Xã hội

Giáo trình đại học có bản đồ 'hình lưỡi bò', Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Giáo trình giảng dạy tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa bị phát hiện có in hình bản đồ Trung Quốc kèm “đường lưỡi bò”, gây bức xúc dư luận. Chuyên gia giáo dục nhận định, khâu thẩm định lỏng lẻo, Hiệu trưởng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Trường đại học sử dụng giáo trình có hình ảnh phi pháp

Trong mấy ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến giáo trình giảng dạy tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có in hình bản đồ Trung Quốc có "hình lưỡi bò" phi pháp gây bức xúc dư luận. Cụ thể, tại trang 36 của cuốn giáo trình đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese", bài 7 in hình bản đồ có "đường lưỡi bò". Theo lãnh đạo nhà trường, khi phát hiện có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp trong sách, Ban Giám hiệu nhà trường đã họp và ra quyết định tịch thu tất cả số giáo trình này. Một số cuốn đã được bán tới tay sinh viên cũng đã được thu hồi để tiêu hủy.

Không chỉ có giáo trình "Developing Chinese", dùng cho sinh viên khoa Tiếng Trung - Nhật. Cuốn "Elementary Listening Course" (Nghe) có hình ảnh "đường lưỡi bò" in nhỏ, mờ. Thêm nữa, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn phát hiện cuốn giáo trình Tổng quan về Trung Quốc, NXB Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, 2018, ghi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành Tây Sa, quần đảo Trường Sa ghi là Nam Sa. Cuốn sách này cũng bị thu hồi cùng giáo trình có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp.

Giáo trình đại học có bản đồ 'hình lưỡi bò', Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và trang giáo trình có in hình bản đồ kèm “đường lưỡi bò” phi pháp. Ảnh: Q.Anh

 

Đáng chú ý, khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Khoa Tiếng Trung - Tiếng Nhật lại có những giải thích khác nhau liên quan đến bộ giáo trình, thậm chí "vô tư" đổ lỗi cho giáo trình có bản đồ nhỏ nên khó phát hiện, khâu thẩm định chỉ chú trọng vào phần nội dung chữ...(?). Tuy nhiên, sau khi sự việc được phát hiện, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn gửi Đại học Kinh doanh và Công nghệ yêu cầu rà soát, báo cáo sử dụng giáo trình theo quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT): "Bộ đã yêu cầu nhà trường cần khẩn trương thu hồi các giáo trình, tài liệu có nội dung ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, nội dung xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới hoặc có nội dung truyền bá tôn giáo. Tổ chức rà soát lại toàn bộ quy định lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình của tất cả các giáo trình đang được sử dụng, lưu hành tại trường, đảm bảo tất cả giáo trình sử dụng phải đáp ứng đúng quy định".

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Qua sự việc thể hiện lỏng lẻo trong thẩm định giáo trình, tài liệu, ảnh hưởng tới nhận thức của sinh viên, TS.Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cách giải thích của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là không thuyết phục, không thể đổ lỗi cho hình ảnh nhỏ, chỉ chú trọng đến phần nội dung mà bỏ sót chi tiết là hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp. Nếu như đó là cuốn sách tham khảo, để ở thư viện như hàng nghìn cuốn khác thì có thể không đọc hết, nhưng đây là giáo trình giảng dạy cho sinh viên, càng phải cẩn thận và được thẩm định một cách kỹ càng. Ngoài công tác thu hồi, nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót này.

Hiện nay, quy định của Bộ GD&ĐT (Thông tư 04/2011/TT-BGDĐT) cũng nêu rõ, giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy, chuẩn bị bài giảng của giảng viên và học tập của sinh viên đối với các môn học có trong chương trình đào tạo phải được hội đồng khoa học và đào tạo khoa trình hiệu trưởng xem xét, lựa chọn. Cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình để sử dụng, đảm bảo mỗi môn học có ít nhất một giáo trình phục vụ công tác giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm về kinh phí tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định và duyệt giáo trình theo quy định hiện hành.

Theo TS.Lê Viết Khuyến, từ nhiều năm nay đã có quy định, Hiệu trưởng các trường đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở của mình dựa trên thẩm định của hội đồng thẩm định giáo trình do Hiệu trưởng thành lập. Vai trò của Hội đồng thẩm định là rất quan trọng, phải là những nhà khoa học có chuyên môn trong lĩnh vực đó, thẩm định kỹ càng trước khi áp dụng vào giảng dạy. Cho nên, khi xảy ra sai sót không thể đổ lỗi cho ai, mà chỉ có thể do làm cẩu thả, qua loa.

"Ở bậc phổ thông, Bộ GD&ĐT có thể đứng ra để thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh. Nhưng ở bậc đại học, các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức biên soạn, sử dụng giáo trình giảng dạy. Cái khó là ở chỗ mỗi trường tự chọn cho mình giáo trình riêng, không nơi nào giống nơi nào. Bộ GD&ĐT cũng chỉ có rất ít chuyên viên, khó mà thẩm định, kiểm tra hết được, do đó vai trò của Bộ là phải thường xuyên đôn đốc các trường tuân thủ nghiêm các quy định, xử lý nghiêm các vi phạm. Ngoài ra, tăng cường giám sát nhân dân để phát hiện sai phạm. Sự việc ở trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ là một ví dụ, cũng là do sinh viên phát hiện ra", TS. Lê Viết Khuyến chia sẻ thêm. 

Bộ GD&ĐT cho biết, đã yêu cầu Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dừng ngay việc sử dụng, lưu hành giáo trình có bản đồ kèm hình “đường lưỡi bò”. Ngoài ra, Bộ yêu cầu nhà trường khẩn trương làm rõ sai phạm của các cá nhân, đơn vị có liên quan và có hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm minh theo đúng quy định. Trường phải gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT, qua Vụ Giáo dục Đại học trước ngày 5/11 với nội dung thu hồi và rà soát; trước ngày 5/2/2020 đối với nội dung làm rõ sai phạm và có hình xử lý kỷ luật với các cá nhân và đơn vị liên quan.

Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/giao-duc/giao-trinh-dai-hoc-co-ban-do-hinh-luoi-bo-hieu-truong-phai-chiu-trach-nhiem-20191106181507008.htm