nóng gay gắt lên tới hơn 40 độ C, nhiều thời điểm mặt đường bốc nhiệt lên tới hơn 50 độ C vẫn không thấy cơ quan nào cho phun nước. Người dân chúng tôi chắc chỉ biết chờ trời mưa hạ nhiệt thôi”.

Trao đổi với PV Infonet, một cán bộ Phòng TNMT huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho hay: Tuần trước, huyện Hoài Đức đã làm việc với Sở Xây dựng TP Hà Nội. Theo chỉ đạo, bắt đầu từ ngày 1/8, sau khi thực hiện xong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu (theo hướng dẫn của Sở Tài chính, Sở Xây dựng), huyện mới tổ chức thực hiện tưới nước làm mát đường.

Theo vị này, trước đó, từ tháng 1/2020, UBND huyện Hoài Đức đã có báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 19 của UBND TP về nâng cao chất lượng không khí trên địa bàn. Liên quan đến công tác đấu thầu, đấu giá cũng như tổ chức nguồn vốn thì mãi đến ngày 15/6 mới có hướng dẫn cụ thể thực hiện việc này.

"Trước đây, hạng mục tưới nước rửa đường được đưa vào công tác đấu thầu. Tuy nhiên, công tác đấu thầu từ năm 2017-2020 chỉ được thực hiện theo chỉ đạo của TP.

Chính vì vậy, việc tưới nước rửa đường hay tưới nước giảm ô nhiễm môi trường đều phải có chỉ đạo chứ không phải huyện tự thực hiện", ông Trường nói.

Về vấn đề kinh phí phục vụ cho công tác này, theo ông, TP Hà Nội không có văn bản nào phê duyệt về bổ sung nguồn vốn cho việc này.

"TP cho tiến hành lấy kinh phí từ nguồn kinh phí phục vụ sự nghiệp môi trường và phải thông qua đấu thầu chứ không phải lấy trực tiếp từ ngân sách", vị cán bộ Phòng TNMT giải thích.

Trước băn khoăn về hiệu quả của việc tưới nước hạ nhiệt đường vào tháng 8 vì thời điểm này đã qua mùa nắng nóng cao điểm, vị này khẳng định "huyện thực hiện theo chỉ đạo của TP Hà Nội và đảm bảo đúng quy định".

Lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ C thì các đơn vị sẽ tiến hành phun nước rửa đường để hạ nhiệt. Sau khi phun nước, nhiệt độ giảm ngay 4-5 độ C.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai, nguồn kinh phí này thì quận phải tự cân đối, tuy nhiên vẫn phải xin chủ trương.

"Hiện giờ, các cơ quan liên quan vẫn đang tiếp tục rà soát tại các quận, huyện.

Cũng chưa rõ cụ thể là thời gian nào mới có thể tiến hành tưới nước làm mát lòng đường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cố gắng thực hiện sớm nhất trong khả năng có thể và khi có thông tin cụ thể sẽ thông báo tới báo chí", lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai nói.

Hà Nội chi 114 tỷ phun nước hạ nhiệt: Nhiều quận, huyện hẹn... mùa thu mới phun
UBND TP. Hà Nội đồng ý chi 114 tỷ đồng phun nước rửa, làm mát đường.

Anh Đỗ Xuân Tính, nhân viên Xí nghiệp Môi trường đô thị số 4 - Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội nhận nhiệm vụ phun nước làm mát và rửa đường trên các tuyến phố Tôn Đức Thắng, Hoàng Cầu (quận Đống Đa) cho biết việc phun nước bắt đầu từ 10h sáng, khi nền nhiệt độ mặt đường bắt đầu lên cao.

Trước đó khoảng 30 phút, anh Tính có mặt tại Trạm bơm cấp nước Bồ Đề, Lâm Du (quận Long Biên) để lấy đầy nước cho bồn chứa dung tích 14 khối (14.000 lít).

Được biết, vào những ngày trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, Xí nghiệp Môi trường đô thị số 4 sẽ tăng cường thêm các xe rửa vào các khung giờ cao điểm và phun duy trì vào ban đêm để bảo đảm hạ nền nhiệt độ.

Việc phun nước rửa đường không chỉ giúp đường phố sạch mà theo ghi nhận của những người dân sống hai bên đường sau mỗi lần xe phun nước qua, cảm nhận rõ rệt là cái nóng dịu xuống, không còn hầm hập từ đường nhựa phả lên.

Anh Nguyễn Ngọc Anh, một người dân tham gia giao thông trên phố Tôn Đức Thắng cũng thừa nhận, sau mỗi lần xe phun nước chạy qua, bản thân anh cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Tuy nhiên việc tưới đường làm dịu không khí chỉ mới được thực hiện ở khu vực hẹp, cần mở ra các tuyến phố khác, nhất là những trục đường từ ngoại ô vào trung tâm Thành phố.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn – Trưởng phòng điều hành sản xuất Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Trong 3 ngày (từ 21-23/6), các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã tiến hành phun nước rửa đường chống nắng.

Theo thống kê, từ ngày 21 đến ngày 23/6, tại 3 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa đã có 51 xe, 746 m3 nước với trên 124km đường được phun rửa. Ghi nhận sau mỗi lần phun nước rửa đường, nhiệt độ ngoài trời ở khu vực này giảm từ 3-5 độ.

Hà Nội hiện có 12 quận, nhiều quận nội thành nắng nóng, mật độ giao thông cao như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên... rất cần phải tưới đường giảm nhiệt. Tuy nhiên hầu hết đều chưa triển khai.

Trong khi đó, một lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (đơn vị ký hợp đồng tưới nước làm mát lòng đường trong thời tiết nắng nóng – PV) cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, công tác phun nước làm mát cho các tuyến đường trên địa bàn quận vẫn chưa được thực hiện vì Sở Xây dựng vẫn đang rà soát lại quy trình, khối lượng cũng như cân đối bố trí kinh phí liên quan. Trước đó, một số quận, huyện cũng đã có kế hoạch trình TP”.

Hà Nội chi 114 tỷ phun nước hạ nhiệt: Nhiều quận, huyện hẹn... mùa thu mới phun - 1
Người dân sống hai bên đường và người tham gia giao thông cảm nhận rõ rệt sự khác biệt sau mỗi lần xe phun nước đi qua

Nhiều người dân bày tỏ sự khó hiểu với việc các địa phương rất chậm trễ, tháng 8 mới phun nước hạ nhiệt đường khi thời tiết đã qua giai đoạn nắng nóng gay gắt.

Anh Nguyễn Văn Minh (38 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi được biết chủ trương phun nước nhằm làm mát lòng đường trong thời tiết nắng nóng thì đã có. Nhưng chắc nó chỉ đang ở trên “giấy” mà thôi.

Chờ đến tháng 8 mới phun nước làm mát lòng đường thì phun làm gì nữa. Giờ trời nắng như đổ lửa thì các cơ quan chức năng của các quận, huyện đang lên kế hoạch và cho các đơn vị đấu thầu… Rồi chờ cấp trên phê duyệt nữa thì không biết đến khi nào mới thực hiện được”.

HP (Nguoiduatin.vn)