Xã hội

Giật mình nước ở 23 chung cư và hộ dân tại TP.HCM nhiễm bẩn

Mặc dù nước tại các nhà máy nước đạt 100% chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh nhưng qua kiểm tra cho thấy nước tại các hộ gia đình, các điểm cung cấp thì không đạt chỉ tiêu.

Mặc dù nước tại các nhà máy nước đạt 100% chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh nhưng qua kiểm tra cho thấy nước tại các hộ gia đình, các điểm cung cấp thì không đạt chỉ tiêu.
 
Cán bộ của Trung tâm y tế dự phòng lấy nước tại hộ gia đình để kiểm tra  /// Ảnh: T.Tùng
 
Ngày 18.8, bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết đã có kết quả xét nghiệm giám sát chất lượng nước máy sinh hoạt trên địa bàn TP trong 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, trung tâm đã lấy 7 mẫu nước tại 7 nhà máy nước, tất cả chỉ tiêu hóa lý, vi sinh đều đạt 100%.
 
Nhưng thực tế nước từ nhà máy đến các trung tâm cung cấp nước và hộ gia đình sinh hoạt lại là chuyện khác. Trung tâm đã lấy 193 mẫu tại 13 cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên thì có đến gần 20% (37 mẫu) cơ sở không đạt quy chuẩn (QCVN 01:2009/BYT) về chỉ tiêu hóa lý: pH, clo dư, HL sắt tổng số, HL clorua, chỉ số pecmanganat (chỉ số này cao thì chứng tỏ nước đã bị ô nhiễm chất hữu cơ). Lấy 419 mẫu nước tại 141 cơ sở cung cấp có công suất dưới 1.000 m3/ngày đêm thì đến 33% (137 mẫu) không đạt về hóa lý, 18% (76 mẫu) không đạt về vi sinh.
 
Còn nước lấy trên mạng lưới, tại nhà dân thì hằng tháng, mỗi quận sẽ được lấy 3 mẫu tại các điểm nghi ngờ nước có vấn đề. 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm y tế dự phòng TP lấy 405 mẫu nước kiểm tra thì có 47 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý và 2 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh.
 
Bên cạnh đó, trung tâm cũng tiến hành lấy 601 mẫu nước tại chung cư để kiểm tra, có 6 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý và đến 31 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh ở 23 chung cư. Đáng lưu ý, điển hình như chung cư 151 - 173 Nguyễn Tri Phương, Q.5, sau khi tiến hành súc xả và lấy mẫu lần 2 nhưng kết quả xét nghiệm vi sinh vẫn không đạt.
 
Rò rỉ đường ống thâm nhiễm nước bẩn?
 
“Tại sao nước không đạt? Là vì mạng lưới ống nước của TP quá cũ. Có những đoạn bị nứt, rò rỉ, thủng nên nguy cơ thâm nhiễm nước bẩn từ bên ngoài. Các chất bẩn bên ngoài tràn vào nước làm giảm clo dư, hao hụt clo dư và thay đổi pH. Mặt khác, vì là đường ống cũ nên đóng cặn và điều này cũng góp phần làm hao hụt clo dư và thay đổi pH. Một lý do khác làm giảm clo dư và thay đổi pH, nhiễm vi sinh nước trên mạng lưới và nhà dân là do áp lực nước yếu nên người dân trữ nước trong bồn chứa, lâu ngày đã làm clo bay hơi, cộng với việc không súc rửa làm đóng cặn, nhiễm vi sinh... Đó cũng là lý do Bộ Y tế khuyến cáo thay đổi đường ống và tăng áp lực nước trong thời gian chờ”, bác sĩ Nhân cho biết thêm.
 
“Qua nhiều năm theo dõi, một phần là do chúng tôi đề xuất phạt nên nước ở chung cư có tiến bộ về mặt chất lượng. Tuy nhiên, có những chung cư không có ban quản trị, không có ai chăm lo nước trong hồ chứa. Có chung cư có ban quản trị nhưng dân không chịu đóng tiền nên không có tiền chăm lo cho hồ nước nên nước không đạt chất lượng”, bác sĩ Nhân nêu thực trạng.
 
Bác sĩ Nhân phân tích, theo QCVN 01:2009/BYT thì pH trong nước là từ 6,5 - 8,5 nhưng nếu thay đổi giảm quá nhiều như dưới 4 chẳng hạn thì sẽ gây rối loạn tiêu hóa, ngứa ngoài da, hư men răng... cho người sử dụng và làm vật dụng, quần áo mau hư hỏng. Nếu giảm từ 6,3 - 6,2 thì không ảnh hưởng. Còn mục đích đưa clo (quy định 0,3 -0,5 mg/lít) vào nước máy đầu nguồn là để diệt vi khuẩn, ô xy hóa chất hữu cơ, clo quy định trong nước cuối đường ống là 0,3 mg/lít, nếu không đạt sẽ gây ra tồn dư vi khuẩn. Nhưng về mặt lý thuyết, nếu cuối đường ống lượng clo vẫn còn 0,1 - 0,2 mg/lít là an toàn. Còn nước nhiễm vi sinh coliforms và e.coli - đây là những nhóm vi khuẩn định danh, khi xuất hiện chúng trong nước chứng tỏ nước nhiễm phân người hoặc phân súc vật và có thể dẫn đến việc nước nhiễm những vi khuẩn đường ruột khác (tả, lỵ, thương hàn...)
 
Về giải pháp, Trung tâm y tế dự phòng TP khuyến cáo xây dựng trạm tăng áp, châm bổ sung clo trên mạng lưới đường ống cấp nước nhằm đảm bảo áp lực nước đến hộ dân và hàm lượng clo dư ổn định từ đầu đến cuối đường ống. Cải tạo, nâng cấp đường ống và thường xuyên súc xả. Đối với UBND các quận, huyện cần quan tâm đến chất lượng nước sinh hoạt của người dân, đặc biệt là ở các khu chung cư cũ, xuống cấp. Trung tâm y tế dự phòng TP ngoài kiểm tra, báo cáo các cơ quan chất lượng nước thường xuyên thì cũng sẽ đề xuất UBND quận, huyện phạt các chung cư có nguồn nước cung cấp cho người dân không đạt. 

Theo Duy Tính (Thanh Niên Online)