Xã hội

Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM nói gì khi địa phương bị đánh giá là ô nhiễm nhất cả nước?

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17 của HĐND TP.HCM, người đứng đầu ngành Tài nguyên & Môi trường TP đã nhận được nhiều câu hỏi về ô nhiễm không khí, thủ tục hành chính nhà đất,...

Sáng 9/12, ngày làm việc cuối cùng, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo chương trình, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP.HCM sẽ trình bày vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tình hình rà soát thu hồi các dự án chậm triển khai và tiến độ xây dựng hệ thống quan trắc môi trường thành phố.

Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM nói gì khi địa phương bị đánh giá là ô nhiễm nhất cả nước?
Giám đốc sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng.

Song song đó, công tác bảo vệ môi trường đô thị khu dân cư như di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong địa bàn dân cư, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tình hình chuyển đổi phương thức tổ chức và phương tiện thu gom, vận chuyển rác,... cũng được các đại biểu quan tâm.

Vấn đề ô nhiễm môi trường, số lượng và chất lượng hoạt của các trạm quan trắc không khí được đại biểu Nguyễn Hữu Trí đề cập, có ý kiến cho rằng TP.HCM là một trong những thành phố ô nhiếm nhất cả nước và khu vực.

“Vậy, đồng chí Giám đốc sở TN&MT có đánh giá chất lượng không khí, nguồn nước ra sao?”, ông Trí đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Quang Thắng cũng chất vấn, vì sao TP.HCM chỉ mới có 4 trạm quan trắc tự động, cách quan trắc thủ công như hiện nay còn chậm, chưa kịp thời đưa ra cảnh báo với người dân.

Trả lời các đại biểu, Giám đốc sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận những vấn đề đại biểu chất vấn được các cử tri rất quan tâm.

“Hiện nay, TP.HCM nhận diện và đánh giá chính xác các chỉ số ô nhiễm. Toàn thành phố có 327 điểm đặt các trạm quan trắc thủ công. Công tác đầu tư các trạm quan trắc tự động đang được UBND TP ghi vốn.

Trong tháng 12, TP.HCM đưa vào vận hành thử 6/58 trạm quan trắc tự động trên tất cả lĩnh vực như nước, không khí, lún… Vì thế, người dân có thể căn cứ vào 48 biển báo điện tử tại các nút giao thông lớn để đánh giá chất lượng môi trường”, ông Thắng cho biết.

Trước thắc mắc của cử tri về việc trạm tự động ít nên thời gian có kết quả chậm, ông Thẳng khẳng định: “Không phải vì không có trạm tự động mà không quan trắc chính xác. Chúng ta không buông lỏng”.

“Như tình trạng mù do khí thải, hoạt động công nghiệp, bụi mịn, chúng ta đưa ra cảnh báo và có giải pháp. Về ô nhiễm do phương tiện giao thông thì phối hợp với sở Giao thông Vận tải TP có giải pháp kiểm soát khí thải ô tô”, ông Thắng cho biết.

Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM nói gì khi địa phương bị đánh giá là ô nhiễm nhất cả nước? - 1
Các đại biểu HĐND TP.HCM trong phiên chất vấn.

Cũng trong phần chất vấn Giám đốc sở TN&MT TP.HCM, một số đại biểu đã chất vấn về việc hiện nay có nhiều chủ đầu tư lấy chung cư thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào ngân hàng, nên không cấp được giấy chứng nhận sở hữu nhà (sổ hồng) cho người dân.

Nhiều người mua nhà vào ở, nhưng mỏi mòi chờ chủ đầu tư cấp giấy, quyền lợi cũng bị ảnh hưởng. Trách nhiệm của chủ đầu tư, người dân và Nhà nước để tháo gỡ tình trạng này?

Trao đổi lại, ông Thắng cho biết, hiện nay TP.HCM đã cấp được 62.000 giấy chứng nhận sở hữu nhà cho 194 dự án trên địa bàn TP. Tuy nhiên còn nhiều chung cư chưa thể cấp được giấy chứng nhận cho cư dân do 3 nhóm nguyên nhân.

Thứ nhất, chủ đầu tư trước khi xây dựng được cấp giấy phép và có quyền thế chấp sổ đỏ để lấy tiền xây dựng.

Khi xây dựng xong phải nộp tiền ngân hàng để lấy sổ đỏ ra nộp cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư không nộp tiền vào để lấy sổ đỏ ra làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho dân.

Vừa qua, TP đã phối hợp đề ra giải pháp cho phép ngân hàng giữ lại những phần tài sản của chủ đầu tư tương ứng, còn sẽ rút ra phần tài sản của người dân đã mua để cấp giấy chứng nhận cho người dân.

"Người dân mua bằng hợp đồng nên theo dõi việc chủ đầu tư thế chấp giấy chứng nhận và có trách nhiệm giải quyết bằng hợp đồng trong việc mua bán", ông Thắng khuyến cáo.

Thứ hai, chủ đầu tư xây dựng sai so với giấy phép, không nghiệm thu được nên sẽ không cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp này buộc phải xử lý về vi phạm xây dựng, sau đó mới cấp giấy chứng nhận được cho cư dân. Ngành xây dựng cũng phối hợp với ngành tài nguyên để kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng các dự án.

Thứ ba, chủ đầu tư không hoàn thiện phần công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nên không được cấp giấy chứng nhận.

"Hiện nay, chúng tôi đã kết hợp sở Xây dựng đến quý 1/2020 sẽ phân loại chung cư thành các nhóm để giải quyết xong những chỉ đạo của HĐND TP", ông Thắng nói.

Theo Hà Nhân (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/giam-doc-so-tai-nguyen-moi-truong-tp-hcm-noi-gi-khi-dia-phuong-bi-danh-gia-la-o-nhiem-nhat-ca-nuoc-a459137.html