Xã hội

Giật mình trước những "mánh khóe" rùng rợn để trốn trại của người nghiện

Gây áp lực với gia đình bằng cách tự tử hoặc thậm chí nuốt vật lạ vào người để tìm cách trốn thoát khỏi trại cai nghiện là một trong những cách mà người nghiện ma túy thường nghĩ ra khi không muốn cai nghiện.

Gây áp lực với gia đình bằng cách tự tử hoặc thậm chí nuốt vật lạ vào người để tìm cách trốn thoát khỏi trại cai nghiện là một trong những cách mà người nghiện ma túy thường nghĩ ra khi không muốn cai nghiện.
 
 
Giật mình trước những ‘mánh khóe’ rùng rợn để trốn trại của người nghiện - ảnh 1
Các học viên trại cai nghiện đập phá các phòng, thoát ra ngoài.
 
VIDEO: Các học viên trại cai nghiện đập phá các phòng, thoát ra ngoài vào ngày 23.10.2016
Gây áp lực tinh thần
 
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa cho biết, ở trung tâm những người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện thường đến đây bởi nhiều lý do, nhưng hầu hết là vì hoàn cảnh nào đó mới tự nguyện đi “làm lại cuộc đời”.
 
Trong đó nguyên nhân chính thường kéo theo là không còn tiền chơi ma tuý, gia đình tan vỡ, áp lực xã hội, mất việc làm. Có lúc người nghiện muốn đi cai nhưng lại có tâm lý “sáng nắng chiều mưa”, sáng đi cai, chiều lại không muốn nữa.
 
Những nguyên nhân đó cũng là tâm lý chung của người đi cai. Tuy nhiên, khi vào trại bị gò bó không gian sinh hoạt, cảm thác thèm nhớ ma tuý nên nhiều người chịu không nổi muốn tìm cách trốn khỏi trung tâm.
 
Khi người nghiện đang trong quá trình cai, thì tự cho mình đã khỏe hoặc không thích ứng được với môi trường nên luôn muốn rời khỏi trung tâm khi chưa xong quá trình dứt hẳn với ma tuý.
 
Những mánh khóe dễ nhận dạng của người nghiện thường thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau như dùng lời nói dọa nạt, giả đau bệnh và nuốt dị vật để gây áp lực với gia đình, nhân viên y tế hòng tìm cách trốn thoát khỏi trại.
 
Bác sĩ Duy nhớ lại trường hợp đã gặp phải những năm trước, người nghiện dọa nạt thân nhân bằng cách tự tử đập đầu vào tường, cứa tay chân tạo thành vết thương lớn. Có khi dùng lời lẽ nặng nề như: “Không thôi ngày mai ông bà vô nhận cái xác tôi về” khi gọi cho cha mẹ.
 
Hay có người khi đã vào trung tâm cai nghiện, nhưng gọi điện về cho gia đình thông báo ở trong trại sẽ bị nhiễm HIV vì có rất nhiều người bị nhiễm đang sống, sinh hoạt cùng nhau. Nếu gia đình không hiểu rõ sẽ dễ bị “dính bẫy” của người nghiện và mang con về thì quá trình tái nghiện sẽ lặp lại.
 
Nuốt dị vật vào người

Khi không thể dùng áp lực bằng lời lẽ thì người nghiện sẽ cố gắng tìm “phép thử” khác mạnh hơn để đánh lạc hướng, gây áp lực lên nhân viên chăm sóc, chở vào bệnh viện khám nhằm lợi dụng thời cơ bỏ trốn.
 
Bác sĩ Duy tiết lộ, nhiều trường hợp giả bệnh hoặc luôn tìm những vật lạ như dây điện, kẽm, ốc vít, thanh lồng sắt quạt máy, kim ghim giấy, ống hút... để nuốt vào người. Sau đó kêu la đau đớn hoặc khai báo thẳng với nhân viên để được chở đi bệnh viện cấp cứu nhằm ra khỏi trung tâm.
 
Nguy hiểm nhất là việc người nghiện đập phá cửa buồng tắm, lấy ốc vít trong đó nuốt vào. Thậm chí những thanh lồng sắt của quạt máy, dây điện được bẻ rồi uống cong lại và nuốt thẳng vào dạ dày. Những vật này thường được người nghiện quan sát, tìm hiểu rất kỹ trước khi hành động.
 
“Trường hợp tôi gặp nhiều là nuốt dị vật, rồi khai chở để được đi bệnh viện để khám. Thế nhưng không ngờ người này đã hẹn trước với bạn bè ngày giờ đi bệnh viện và đợi sẵn ở đó. Sau đó cả đám cầm cây tiến về phía bảo vệ đánh rồi giải cứu người này. Còn có trường hợp khác là một nam thanh niên kia cũng đã hẹn với nữ người yêu. Khi xe chở thanh niên này đến cầu Kinh thì người nữ này nhào ra chặn xe, đập cửa uy hiếp bảo vệ giải cứu người yêu mình”, bác sĩ Duy nhớ lại.
 
Bác sĩ Duy kể kiếp, có những người khi nuốt những dị vật bằng kim mà không thể trốn thoát được lần thứ nhất thì sẽ tìm cách nuốt những thứ khác tinh vi hơn vào lần sau để không gây nguy hiểm đến tính mạng mình.
 
Cách đây lâu có một gia đình lên thăm con đang cai nghiện, có mang theo lon nước ngọt để uống. Lợi dụng sơ hở người nghiện này liền bẻ cái khoen nắp cộng với lấy ống hút giấu đi. Vài ngày sau người này nuốt luôn ống hút đó rồi lập tức báo với nhân viên phải đưa đi cấp cứu.
 
Khi nhân viên chuẩn bị chở đến bệnh viện, thì người này ra điều kiện phải có người thân đi cùng nhằm gây áp lực với gia đình để đưa về nhà.
 
Tuy nhiên, sau khi chụp X-quang thì phát hiện trong bao tử có vật giống các thanh kim loại nằm chồng lên nhau. Vì vậy người này phải nội soi móc nó ra. Đến khi mang ra thì vỡ lẽ chỉ là những ống hút được hơ lửa, bẻ cong lại. Và gia đình không đón về, phải ở lại tiếp tục cai nghiện.
 
Giật mình trước những ‘mánh khóe’ rùng rợn để trốn trại của người nghiện - ảnh 7
Ống hút đươc người nghiện bẻ cong bằng băng keo. ẢNH: PHẠM HỮU
 
Trong nhiều năm làm công tác cai nghiện, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy đã chứng kiến và biết được những mánh lới của người nghiện. Vì vậy khi có chuyện xảy ra, bác sĩ Duy đều nắm bắt được những tình huống kèm theo việc phải kiểm tra phòng ốc thường xuyên. Nhất là không để những vật lạ ở trong phòng của người nghiện.
 
Trường hợp tôi gặp nhiều là nuốt dị vật, rồi khai chở để được đi bệnh viện để khám. Thế nhưng không ngờ người này đã hẹn trước với bạn bè ngày giờ đi bệnh viện và đợi sẵn ở đó. Sau đó cả đám cầm cây tiến về phía bảo vệ đánh rồi giải cứu người này. Còn có trường hợp khác là một nam thanh niên kia cũng đã hẹn với nữ người yêu. Khi xe chở thanh niên này đến cầu Kinh thì người nữ này nhào ra chặn xe, đập cửa uy hiếp bảo vệ giải cứu người yêu mình.
BS Duy kể

Theo Phạm Hữu - An Huy (Thanh Niên Online)